DNews

Nữ thạc sĩ Bắc Giang từ bỏ tấm bằng Ngoại thương để theo đuổi đam mê

Tiến Bùi

(Dân trí) - Dù sở hữu bằng cử nhân Kinh tế tại Đại học Ngoại thương, Quỳnh Tít vẫn lựa chọn "bẻ lái" trở thành nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên mạng xã hội.

Nữ thạc sĩ Bắc Giang từ bỏ tấm bằng Ngoại thương để theo đuổi đam mê

Quỳnh Tít (tên thật Chu Diễm Quỳnh, SN 1999, Bắc Giang) được biết đến là nhà sáng tạo nội dung, thu hút hơn 690.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội.

Các video của Quỳnh chủ yếu nói về mảng đời sống, với đối tượng chính là giới trẻ. Thông qua các nội dung của mình, cô mong muốn lan tỏa lối sống tích cực và truyền cảm hứng để mọi người trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày.

Gần đây, cô gái SN 1999 hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Truyền thông tại Hà Lan. Cầm trên tay tấm bằng loại xuất sắc, Quỳnh Tít quyết định quay trở lại Việt Nam nghỉ ngơi trước khi chính thức trở lại châu Âu để phát triển sự nghiệp.

Nữ thạc sĩ Bắc Giang từ bỏ tấm bằng Ngoại thương để theo đuổi đam mê - 1

Quỳnh Tít vừa trở thành thạc sĩ ngành Truyền thông ở tuổi 24 (Ảnh: NVCC).

Từ bỏ tấm bằng Ngoại thương để theo đuổi đam mê

Xuất thân là sinh viên ngành Kinh tế tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, Quỳnh Tít gần như không có kinh nghiệm hay kiến thức gì về lĩnh vực truyền thông.

Mọi thứ liên quan đều được cô đúc kết trong quá trình tham gia câu lạc bộ ở trường. Sau những lần "lăn xả" để tạo nên các ấn phẩm, thước phim đầu tiên trong đời, Quỳnh nhận ra rằng, truyền thông mới chính là thứ cô thích và mong muốn theo đuổi đến cùng.

Nữ thạc sĩ Bắc Giang từ bỏ tấm bằng Ngoại thương để theo đuổi đam mê - 2

Quỳnh Tít cảm thấy rất vui vì cuối cùng cũng tìm ra thứ mà mình thích và muốn theo đuổi (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Quỳnh Tít bộc bạch: "Thú thực là hồi đó, tôi chọn vào Đại học Ngoại thương phần lớn do chất lượng giảng dạy uy tín và môi trường học tập năng động.

Còn tôi tự nhận thấy, bản thân ngay từ đầu đã không có "máu kinh tế" trong người. Sau khoảng thời gian suy nghĩ và được bạn bè động viên, tôi quyết định đi theo tiếng gọi của trái tim và "bẻ lái" sang ngành Truyền thông, theo đuổi đúng đam mê".

Tại thời điểm chuyển hướng sang làm sáng tạo nội dung, gia đình của Quỳnh không thực sự ủng hộ quyết định này vì muốn cô ra trường có cuộc sống và công việc ổn định.

Tuy nhiên, thay vì phản đối, cấm cản, bố mẹ Quỳnh đã tạo điều kiện và cho cô thêm thời gian trải nghiệm trước với nghề. Quỳnh Tít cảm thấy may mắn vì bản thân luôn có gia đình ủng hộ, tin tưởng.

"Gia đình chính là chỗ dựa tinh thần lớn và cho tôi những lời khuyên sáng suốt mỗi khi cần. Đến nay, khi thấy tôi có được một số thành tựu nhất định, bố mẹ vui lắm. Video nào của tôi cũng xem và bình luận nhiệt tình", Quỳnh Tít chia sẻ.

Bắt đầu với khó khăn nhưng không chịu bỏ cuộc

Ban đầu, Quỳnh Tít lập kênh YouTube vì yêu thích quay chụp, chia sẻ quan điểm cá nhân và coi đó như cuốn nhật ký ghi lại mọi khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống.

Nhắc về lý do khiến bản thân lựa chọn theo đuổi công việc sáng tạo nội dung, Quỳnh Tít cho biết: "Dấu mốc lớn nhất có lẽ là lần tôi đọc được bình luận của một bạn nói rằng, ngày hôm ấy của bạn rất tệ nhưng sau khi xem video của tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm và tích cực hơn.

Chính khoảnh khắc đó đã khiến tôi nhận ra, mình phải theo đuổi công việc này một cách nghiêm túc".

Nữ thạc sĩ Bắc Giang từ bỏ tấm bằng Ngoại thương để theo đuổi đam mê - 3

Quỳnh Tít chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc hay không làm công việc sáng tạo nội dung (Ảnh: NVCC).

