DNews

Nhiều bạn trẻ ra đi đáng tiếc vì ngày đêm muốn làm "ngôi sao chốt đơn"

Thư An

(Dân trí) - Khi livestream (phát sóng trực tiếp) trở thành công việc được ưa chuộng tại Trung Quốc, không ít người tìm đủ mọi cách, kể cả thực hiện những pha nguy hiểm, để thu hút lượt xem.

Nhiều bạn trẻ ra đi đáng tiếc vì ngày đêm muốn làm "ngôi sao chốt đơn"

15h55, trong căn hộ ở Thượng Hải (Trung Quốc), Xu Shihan gấp rút sửa soạn để 5 phút nữa bắt đầu phát trực tiếp trên mạng xã hội Douyin. Cô bật chiếc đèn tròn, cố định điện thoại lên tripod (giá 3 chân) và ngắm mình lần cuối trong gương.

"Các anh em, chào mừng đến với buổi livestream của tôi! Mọi người có nhớ tôi không? Hãy cùng tương tác nào", cô gái 31 tuổi nói lớn trước màn hình.

Sau khi bị công ty sa thải vào đầu năm 2023, Xu bắt đầu phát trực tiếp theo gợi ý của một đồng nghiệp. Người đó nói với cô: "Chỉ cần nỗ lực, bạn sẽ kiếm được tiền".

Ngồi trước bàn đầy thức ăn, Xu hồi hộp bấm nút "bắt đầu". Khi người xem cứ thế đến rồi đi, cô cảm thấy lúng túng, co rúm người lại. "Tôi không biết phải nói gì nên chỉ biết cắm đầu vào ăn và chào mừng họ", cô nhớ lại.

Hồi đó, Xu không thể đòi hỏi quà hay tiền boa từ người xem. Nhưng sau 6 tháng, cô đã thu hút 5.627 lượt theo dõi và có một phiên livestream lọt top 3 danh sách xu hướng ở Thượng Hải.

Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm 16-24 tuổi vào tháng 12/2023 ở mức 14,9%, SCMP đưa tin.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Xu và nhiều người trẻ không có việc làm khác tham gia livestream với giấc mộng trở thành KOL hay "wanghong" (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) nhằm kiếm bộn tiền.

Nhiều bạn trẻ ra đi đáng tiếc vì ngày đêm muốn làm ngôi sao chốt đơn - 1

Papi Jiang là một trong những người đầu tiên tạo ra sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội Trung Quốc. Cô thu hút 44 triệu lượt theo dõi trong một năm (Ảnh: Papi Jiang).

Thời của những "ngôi sao chốt đơn"

"Wanghong" đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Bằng cách thu hút người hâm mộ theo dõi và tương tác, những người phát trực tiếp tạo ra doanh thu đáng kể cho các nền tảng.

Papi Jiang - cô gái thu hút 44 triệu lượt theo dõi thông qua các video châm biếm của mình vào năm 2016 - được mệnh danh là "wanghong đời đầu". Cô từng chế nhạo xu hướng chêm tiếng Anh vào các cuộc trò chuyện bằng tiếng Trung của phụ nữ Thượng Hải, lên tiếng vạch mặt "trai đểu" trong tình yêu hay phản đối định kiến về giới tính.

Sau thành công của Papi Jiang, thuật ngữ "wanghong" trở nên thông dụng ở Trung Quốc. Ngành công nghiệp phát trực tiếp cũng tạo ra nhiều ngôi sao có thu nhập "khủng".

Một trong những gương mặt nổi tiếng nhất là "vua son môi" Li Jiaqi. Anh từng bán được 15.000 thỏi son chỉ trong 5 phút livestream và thu hút gần 45 triệu người hâm mộ trên Douyin.

Liu Mama - một nông dân nuôi lợn ở phía Đông Bắc Trung Quốc - có hàng triệu người theo dõi và kiếm được một triệu nhân dân tệ/tháng (khoảng 3,5 tỷ đồng) nhờ chia sẻ cuộc sống đời thường trên nền tảng Kuaishou.

Lin Jian - trợ lý giáo sư tại Đại học Trung văn Hong Kong, Trung Quốc - cho biết: "Các buổi phát trực tiếp có nội dung đa dạng và có vẻ chân thực với người xem. Đối với sinh viên hoặc nhân viên văn phòng làm việc theo "văn hóa 996" (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần), livestream giúp cuộc sống của họ trở nên sôi động hơn".

Nhiều bạn trẻ ra đi đáng tiếc vì ngày đêm muốn làm ngôi sao chốt đơn - 2

Li Jiaqi nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc với biệt danh "vua son môi". Anh thu hút gần 45 triệu người hâm mộ trên Douyin (Ảnh: VCG).

Trong cuộc khảo sát năm 2023 với hơn 10.000 thanh niên trên nền tảng Weibo, hơn 60% người được hỏi quan tâm đến việc trở thành KOL hoặc người phát trực tiếp.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế "wanghong" của Trung Quốc tăng từ 241,9 tỷ nhân dân tệ (hơn 33,3 tỷ USD) năm 2018 lên 1.300 tỷ nhân dân tệ (hơn 179,4 tỷ USD) vào năm 2020 và dự kiến đạt 6.700 tỷ nhân dân tệ (gần 925 tỷ USD) vào năm 2025.

Từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2022, có hơn 10 triệu KOL với hơn 10.000 lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, đăng tải trung bình 38,3 triệu bài/ngày.

Tính năng phát trực tiếp, được giới thiệu vào năm 2018, cho phép người dùng quảng cáo và bán sản phẩm trong các phiên livestream. Để tạo lưu lượng truy cập và tăng doanh số bán hàng, người phát trực tiếp thường kể chuyện cười, chia sẻ về đời tư và biểu diễn theo yêu cầu của khán giả.

