Để tăng sự giàu có, giới trẻ thời nay đổ xô đi mua vàng

Nghi Phương

(Dân trí) - Dữ liệu chỉ ra hơn một nửa số người tiêu dùng vàng tại Trung Quốc thuộc nhóm tuổi sinh sau năm 1990. Đối với nhiều bạn trẻ, đó là khoản đầu tư dài hạn khả thi nhất.

Vài tháng qua, Zhong Yongxin (20 tuổi) có thói quen mới khi đi làm về. Cô tiến thẳng đến chai thủy tinh nhỏ có vài hạt vàng hình hạt đậu và lắc nhẹ. Tiếng lách cách của những hạt vàng nhỏ bé như lời nhắc nhở cô phải chăm chỉ hơn nữa để tiết kiệm tiền.

Nhỏ hơn đầu ngón tay và thường có hình dạng giống những biểu tượng may mắn, đậu vàng nhanh chóng trở nên phổ biến trong thế hệ trẻ ở Trung Quốc.

Nặng khoảng 1g và có giá 400-600 nhân dân tệ (1,3-1,9 triệu đồng), hạt đậu vàng có mức giá phải chăng, phù hợp với thu nhập của người trẻ. Nhiều người mua một hoặc hai hạt đậu vàng mỗi tháng, coi chi phí này ngang với chi phí trà sữa thông thường của họ.

GioitreTQmuavang_BrandInside.jpg

Giới trẻ chọn đầu tư vào vàng vì ít rủi ro, mang lại lợi nhuận "chậm mà chắc" (Ảnh: Brand Inside).

Đối với Zhong, đậu vàng không chỉ mang ý nghĩa tiết kiệm mà còn là khoản đầu tư dài hạn khả thi. Theo Sixth Tone, những người trung niên và người già tại Trung Quốc là đối tượng tiêu dùng vàng chính. Hiện tại, Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) cũng hướng tới những sản phẩm vàng nhỏ bé này.

Trên các nền tảng truyền thông xã hội, giới trẻ Trung Quốc thậm chí còn ghi lại hành trình đổ đầy đậu vàng vào những chai thủy tinh. 

Trong báo cáo năm nay về ngành trang sức và phụ kiện, các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc như Tmall và Taobao tiết lộ, phần lớn người tiêu dùng trang sức vàng thuộc nhóm người sinh sau năm 1990. 

Năm 2022, báo cáo của công ty tư vấn Mob Data cho thấy, xu hướng mua vàng của Gen Z tăng từ 16% vào năm 2016 lên 59% vào năm 2021, đánh dấu tiềm năng chi tiêu cao nhất trong mọi nhóm tuổi.

Để tăng sự giàu có, giới trẻ thời nay đổ xô đi mua vàng - 2

Bảng thống kê cho thấy những người ở độ tuổi 18-24 là đối tượng tiêu dùng vàng chính (Ảnh: People Data).

Vài tháng qua, Zhou Siying (23 tuổi) nói với Sixth Tone rằng, cô bị cuốn vào "cơn sốt mua vàng". Để phù hợp với mục tiêu cá nhân, cô mua ít nhất một món đồ bằng vàng mỗi tháng: Đậu vàng hoặc đồ trang sức. Đôi khi, chi phí mua vàng lên tới 3.000 nhân dân tệ (10,2 triệu đồng), chiếm nửa số tiền lương hàng tháng của cô.

"Có một câu ngạn ngữ: "Vàng được đeo như đồ trang sức khi bạn giàu và được dùng làm tiền khi bạn nghèo", số vàng tôi mua có hai giá trị. Tôi có thể đeo nó hàng ngày hoặc giữ nó, lựa chọn giao dịch hoặc bán sau này", cô chia sẻ.

Vàng từ lâu được công nhận là công cụ phòng hộ tài chính có giá trị. Một nghiên cứu của Hội đồng Vàng thế giới tiết lộ, trong 3 thập kỷ qua, vàng mang lại lợi nhuận hàng năm là 5,8%. Điều này làm lu mờ các tài sản như tiền mặt và trái phiếu trong cùng khoảng thời gian.

Trao đổi với Sixth Tone, Wang Youxin - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc - cho biết, so với thỏi vàng nặng, các sản phẩm vàng có kích thước nhỏ phù hợp hơn với khả năng kiếm tiền của nhóm nhân khẩu trẻ. Đậu vàng có ngưỡng đầu tư thấp và hợp lý nhất, nhưng cũng đối mặt với nguy cơ giảm giá trong tương lai.

Mới ra trường, Zhou Siying cho biết, cô có ít tiền để đầu tư và thích sự ổn định hơn là lợi nhuận. Đối với cô, việc sở hữu vàng thay vì các phương thức đầu tư khác mang lại "sự hài lòng về tâm lý". Để bám sát kế hoạch của mình, Zhou Siying cắt giảm chi tiêu cho ăn uống và quần áo, chuyển số tiền đó vào việc mua vàng.

Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho biết, trong nửa đầu năm nay, mức tiêu thụ vàng của Trung Quốc tăng 16,37% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 554,88 tấn.

Bất chấp sự biến động về giá, nhà phân tích kim loại Xia Yingying tin rằng, điều đó sẽ không ngăn cản các nhà đầu tư vàng. "Những người đam mê trang sức vàng thường có thời gian đầu tư dài hạn và không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi giá cả tạm thời", cô giải thích.