DNews

Thừa tiền, cô gái Hà Nội mới dám bỏ việc ra đảo Phú Quý ở nhiều tháng?

Dĩ An

(Dân trí) - Sống trên đảo đến tháng thứ hai, Lê Huyền nhận ra khoản tiền tiết kiệm của mình bắt đầu vơi dần. Cô phải tính kế hoạch khác và bám trụ ở đó đến bây giờ.

Thừa tiền, cô gái Hà Nội mới dám bỏ việc ra đảo Phú Quý ở nhiều tháng?

Ở tuổi 24, Lê Huyền quyết định nghỉ làm ở công ty cô gắn bó 3 năm. Không phải chán ghét môi trường làm việc hay xích mích với đồng nghiệp cũ, Huyền nghỉ việc vì muốn cho bản thân cơ hội khám phá những thứ mới mẻ hơn.

Cô gái Hà Nội đặt vé máy bay, xách vali đến đảo Phú Quý, Bình Thuận. Một năm trước, cô trót phải lòng vùng đảo này ngay từ lúc đặt chân đến.

Ban đầu, cô chỉ định ở  một tháng. Sau 3 tháng trải nghiệm, cô hiện không muốn rời đi.

Huyền nói với phóng viên Dân trí: "Tôi đã tự hỏi, tuổi trẻ mọi người sống hết mình với đam mê hay tiết kiệm cho tương lai? Và tôi đã chọn vế đầu. Do đó, tôi nghỉ việc để cho bản thân cơ hội sống cuộc đời mình thích, làm những điều mình muốn".

Ban ngày ra biển đọc sách, tối về dựng video

"Mày bị điên à?" là câu Lê Huyền nhận được khi trình bày ý định và rủ bạn bè đồng hành. Bởi thực tế, ít ai dám từ bỏ công việc, cuộc sống ổn định để chuyển đến một nơi xa giống cô.

Thừa tiền, cô gái Hà Nội mới dám bỏ việc ra đảo Phú Quý ở nhiều tháng? - 1

Huyền mất nửa tháng để quen với cuộc sống trên đảo (Ảnh: NVCC).

Mới ra đảo, cô chưa quen biết nhiều nên đôi lúc không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Chỉ mất tầm nửa tháng, cô bắt đầu thích nghi, quen thêm bạn bè mới, trải nghiệm được điều hay ho.

Giờ đây, cô không còn khóc nhè vì nhớ nhà nữa. Với cô, Phú Quý đã trở thành ngôi nhà thứ hai.

Bạn bè, người thân của Huyền thường thắc mắc việc không liên lạc được cho cô. Thực tế, Huyền bận bịu cả ngày. Cô bận đi chơi, khám phá, trải nghiệm đến tối mới về phòng.

Mỗi ngày sống trên đảo của cô không bị trùng lặp hoạt động. Do đó, cô cảm thấy bản thân làm được nhiều việc ý nghĩa.

"Thông thường, tôi đi lặn, ra bãi biển nằm đọc sách, vẽ tranh, quay video, nhặt rác với hội trên đảo, theo mấy bạn địa phương bắt ốc vào ngày nước cạn, câu cá... Đến tối, tôi sẽ ở nhà làm kịch bản và dựng video cho kênh", Huyền kể.

Thừa tiền, cô gái Hà Nội mới dám bỏ việc ra đảo Phú Quý ở nhiều tháng? - 2

Ô cửa sổ giúp Huyền nhìn ra biển mọi lúc (Ảnh: NVCC).

Cô gái Hà Nội bắt đầu gặp những người bạn từ đất liền ra đảo sống như mình. Trong chính căn nhà Huyền thuê, nhiều người trẻ ở miền Bắc cũng có cùng mục tiêu sống giống cô.

Thời gian gần đây, không ít video cho thấy những bạn trẻ tình nguyện nhặt rác ở đảo cũng được chia sẻ nhiều.

"Bỏ phố ra đảo" được xem là một trong những lý tưởng sống đang thịnh hành với giới trẻ Việt và cả thế giới.

Lúc được hỏi về lựa chọn của mình, phần lớn mọi người cho rằng, bản thân muốn tìm thấy những phút giây an yên sau khi chứng kiến sự hỗn độn, mất mát từ đại dịch.

Giống Lê Huyền, Ly Nguyễn (25 tuổi, TPHCM) bày tỏ quan điểm khi ra đảo sống được hơn một tháng: "Sáng sớm dậy đi làm, tối về cơm nước rồi đi ngủ, tôi đã trải qua một ngày như vậy. Đến một khoảng thời gian, tôi suy nghĩ lại mục đích sống.

Tôi kiếm được mức lương khá. Nhưng rồi, tôi không thấy vui. Tôi ra đảo và thuê nhà ở, quyết định làm việc tự do, dành nhiều thời gian cho bản thân hơn. Nhiều người nói, tôi xem phim nhiều quá thành ra mơ mộng. Thực ra không phải vậy. Mỗi người có quyền đưa ra lựa chọn riêng mà".

Giàu có mới ra đảo sống?

