PhotoStory

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019

Thực hiện: Thành Đông - Thu Thảo

(Dân trí) - Đang là sinh viên, Trần Thế Trung khá bận rộn với việc học nhưng vẫn dành thời gian cho những niềm đam mê như bóng rổ và cờ Shogi.

Khám phá CLB cờ Shogi độc nhất ở Việt Nam cùng quán quân Olympia 2019 (Video: Minh Hoàng - Thu Thảo).

Năm 2019, Trần Thế Trung (SN 2002) là học sinh đầu tiên của tỉnh Nghệ An vô địch Đường lên đỉnh Olympia.

Giống như các quán quân khác bước ra từ cuộc thi, nam sinh có thêm nhiều người hâm mộ nhưng cùng với đó là áp lực khi mọi lời nói, hành động đều trở thành tâm điểm chú ý.

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 1

Hơn 4 năm kể từ dấu ấn đáng nhớ thời học sinh, Thế Trung hiện là sinh viên năm hai ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại Đại học RMIT Việt Nam (cơ sở Hà Nội). Ngoài ra, chàng trai cũng đảm nhận một số vai trò như trọng tài cho nhiều giải bóng rổ và Phó Chủ tịch câu lạc bộ (CLB) Shogi Việt Nam.

Tính đến nay, Thế Trung là nhà vô địch Olympia hiếm hoi không chọn đi du học.

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 2

Sáng chủ nhật, Thế Trung có mặt từ sớm ở nhà thi đấu nơi diễn ra các trận tranh tài của giải bóng rổ trong khuôn khổ Hội khỏe phù đổng thành phố Hà Nội lần thứ X năm 2024. 

Trong buổi sáng, nam sinh làm nhiệm vụ ở 3 trận đấu bóng rổ, bao gồm hai trận là trọng tài bàn và một trận trực tiếp cầm còi điều khiển trên sân.

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 3

Thế Trung chơi bóng rổ từ cấp hai và bén duyên với công việc trọng tài. Từ những trận đấu đầu tiên ở Hội Bóng rổ Nghệ An, quán quân Olympia có khoảng 7 năm cầm còi và hiện làm việc tại Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội.

Chàng trai sinh năm 2002 đặc biệt thích tìm hiểu về luật, từng được biết đến với công trình dịch Luật bóng rổ 2020 và 2022.

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 4

Trước thắc mắc nhiều người đến với bóng rổ thường thích chơi hơn là nghĩ tới việc làm trọng tài, Thế Trung tiết lộ, bản thân không phải một cầu thủ giỏi.

"Mình nghĩ một phần nào đó trong mình cũng thích tìm hiểu hơn về luật, mong muốn đem đến trận đấu công bằng nhất có thể cho các vận động viên trên sân", nam sinh chia sẻ.

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 5

Một số giải đấu có quy mô lớn Thế Trung từng tham gia với vai trò trọng tài là Giải Bóng rổ Sinh viên toàn quốc năm 2022 và 2023; Giải Thể thao Sinh viên toàn quốc; Giải Bóng rổ vô địch Hà Nội (HBC); Giải Bóng rổ Pro-Am (VBC) và vinh dự nhất là được ngồi bàn thư ký ở Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA).

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 6

Dù có kinh nghiệm nhất định, Thế Trung cho biết, trong 6-7 năm làm trọng tài bóng rổ, thời gian đi bắt thực tế của mình không nhiều đến thế.

Nam sinh cho rằng, bản thân vẫn phải trau dồi kỹ năng rất nhiều và có thể phải mất khoảng 5-10 năm nữa chuyên môn mới đủ vững vàng để có thể điều hành những giải đấu ở cấp độ cao. 

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 7

Kết thúc buổi sáng bận rộn, Thế Trung đi ăn trưa và nhanh chóng di chuyển về địa điểm tụ họp thường kỳ của CLB Shogi Việt Nam.

