Nữ sinh Hà Nội tiết lộ bí quyết độc đáo để đỗ đại học top 1 châu Á
(Dân trí) - Khánh Linh cho biết, việc hâm mộ nhóm nhạc Trung Quốc TFBoys giúp nữ sinh có thêm động lực học ngoại ngữ.
Nguyễn Khánh Linh (SN 2005, Hà Nội) vừa tốt nghiệp lớp chuyên tiếng Trung, trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Vào tháng 8, cô sẽ chính thức nhập học vào Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.
Theo tạp chí Times Higher Education, đây là đại học top 1 ở châu Á và thuộc top 16 thế giới năm 2023.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Khánh Linh cho biết, trước khi nhập học, cô được mời làm diễn giả cho một trại hè hướng nghiệp. Tại đó, nữ sinh truyền đạt những kinh nghiệm xây dựng hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học.
Học tiếng Trung từ năm lớp 9
Trước đó, Khánh Linh nhận được học bổng của một số trường ở Mỹ cho 4 năm học. Tuy nhiên, cô vẫn quyết định theo đuổi giấc mơ vào Đại học Thanh Hoa.
"Đầu tiên, lợi thế về tiếng Trung khiến tôi nghĩ ngay đến việc học tại đất nước tỷ dân. Ngôi trường này thuộc top đầu thế giới nên sẽ là bệ phóng tốt nhất cho bản thân. Hơn nữa, khi sang đó học, tôi sẽ không mất nhiều thời gian làm quen vì văn hóa không quá khác biệt.
Việc lựa chọn học ở Trung Quốc giúp tôi thích nghi dần. Sau đó, tôi sẽ đi học tại một trường ở phương Tây cho hệ thạc sĩ để đúc kết những gì tiên tiến nhất", Khánh Linh bày tỏ.
Linh cảm thấy may mắn khi bố mẹ cô luôn đồng hành và ủng hộ mọi quyết định. Sự tự tin của cô cũng được truyền từ phụ huynh. Đó là một trong những lý do giúp nữ sinh 18 tuổi trúng tuyển vào ngôi trường được ví như "Harvard của châu Á".
"Tôi không có bí quyết gì nhiều. Nhưng tôi biết, bình tĩnh và thể hiện sự tự tin là những yếu tố quan trọng", Linh nói.
Giống như bạn bè cùng trang lứa, Khánh Linh cũng yêu thích các nhóm nhạc và sưu tầm những vật phẩm liên quan. Thần tượng của cô là nhóm nhạc TFBoys. Đây cũng là một trong những lý do khiến cô quyết định học tiếng Trung từ năm lớp 9 và kiên trì theo đuổi đến thời điểm hiện tại.
TFBoys là nhóm nhạc thần tượng thiếu niên nổi tiếng ở Trung Quốc. Nhóm có 3 thành viên, bao gồm Vương Tuấn Khải, Vương Nguyên và Dịch Dương Thiên Tỉ. Ngoài tài năng, họ còn gây ấn tượng với thành tích học tập "khủng".
Nữ sinh Hà thành cho biết, nếu có cơ hội, cô sẽ đi gặp thần tượng của mình trong tương lai.
"Đừng ngần ngại vì tuổi 18 rất đáng giá"
Hành trình chuẩn bị hồ sơ để ứng tuyển vào đại học top 1 châu Á không dễ dàng. Tiếng Anh là một trong những thử thách lớn, bởi Khánh Linh học chuyên tiếng Trung. Cô nói, ngữ pháp của hai thứ tiếng này hoàn toàn ngược nhau, việc phát âm chuẩn rất khó.
Hơn nữa, Đại học Thanh Hoa yêu cầu khá cao về kiến thức chuyên môn. Linh đăng ký học ngành Kinh tế. Trước khi ứng tuyển, cô đã dành nhiều thời gian theo học các lớp để nắm kiến thức. Cô cũng đi làm tại công ty gia đình nhằm tích lũy kinh nghiệm.
Quãng thời gian chuẩn bị hồ sơ trùng với việc học ở trường cấp 3. Do đó, cô phải sắp xếp lịch để không làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức. Nhiều hôm, Linh phải thức tới khuya tranh thủ viết bài luận.
Cô Hoàng Lan Chi - giáo viên tiếng Trung Quốc, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội - là người hướng dẫn Linh nộp hồ sơ. Cô đã giúp Linh tìm hiểu thông tin, cách ứng tuyển vào Đại học Thanh Hoa.
Khi viết luận, Linh không tập trung kể về thành tích của mình. Cô chú trọng vào việc giải thích lý do theo đuổi ngành Kinh tế và định hướng tương lai. Cô đã chia sẻ về quá trình làm việc thực tế tại chính công ty của gia đình mình.
Kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp với khách hàng hay xử lý khủng hoảng được nữ sinh đề cập đến. Nhờ bố mẹ, cô học được cách nói chuyện khéo léo với đối tác. Cô cũng dịch nhiều hợp đồng, tham gia các sự kiện giao lưu.
Nữ sinh 18 tuổi dành lời khuyên: "Vấn đề quan trọng nhất mà các bạn học sinh thường bỏ qua là thể hiện được lý do tại sao trường cần mình. Mình sẽ mang lại gì cho trường chứ không phải là mình phù hợp với trường ra sao.
Bạn đừng ngần ngại vì tuổi 18 rất đáng giá. Việc ứng tuyển vào các đại học gần như chỉ có một lần trong đời nên hãy thể hiện hết sức".
Thông thường, đa số du học sinh Việt ở ngôi trường này theo học bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Với Linh, cô bắt đầu với hệ cử nhân. Do đó, cô không tránh khỏi cảm giác áp lực.
"Tôi chưa tiếp xúc nên không biết gì về chương trình học của Thanh Hoa. Nhưng tôi hay nghe các anh chị đi trước nói rằng, chương trình học rất khó", Linh kể.
Sắp phải rời xa gia đình để đến học tập ở một đất nước khác, Khánh Linh không lo sợ vấn đề tự lập. Tuy nhiên, cô cần chuẩn bị tâm lý vững vàng để đối diện với những điều mới.
Hiện tại, cô chuẩn bị những vật dụng cá nhân để đợi đến ngày lên máy bay. Cô sẽ ở ký túc xá của trường.
Trong tương lai, Khánh Linh mong muốn phát triển mảng truyền thông cho công ty gia đình mình.