Đây là câu hỏi được cộng đồng mạng đặt ra khi xem những video tận hưởng cuộc sống đẹp tựa thước phim của một số người trẻ chọn ra đảo sống. Bởi không có thu nhập, họ khó trụ được ở vùng đảo phát triển mạnh về du lịch này.

Thừa tiền, cô gái Hà Nội mới dám bỏ việc ra đảo Phú Quý ở nhiều tháng? - 3

Ngọn đồi được nhiều người trẻ chọn làm địa điểm dã ngoại hay nằm đọc sách (Ảnh: NVCC).

"Khi chia sẻ cuộc sống ở đảo của tôi, mọi người đa phần không tin. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Bởi chính tôi ngày trước cũng chẳng thể tin. Nhưng khi thực sự trải nghiệm, bạn mới hiểu. Chi phí sinh hoạt ở Phú Quý rẻ hơn nhiều so với mấy thành phố lớn.

Tôi tích cóp được một khoản trong nhiều năm đi làm. Ở đây cũng không có các quán ăn đắt tiền, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim... Ngoài vấn đề ăn và ở, nhiều lúc tôi không biết tiêu tiền vào đâu nữa. Thế nên, không phải cứ giàu mới ra đảo sống", Lê Huyền tâm sự.

Mỗi ngày, Huyền thường góp gạo, thổi cơm chung với các bạn trong nhà. Khi chia ra, cô chỉ mất 50.000-60.000 đồng/ngày. Về nhà ở, cô thuê một phòng với giá 2 triệu đồng/tháng, có sẵn giường, giá treo quần áo, điều hòa. Đặc biệt, ô cửa sổ của phòng giúp cô nhìn thẳng ra biển.

Tháng đầu ra đảo Phú Quý, cô gái 24 tuổi chỉ dành thời gian nghỉ ngơi và khám phá vì mới nghỉ việc. Đến tháng thứ hai, khi số tiền tiết kiệm bắt đầu vơi bớt, cô tính đến chuyện làm việc để sống lâu dài ở đảo. Cô dành buổi sáng làm việc và tận hưởng vào buổi chiều.

Huyền xây dựng kênh TikTok và may mắn nhận được sự chú ý. Cô kiếm được một khoản tiền từ việc nhận quảng cáo.

Bên cạnh đó, cô cũng làm công việc biên kịch tự do, bán gói dịch vụ trải nghiệm tại Phú Quý, thỉnh thoảng thử sức làm hướng dẫn viên...

"Chỉ cần bạn chăm chỉ làm việc, cố gắng thì ở đâu cũng sẽ sống được thôi", Huyền nhấn mạnh.

Vì sao đảo Phú Quý thu hút khách trẻ?

Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận - xác nhận, Phú Quý thực sự đang thu hút nhóm du khách trẻ. Họ bị thu hút bởi vẻ đẹp hoang sơ, nhiều điểm chụp ảnh của đảo như dốc Phượt, gành Hang, kè bãi Lăng, cột cờ chủ quyền, dốc điện gió, chùa Linh Sơn, hòn Tranh, đảo nhỏ...

Thừa tiền, cô gái Hà Nội mới dám bỏ việc ra đảo Phú Quý ở nhiều tháng? - 4

Lê Huyền còn dành thời gian rảnh để tham gia nhặt rác trên đảo (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cho biết, dân trên đảo rất thân thiện, hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ. Về ẩm thực, mọi người có thể thưởng thức những món đặc sản hiếm có ở đất liền như cua huỳnh đế, cua mặt trăng, tôm hùm...

"Ngoài ra, món thịt bò nướng trên đảo cũng có chút khác biệt. Thịt bò trên đảo mềm, thơm. Theo nhận xét của các du khách, thịt bò ở đây hấp dẫn hơn trong đất liền.

Quan trọng là giá cả phải chăng, hầu như không có tình trạng chặt chém, chèo kéo du khách", ông Nhân chia sẻ.

Chị Đặng Thị Nguyệt - người dân đảo, chủ homestay Bích Nguyệt - cho biết, lượng người trẻ đến thuê phòng ở lâu dài tăng mạnh. Thậm chí, chị hiện không còn phòng trống để cho thuê.

Chị Nguyệt nói, nếu người trẻ chịu làm, mức lương thấp vẫn có thể sống tốt ở đảo.

Chị lấy minh chứng bản thân nhận lương tháng 3-4 triệu đồng vẫn sống ổn. Thực phẩm ngoài đảo rất rẻ. Ngoài công việc online (trực tuyến), nhiều bạn còn làm nhân viên ở các quán cà phê.

Quay lại câu chuyện của Lê Huyền, cô có thể sẽ thu dọn đồ trở về Hà Nội. Bởi cô còn gia đình đang đợi. Tuy nhiên, cô hiện chưa thực sự sẵn sàng.

Nếu quay lại, Huyền sẽ phải bắt đầu lại từ việc thích nghi, đi xin việc. Ở Phú Quý, cô hiện có những người bạn đáng yêu, công việc mình yêu thích.

"Tôi thấy quyết định chuyển ra đảo sống là dấu mốc quan trọng. Nó làm thay đổi cuộc sống và mang đến cho tôi những cơ hội tuyệt vời", Huyền chia sẻ.

Nội dung: Dĩ An