1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Xét xử vụ FLC: VKS khẳng định vụ án hàng vạn bị hại chứ không chỉ 133 người

Nguyễn Hải Hải Nam

(Dân trí) - Theo đại diện VKS, căn cứ để xác định bị hại là việc các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ ra một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán, để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS.

Ngày 29/7, phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán... xảy ra tại Tập đoàn FLC tiếp tục phần tranh luận. 

Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân TP Hà Nội đưa ra những quan điểm phản biện, đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư.

Đầu tiên, đối với quan điểm bào chữa của luật sư về ý thức chủ quan, xác định bị hại, số tiền chiếm đoạt và quan điểm đánh giá đồng phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đại diện VKS khẳng định bị cáo Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác cùng thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán với số tiền đặc biệt lớn.

Các bị cáo còn lại đã giúp sức tích cực hoặc tạo điều kiện để bị cáo Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Trịnh Văn Quyết) thực hiện hành vi phạm tội.

Xét xử vụ FLC: VKS khẳng định vụ án hàng vạn bị hại chứ không chỉ 133 người - 1

Đại diện VKS (Ảnh: H.N.).

Căn cứ tài liệu điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa án, VKS xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức chỉ đạo, phân công giao việc hoặc nhờ các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ thông qua một chuỗi hành vi gian dối.

"Các bị cáo còn lại đều là người thân, nhân viên cấp dưới, họ hàng, người quen của bị cáo Quyết, bị cáo Huế, được bị cáo Quyết tin tưởng, bổ nhiệm, phân công chỉ định hoặc giao thực hiện hàng loạt hành vi gian dối như nhờ đứng tên cổ đông góp vốn, nhận ủy thác đầu tư để hợp thức việc nâng khống vốn góp, ghi nhận thông tin gian dối", cơ quan tố tụng đối đáp.

Theo VKS, với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn Hose làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu, hình thành từ vốn góp, nâng khống giao dịch qua 30.403 tài khoản chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.

Trước đó, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trịnh Văn Quyết và một số luật sư cho rằng, chỉ có cơ sở xác định 133 nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phiếu ROS (cổ phiếu công ty Faros) ban đầu, hình thành từ vốn góp khống là bị hại trong vụ án, không có cơ sở xác định 30.403 nhà đầu tư là bị hại vì có nhiều người trùng tên, bị cáo Quyết không có ý thức chiếm đoạt tài sản.  

Với quan điểm này, đại diện Viện kiểm sát đối đáp, kết quả điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa án đã xác định trong tổng số 430 triệu cổ phiếu ROS, giá trị là 4.300 tỷ đồng được niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ có hơn 1.100 tỷ đồng là vốn góp thật, còn lại hơn 3.102 tỷ đồng là vốn khống.

Xét xử vụ FLC: VKS khẳng định vụ án hàng vạn bị hại chứ không chỉ 133 người - 2

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa (Ảnh: Minh Đức).

"Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ ra một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS, bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng", đại diện VKS nói và cho biết đây là căn cứ để xác định họ là bị hại của vụ án.

Đến nay, 133 người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, số bị hại còn lại được quyền tiếp tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định.

Đối với hơn 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, đại diện cơ quan tố tụng cho hay, qua rà soát có trùng tên người sử dụng tài khoản như luật sư đã đề cập.

Cụ thể, có 25.853 bị hại sử dụng 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 4.818 tỷ đồng.

Tuy nhiên, VKS cho rằng việc xác định lại số bị hại không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra, truy tố của cơ quan tố tụng.

Bởi lẽ, 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu có giá trị nâng khống của Trịnh Văn Quyết và bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng, tương đương với số tiền bị cáo đã chiếm đoạt.

Cũng trong phần đối đáp, các kiểm sát viên cho hay bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), và Nguyễn Thanh Bình, cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đều thành khẩn khai báo nên đề nghị giảm mức án đề nghị từ 8-9 năm tù xuống 7-8 năm tù.

Dòng sự kiện: Xét xử vụ án FLC