Đây là nơi quy tụ những người yêu thích Shogi, mong muốn phát triển và mang bộ môn này đến với công chúng Việt Nam.

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 8

Quán quân Olympia giới thiệu, Shogi là môn cờ thịnh hành ở Nhật Bản, có "họ hàng" với cờ vua và cờ tướng nhưng cách đi các quân khác và có những luật rất thú vị như là "phong cấp" hay "thả quân" khi có thể dùng được quân của đối phương.

Do đó, việc tính toán sẽ nhiều hơn, tốc độ ván cờ sẽ được đẩy lên cao, đồng thời có nhiều biến số hơn để cần phải cân nhắc trong ván cờ.

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 9

"Hiện tại, CLB Shogi Việt Nam hoạt động được 3 năm với thành viên ở khắp mọi miền đất nước. Chúng mình đang có khoảng 4.000 lượt theo dõi trang Facebook. Ngày 9/6/2023, CLB Shogi Việt Nam được Liên đoàn Shogi Nhật Bản chính thức công nhận là một chi nhánh của Liên đoàn tại Việt Nam", Thế Trung tự hào nói về CLB của mình.

Hiện tại, CLB Shogi Việt Nam cũng là tổ chức tiên phong và duy nhất quảng bá bộ môn Shogi tại Việt Nam.

Vào những buổi tụ họp từ 15h đến 19h, các thành viên thường chơi cờ, ngồi thảo luận với nhau về các nước đi hay có thể cùng theo dõi những trận đấu chuyên nghiệp. 

Dương Bảo Thạch (SN 2004) - Chủ tịch CLB Shogi Việt Nam - cho biết, Trần Thế Trung là một trong những người bạn chơi cờ đầu tiên của mình. Nam sinh cảm nhận đàn anh là người có trách nhiệm, nhanh nhẹn và "đã nói được là làm được".

Còn với Ngô Bảo Ngọc (SN 2002) - thành viên CLB Shogi Việt Nam, bên cạnh sự trách nhiệm, Thế Trung còn có tính cách chính trực, nhiệt tình trong các hoạt động của CLB.

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 10

Ở cương vị Phó Chủ tịch thường trực của CLB Shogi Việt Nam, Thế Trung mong câu lạc bộ sẽ thu hút nhiều người chơi và đam mê Shogi hơn nữa, có thể phát triển thành cộng đồng lành mạnh, tạo ra sân chơi bổ ích cho mọi người.

Hơn hết, chàng trai hy vọng trong tương lai, Shogi sẽ trở thành môn thể thao được mọi người công nhận và có thể thi đấu chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Hiện tại, CLB Shogi Việt Nam cử đội đại diện cho Việt Nam tham dự giải nghiệp dư của quốc tế ở trên mạng và sắp tới tổ chức giải đấu vòng loại để chọn người sang Nhật Bản thi đấu vào tháng 11 năm nay ở giải vô địch Shogi quốc tế.

Một ngày làm trọng tài bóng rổ, họp CLB Shogi của quán quân Olympia 2019 - 11

Rời CLB Shogi, Thế Trung tiếp tục bận rộn với công việc trọng tài ở Giải bóng rổ thanh thiếu niên Hà Nội (HYBL). Dù bận rộn từ sáng đến tối, nam sinh vẫn vui vì được sống với những đam mê của mình.

Ngoài bóng rổ và Shogi, Thế Trung cũng thích viết thư pháp và coi đây là thú vui mỗi khi rảnh rỗi. Cậu thừa nhận, bản thân cũng giống nhiều bạn bè đồng trang lứa ở chỗ thích đi xem phim và nghe nhạc, đọc sách.

Sắp tới, sau khi lấy bằng cử nhân, Thế Trung mong muốn làm công việc liên quan đến thiết kế như chuyên ngành được học, đồng thời tiếp tục phát triển đam mê bóng rổ và Shogi.

Nhà vô địch Olympia 2019 không muốn "mắc kẹt" với danh hiệu quán quân