1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Anh em Trịnh Văn Quyết phải bồi thường, sung công quỹ bao nhiêu tiền?

Nguyễn Hải Hải Nam

(Dân trí) - Về trách nhiệm dân sự đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán, HĐXX buộc Trịnh Văn Quyết và 2 em gái phải bồi thường, sung công quỹ Nhà nước 2.470 tỷ đồng.

Chiều 5/8, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC.

Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 21 năm tù.

49 bị cáo còn lại, HĐXX tuyên phạt mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 14 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. 

Về trách nhiệm dân sự, đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX buộc các bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Trịnh Văn Quyết) phải liên đới bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng; bồi thường cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường hơn 1.780 tỷ đồng. 

Tổng cộng số tiền bị cáo Quyết và Huế phải liên đới bồi thường cho các bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hơn 1.785 tỷ đồng.

Anh em Trịnh Văn Quyết phải bồi thường, sung công quỹ bao nhiêu tiền? - 1

Các bị cáo tại phiên tuyên án chiều 5/8 (Ảnh: Nam Phương).

HĐXX xác nhận các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã nộp số tiền hơn 264 tỷ đồng để bồi thường. 

Do đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế phải tiếp tục bồi thường số tiền hơn 1.520 tỷ đồng.

"Nếu chia theo kỷ phần vị trí, vai trò bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường số tiền 1.364 tỷ đồng (tương ứng 90%); bị cáo Huế phải bồi thường 151 tỷ đồng (tương ứng 10%)", HĐXX nêu. 

Đối với các nhà đầu tư khác là bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hiện chưa có yêu cầu bồi thường, HĐXX cho biết, họ có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường bằng vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật. 

Đối với các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu ROS (cổ phiếu của Công ty Faros) cho các nhà đầu tư khác có quyền tự thỏa thuận với bên mua về giá trị nâng khống, nếu có tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu giải quyết bằng vụ án dân sự khác. 

Đối với tội Thao túng thị trường chứng khoán, HĐXX buộc các bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết) phải liên đới truy nộp, bổ sung công quỹ Nhà nước hơn 684 tỷ đồng.

HĐXX xác nhận các bị cáo khác đã nộp số tiền hơn 570 triệu đồng để khắc phục hậu quả vụ án. 

Anh em Trịnh Văn Quyết phải bồi thường, sung công quỹ bao nhiêu tiền? - 2

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa (Ảnh: Nam Phương).

Do đó, các bị cáo Quyết, Huế, Nga phải liên đới nộp hơn 683 tỷ đồng để sung công quỹ Nhà nước.

Nếu chia theo tỷ phần, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải nộp 500 tỷ đồng, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế phải nộp 100 tỷ đồng, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga phải nộp hơn 83 tỷ đồng.

Đồng thời, HĐXX cũng buộc Công ty chứng khoán BOS phải nộp số tiền hưởng lợi trái pháp luật từ hành vi thao túng thị trường chứng khoán là hơn 42 tỷ đồng.

Tổng cộng số tiền các bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga phải bồi thường, sung công quỹ Nhà nước đối với 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán là 2.470 tỷ đồng.

Để bảm đảo nghĩa vụ bồi thường và sung công quỹ Nhà nước, HĐXX cũng kê biên hàng loạt các bất động sản của bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga,...

Dòng sự kiện: Xét xử vụ án FLC