Thế hệ cúi đầu, học ngày cày đêm ở Trung Quốc đang thức tỉnh
(Dân trí) - Giới trẻ Trung Quốc được dạy nếu học tập chăm chỉ, tiền bạc và thành công sẽ tự nhiên đến. Tuy nhiên, năm 2023 là hồi chuông cảnh tỉnh cho họ.
Zuo Gang không tìm được việc làm trong mùa tuyển dụng cho sinh viên tốt nghiệp tại Trung Quốc vào mùa hè này. Điều đó khiến cô mất tự tin và hoài nghi về thế giới quan của mình.
Tương tự nhiều thanh niên Trung Quốc, cô gái 25 tuổi được nuôi dạy từ nhỏ để trở thành "học sinh giỏi". Giáo viên và bố mẹ luôn dạy rằng, chỉ cần cô tuân thủ các quy tắc và học tập chăm chỉ, tiền bạc cũng như thành công sẽ tự nhiên đến.
Vâng lời giáo viên và bố mẹ, Zuo Gang đã vượt qua rất nhiều kỳ thi, giành được suất vào một trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) trước khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Sau đó, mọi thứ trở nên tồi tệ. Khi Zuo chuẩn bị hoàn thành tốt nghiệp đại học, cô đã gửi loạt đơn xin việc đến nhiều doanh nghiệp nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào.
Đối với Zuo, thất bại đến như một đòn chí mạng. Sau nhiều năm "dùi mài kinh sử", cô chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ thất nghiệp. Cô phải vật lộn với sự lo lắng, mất ngủ, cảm thấy tội lỗi với cha mẹ và giáo viên trong nhiều tháng liên tiếp.
Cuối cùng, cô nhận ra, không tìm được việc làm không phải lỗi của mình. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh khốc liệt và hàng triệu sinh viên tốt nghiệp phải đối mặt với những thách thức tương tự.
Zuo nói với Sixth Tone: "Tôi không nghĩ mình mắc sai lầm trong việc lập kế hoạch cho sự nghiệp. Trái ngược với thế hệ cha mẹ tôi, ngày nay chỉ làm việc chăm chỉ thôi không còn đảm bảo thành công nữa".
Zuo nhận thấy "tâm lý học sinh giỏi" mà gia đình và giáo viên áp đặt lên người trẻ đã khiến thế hệ này bị lừa. Với nền kinh tế khó khăn hiện tại, ngay cả những sinh viên tốt nghiệp hàng đầu cũng gặp khó khăn khi tìm việc làm phù hợp.
Sự lo lắng gia tăng
Nhiều thanh niên Trung Quốc khác cũng chia sẻ nỗi thất vọng khi tìm việc làm. Tháng 1 năm nay, Zuo thành lập một nhóm trên mạng xã hội có tên "Nạn nhân của tâm lý học sinh giỏi". Nhóm này nhanh chóng thu hút hơn 80.000 thành viên và phát triển thành kênh trợ giúp những người trẻ thất nghiệp.
Các thành viên mới tham gia vào nhóm thực hiện bài đánh giá do Zuo nghĩ ra để xác định những triệu chứng về "tâm lý học sinh giỏi" mà họ mắc phải. Sự phục tùng quá mức trước quyền lực, đánh mất bản thân để chạy theo thành tích, thói quen nghi ngờ bản thân về lỗi nhỏ... là những triệu chứng phổ biến.
Sau đó, nhóm đề nghị giúp các thành viên thoát khỏi tâm lý này và chấp nhận danh tính mới với tư cách là "người tự do". Nhiều bài đăng của giới trẻ Trung Quốc ghi lại nỗ lực của họ để trở thành "người tự do" hoặc chia sẻ mẹo về cách ngừng đánh giá bản thân dựa trên các thước đo thành công thông thường của xã hội.
Những "học sinh giỏi" như Zuo có xu hướng đặc biệt dễ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ở phương Tây, các nghiên cứu liên tiếp đã phát hiện, những người đạt thành tích cao có nhiều khả năng mắc các vấn đề lo lắng, trầm cảm và lạm dụng chất kích thích hơn so với bạn bè.
Sự cạnh tranh trong hệ thống giáo dục rất khốc liệt và áp lực đạt điểm xuất sắc bắt đầu từ khi còn trẻ. Mặc dù chính phủ cố gắng giảm bớt gánh nặng cho học sinh, đất nước này vẫn đang chứng kiến lượng lớn học sinh mắc chứng lo âu.
"Nhiều bậc cha mẹ có những kỳ vọng đặc biệt cao ở con cái họ. Ngay cả khi học sinh đạt điểm 98/100 trong một bài kiểm tra, phụ huynh chỉ tập trung xoáy sâu vào 2 điểm còn thiếu thay vì khen ngợi con", Liu Zhen - nhà tâm lý học trẻ em tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, Trung Quốc - nói với Sixth Tone.
Theo thời gian, học sinh áp dụng các tiêu chí đánh giá của thế giới bên ngoài làm thước đo cho việc tự đánh giá chính mình. Nếu không được điều trị, những vấn đề này sẽ để lại hậu quả suốt đời.