Xu hướng phát trực tiếp bùng nổ một cách tự nhiên trong đại dịch Covid-19. Năm 2022, ước tính khoảng 500 tỷ USD hàng hóa được bán qua các buổi livestream ở Trung Quốc, tăng gấp 8 lần so với năm 2019.

Tính đến tháng 6/2023, theo Trung tâm Thông tin mạng Internet Trung Quốc, hơn 765 triệu người dùng Internet Trung Quốc (khoảng 70% người dùng Internet của đất nước tỷ dân) đã theo dõi các buổi livestream.

Những cái chết vì livestream

Trợ lý giáo sư Lin Jian nhận định: "Trong xã hội bất ổn này, việc phát trực tiếp và trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội mang lại quyền tự chủ nhất định cho giới trẻ đang căng thẳng".

Về lý thuyết, phát trực tiếp là hình thức biểu diễn linh hoạt cho phép người dùng theo dõi bất cứ lúc nào. Thế nhưng, thuật toán của Douyin ưu tiên những người livestream bắt đầu từ 6h sáng hay liên tục trong ít nhất 4 tiếng.

Do không thể dậy sớm, Xu Shihan chọn livestream từ 4h chiều đến 8h tối. Để tăng lượng truy cập, cô tạo nét riêng bằng cách giả bộ khó chịu khi người xem tặng quà ảo hay tiền.

Mỗi tháng, Xu kiếm được hơn 30.000 nhân dân tệ (khoảng 108 triệu đồng) sau khi đã trích một nửa lợi nhuận cho nền tảng, chia 8% cho đơn vị quản lý của cô. Con số này cao gấp 3 lần mức lương cũ.

Nhiều bạn trẻ ra đi đáng tiếc vì ngày đêm muốn làm ngôi sao chốt đơn - 3

Livestream mang lại cho nhiều người trẻ Trung Quốc thu nhập tốt hơn gấp nhiều lần so với công việc văn phòng (Ảnh: Getty).

Tuy mang lại thu nhập, việc theo đuổi số lượt xem đôi khi cũng để lại hậu quả đáng tiếc.

Tháng 3/2021, cái chết đột ngột của Paopaolong - nổi tiếng ở mảng mukbang (phát trực tiếp cảnh vừa ăn uống khẩu phần khổng lồ, vừa trò chuyện với khán giả) - ở tuổi 29 khiến cộng đồng mạng không khỏi bàng hoàng. Paopaolong tên thật là Yu Hailong, thu hút hơn 10 triệu lượt theo dõi trên Douyin và thường livestream các bữa tiệc buffet tại nhà hàng.

Nhóm của Yu cho biết, anh qua đời vì kiệt sức khi đang quay một quảng cáo phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, người hâm mộ suy đoán nguyên nhân là do việc ăn uống vô độ trong thời gian dài của Yu. Năm 2020, anh từng khiến người theo dõi lo lắng khi xuất hiện trong tình trạng bị rụng tóc và cân nặng tăng vọt lên 160kg.

Cuối tháng 5/2023, KOL 21 tuổi tên là Cuihua qua đời khi đang cố gắng giảm 100kg tại một trại giảm cân. Những video cuối cùng cho thấy, thân hình nặng 156kg của cô phải trải qua các bài tập luyện tập cường độ cao. Cô cũng than thở bản thân cảm thấy không khỏe ngay trước khi xảy ra chuyện đáng tiếc.

Trước đó vài tuần, Zhongyuanhuangge - một người có ảnh hưởng 26 tuổi - qua đời trong một cuộc thi uống rượu được phát trực tiếp. Để thu hút lượt xem, anh đã uống hai chai baijiu - loại rượu có nồng độ cồn 35-60%.

Hai tuần sau, thử thách uống rượu cũng đã cướp đi mạng sống của một người có ảnh hưởng khác tên là Sanqiange (34 tuổi).

Nhiều bạn trẻ ra đi đáng tiếc vì ngày đêm muốn làm ngôi sao chốt đơn - 4

Người có ảnh hưởng Cuihua qua đời khi cố gắng giảm cân (Ảnh: Cuihua).

Tiến sĩ Jian Xu - chuyên gia về văn hóa truyền thông kỹ thuật số Trung Quốc và nghiên cứu về người nổi tiếng tại Đại học Deakin, Úc - cảnh báo, khi ai cũng muốn trở thành "wanghong" và thu hút lượt xem bằng mọi cách, khung cảnh hỗn loạn sẽ xảy ra.

Những trường hợp cực đoan kể trên là lý do chính đáng để Bắc Kinh tiến hành các cuộc đàn áp gần đây. Năm 2023, một chiến dịch đã xóa sổ 290.000 tài khoản livestream có ngôn ngữ thô tục ở nơi công cộng hay quấy rối người qua đường.

Năm 2020, khi xu hướng mukbang càn quét mạng xã hội, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã khóa 13.600 tài khoản vì cổ xúy lãng phí thực phẩm.

Tuy nhiên, các quy định không phải lúc nào cũng được thực thi nghiêm ngặt. Một khi sự chú ý của chính phủ giảm bớt, các hành vi bị cấm thường xuất hiện trở lại dưới hình thức tinh vi hơn.

Mùa thu năm 2023, sau hàng loạt cơn ác mộng không có ai xem livestream của mình, Xu Shihan cuối cùng phải tạm nghỉ hai tháng. Tuy nhiên, cô không có ý định quay trở lại công việc trước đây.

"Nghề phát trực tiếp đầy rẫy thách thức nhưng mang lại thành quả. Sự tiến bộ và thành công của tôi được đo bằng lưu lượng truy cập mà tôi có thể theo dõi", cô bày tỏ.