Trong khoảng thời gian bắt đầu tiếp xúc với nghề mới, Quỳnh gặp phải khá nhiều khó khăn, nhất là trong việc cân bằng thời gian giữa học tập và làm nội dung.

Thời điểm mới sang Hà Lan du học, Quỳnh cố gắng dốc hết sức để làm tròn cả hai công việc. Tuy nhiên, điều này khiến cô bị quá tải và kiệt sức khá nhanh.

Thậm chí, sức khỏe tinh thần cũng xuống dốc. Nhiều đêm liền, Quỳnh bật khóc vì quá mệt mỏi, áp lực.

Quỳnh Tít chia sẻ: "Lúc ấy, tôi tự trò chuyện với bản thân và xác định lại xem việc gì cần được ưu tiên hơn để tập trung 50% vào nó. Tôi nhận ra, việc học mới là thứ quan trọng nhất vì rõ ràng mình đang đi du học.

Với công việc, tôi dành khoảng 30% thời gian lên ý tưởng làm nội dung và 20% còn lại để bản thân nghỉ ngơi. Kể từ đó, tôi cảm thấy cân bằng và tinh thần cũng thoải mái lên rất nhiều".

Với Quỳnh Tít, con đường nào cũng có đoạn gập ghềnh và nghề nào cũng có những mặt trái nhưng bản thân cô chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc.

Quỳnh Tít chỉ tiếc nuối vì đôi lúc quá chú trọng vào việc quay, chụp mà quên tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc đẹp hiện hữu trước mắt. Theo cô, đây chính là mặt trái của nghề sáng tạo nội dung.

Nữ thạc sĩ Bắc Giang từ bỏ tấm bằng Ngoại thương để theo đuổi đam mê - 4

Xác định gắn bó với sáng tạo nội dung, nữ thạc sĩ quê Bắc Giang phải đánh đổi vài điều nhỏ trong cuộc sống (Ảnh: NVCC).

Sáng tạo nội dung không phải nghề của "con nhà giàu"

Trước ý kiến cho rằng, sáng tạo nội dung là nghề của "con nhà giàu", Quỳnh Tít bộc bạch: "Tôi nghĩ định kiến này là không đúng vì mỗi nghề đều có những đặc thù riêng. Sáng tạo nội dung cũng cần có những kỹ năng, kiến thức và công sức mới có được thành quả như ý muốn.

Ngoài mang lại sự giải trí và "món quà tinh thần", nó còn có khả năng thay đổi quan điểm và cung cấp kiến thức cho khán giả. Nếu đây là nghề "vô tri" thì không có lý do gì mà nó có thể tồn tại và ngày càng phát triển như hiện tại".

Nữ thạc sĩ Bắc Giang từ bỏ tấm bằng Ngoại thương để theo đuổi đam mê - 5

Cô gái SN 1999 cảm thấy may mắn khi được làm công việc đúng đam mê, sở thích và tạo ra nguồn thu nhập riêng (Ảnh: NVCC).

Hiện nay, sáng tạo nội dung trở thành "vùng đất màu mỡ" được nhiều người quan tâm và tiếp cận.

Với công việc có tính chất cạnh tranh cao, nhanh đào thải như vậy, Quỳnh cho rằng, điểm mấu chốt của người sáng tạo nội dung là sự chân thực, thể hiện được rõ cá tính thật của bản thân họ mà không phải "diễn" quá nhiều.

Nữ thạc sĩ Bắc Giang từ bỏ tấm bằng Ngoại thương để theo đuổi đam mê - 6

Du học tại Hà Lan đã cho Quỳnh nhiều trải nghiệm vô giá và khó mua lại được bằng tiền (Ảnh: NVCC).

Theo Quỳnh Tít, thu nhập của người làm sáng tạo nội dung phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm chỉ của họ và chủ yếu đến từ hợp đồng quảng cáo hợp tác với các nhãn hàng.

Quỳnh Tít nói thêm về những trải nghiệm có được khi học tập và sinh sống tại Hà Lan: "Một năm vừa qua, thứ tôi học thêm không chỉ có kiến thức mà còn là những trải nghiệm vô giá tại đất nước mới lạ.

Không chỉ vậy, tôi cảm thấy mình đang dần hiểu hơn về bản thân. Trải qua nhiều chuyện vui buồn khác nhau, tôi nhận ra học cách hiểu bản thân là cả hành trình dài".

Quỳnh Tít dự định tận hưởng nốt khoảng thời gian còn lại ở Việt Nam để thăm gia đình và bạn bè. Cô mong muốn bản thân sớm "sạc lại năng lượng" để trở lại Hà Lan bắt đầu cuộc hành trình mới với nhiều điều thú vị hơn.