Áp lực vì không dám mắc lỗi
Zuo thấm nhuần tâm lý "điểm tốt, cuộc sống đẹp" khi còn bé. Lớn lên tại thị trấn nhỏ ở Trung Quốc, cô luôn khao khát sự chấp thuận của giáo viên. Tại trường, những học sinh đứng đầu là những người được yêu mến nhất, những đứa trẻ điểm thấp bị chế nhạo không ngừng.
Một ngày nọ, Zuo nhớ lại việc cô đến gặp giáo viên dạy toán sau giờ học để tìm kiếm sự giúp đỡ. Giáo viên không những từ chối giúp đỡ, mà còn mắng cô vì không chú ý nghe giảng. Sau đó, trong giờ học tiếp theo, giáo viên gọi Zuo trả lời câu hỏi tương tự. Khi cô không làm được, giáo viên đã bêu rếu việc học của cô trước cả lớp.
Zuo nhớ lại, những cảnh bị chế giễu tại lớp học diễn ra thường xuyên. Cảm thấy không được tôn trọng, cô học cách im lặng và không đặt câu hỏi. Khi học xong trung học, bản năng trở thành học sinh ngoan ngoãn, đạt điểm A đã "ăn sâu" vào cô.
"Những trải nghiệm đó đã truyền cho tôi niềm tin rằng, ngay cả một lỗi nhỏ trong bài tập về nhà cũng không thể chấp nhận được, vì nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống của tôi", Zuo nói.
Năm 18 tuổi, Zuo thi vào trường đại học tốt ở Bắc Kinh - một thành tích ấn tượng đối với học sinh đến từ vùng nông thôn tại Trung Quốc. Nhưng khao khát thành công đầy ám ảnh vẫn không hề nguôi ngoai. Trong suốt thời gian học đại học, cô lấp đầy kỳ nghỉ bằng các chương trình thực tập, chương trình học hè.
"Tôi không thể dừng lại. Nếu nghỉ hơn hai ngày, tôi thấy mình phải vật lộn với cảm giác vô dụng, lãng phí thời gian", Zuo kể.
Thời điểm thất nghiệp, cô luôn tự trách móc mình quá mức. Cô thường xuyên thức đến 10h sáng, tự hỏi mình đã làm gì sai. Không thể đối mặt với gia đình, cô tránh về nhà vào dịp Tết. Thay vào đó, cô gọi điện cho bố mẹ và giáo viên để xin lỗi vì đã làm họ thất vọng.
Ảnh hưởng của "tâm lý học sinh giỏi" tồn tại ngay cả sau khi sinh viên tốt nghiệp và bắt đầu đi làm.
Zhang Liqun (25 tuổi, đến từ Thượng Hải, Trung Quốc) tìm được việc làm tại một công ty kế toán sau khi tốt nghiệp đại học vào tháng 7.
Tại nơi làm việc, Zhang buộc phải đồng ý với mọi yêu cầu của cấp trên. Anh thường đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn khả năng của mình, khiến anh phải thường xuyên làm việc ngoài giờ. Ngay cả khi về đến nhà, anh vẫn cần kiểm tra tin nhắn mỗi khi có thông báo trong nhóm công việc.
"Tôi liên tục đặt câu hỏi về hiệu suất của mình, so sánh bản thân với các đồng nghiệp trong tiềm thức. Thật khó để hiểu được ý nghĩa của thời gian rảnh rỗi. Tôi luôn cảm thấy cần học hỏi hoặc hoàn thiện bản thân để tránh lãng phí thời gian", Zhang nói.
Tuy nhiên, suy nghĩ này không phải lúc nào cũng khiến giới trẻ Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Qi Siyu - giám đốc nhân sự tại công ty công nghệ ở Thượng Hải, Trung Quốc - cho biết, trong nền kinh tế ngày nay, chỉ là "sinh viên giỏi" chưa đủ để cạnh tranh tại thị trường lao động.
Thực tế, "tâm lý học sinh giỏi" thường có thể là trở ngại trong môi trường chuyên nghiệp. Trong khi nhân viên nghĩ rằng, họ đang hoàn thành xuất sắc vai trò của mình bằng cách siêng năng làm việc, nhà tuyển dụng thường tìm kiếm loạt kỹ năng, phải chủ động hơn và biến mọi việc thành hiện thực.
Ngày càng nhiều người thừa nhận, sự lo lắng của học sinh là vấn đề nghiêm trọng. Giáo viên Dong tại trường trung học cơ sở hàng đầu ở Thượng Hải (Trung Quốc) nói với Sixth Tone rằng, "tâm lý học sinh giỏi" đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Những đứa trẻ hướng nội, cư xử tốt liên tục tìm kiếm lời khen ngợi và phần thưởng như một cách để nâng cao lòng tự trọng của mình.
Xu hướng này khiến Dong và các đồng nghiệp thảo luận về việc nhà trường có nên suy nghĩ về chính sách cố gắng nuôi dưỡng tư duy "học sinh ưu tú" trong trẻ em hay không. Bởi nếu học sinh không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của trường, họ có nguy cơ dẫn đến suy sụp tinh thần.