DMagazine

Miệt thị ngoại hình - lời nói đùa biến thành gai nhọn cắm sâu vào da thịt

(Dân trí) - "Thỉnh thoảng mình sẽ soi lại khuôn mặt của mình rồi tự hỏi liệu có nên hay đổi bản thân để làm vừa lòng người khác hay không, tại sao mình lại xấu đến vậy…".

Miệt thị ngoại hình - lời nói đùa biến thành gai nhọn cắm sâu vào da thịt - 1

Body shaming là một thuật ngữ Tiếng Anh có nghĩa là "miệt thị ngoại hình". Thuật ngữ này dùng để chỉ các hành động, lời nói nhằm chê bai, phán xét, bình luận một cách ác ý về vẻ ngoài của người khác, khiến cho người nghe cảm thấy không thoải mái, khó chịu, bị xúc phạm hay tổn thương.

Body shaming thể hiện những câu nói tưởng chừng chỉ là những câu đùa vui: "Con trai gì mà chỉ cao bằng bạn gái", "Béo thế này có mà sập cả xe"… Body shaming đôi khi còn tồn tại ở dạng suy nghĩ tự miệt thị chính mình khi cảm thấy bản thân không theo kịp xu hướng chuẩn mực vẻ đẹp của xã hội hiện tại.

Sự miệt thị ngoại hình tồn tại ở nhiều dạng, nhưng trong đó phải kể đến các loại body shaming phổ biến hiện nay như: miệt thị thân hình, miệt thị về làn da, miệt thị về màu da… Thường gặp nhất là fat shaming, nghĩa là miệt thị cân nặng của người khác.

Face shaming (miệt thị gương mặt) cũng là một hành vi xấu không kém. Đây là trường hợp một người bị chê bai, chế giễu về những đặc điểm trên khuôn mặt như nhiều mụn, da mặt đen, mũi to, môi thâm, mặt bé… Từ đó tạo ra sự mặc cảm và tình trạng suy sụp tinh thần ở người bị nhắm tới.

Một thực trạng đáng buồn là hành vi miệt thị người khác về mặt ngoại hình có thể được bắt gặp ở bất kì nơi đâu dù là ở ngoài đời hay trên các trang mạng xã hội. Hành vi này xảy ra ở hầu hết mọi nơi, mọi quốc gia, ngóc ngách trong đời sống như trường học, nơi làm việc, thậm chí là trong chính gia đình. Đặc biệt hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter, Instagram… cũng đã trở thành môi trường lý tưởng cho việc miệt thị ngoại hình.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về những hệ quả mà body shaming gây ra, phóng viên Dân trí có cuộc trò chuyện với các bạn trẻ đã và đang là nạn nhân của hành vi miệt thị ngoại hình.

Miệt thị ngoại hình - lời nói đùa biến thành gai nhọn cắm sâu vào da thịt - 2

 Bạn N.P.A ở Hà Nội tâm sự: "Tuần trước, mình lên một group Facebook để livestream (phát trực tiếp) giao lưu với mọi người. Nhưng khi mới bắt đầu đoạn video, đã xuất hiện rất nhiều comment (bình luận) tục tĩu, không chỉ miệt thị ngoại hình của mình mà còn dùng cả sex joke (trò đùa gợi dục). Thậm chí, một số người còn gắn thẻ thêm bạn bè vào để trêu đùa mình bằng những câu nói rất thô tục và ác ý."

"Mình đã suýt khóc trong video đó và đã phải tắt đoạn livestream đó đi. Sau ngày hôm đó, mình đã suy nghĩ rất nhiều. Thỉnh thoảng mình sẽ soi lại khuôn mặt của mình rồi tự hỏi liệu có nên hay đổi bản thân để làm vừa lòng người khác hay không, tại sao mình lại xấu đến vậy…

Khoảng thời gian đó dù chỉ vài ngày nhưng cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần và suy nghĩ của mình", N.P.A chia sẻ.

Miệt thị ngoại hình - lời nói đùa biến thành gai nhọn cắm sâu vào da thịt - 3

Bài chia sẻ của cô bạn N.P.A về câu chuyện bị miệt thị ngoại hình trên không gian mạng.

V.T.T ở Hải Phòng cho biết, bản thân cô chịu đựng body shaming từ những năm học mẫu giáo cho đến tận bây giờ. Cô bị phân biệt đối xử, cô lập bởi chính các bạn cùng lớp và giáo viên chủ nhiệm. Cô thường bị các bạn nhìn với ánh mắt miệt thị, đôi lúc phải nghe những lời chê bai về ngoại hình một cách trực tiếp.

"Hồi nhỏ, mình và một bạn có vấn đề về tâm lý bị cả lớp xa lánh, không một ai chịu chơi hay nằm cạnh bọn mình giờ nghỉ trưa. Hai đứa lủi thủi chơi một góc, lặng lẽ ngủ ở nơi khuất nhất, và cũng ít nhận được sự quan tâm của giáo viên nhất.

Sau này, mình lại phải chịu sự xa lánh của các bạn mới ở trường tiểu học. 5 năm đi học, mình không được một ai quan tâm hay để ý, có chăng được nhắc đến cũng chỉ là những câu nói đùa cợt về ngoại hình của mình. Các bạn đặt cho mình những biệt danh như Thư béo, Thư điên, Thư xồ…", cô gái tâm sự.

Miệt thị ngoại hình - lời nói đùa biến thành gai nhọn cắm sâu vào da thịt - 4

"Mình từng tâm sự với mẹ những câu chuyện ở trên lớp. Nhưng thay vì được mẹ động viên, quan tâm, an ủi thì mẹ lại trách ngược lại mình, nói mình nên kiểm điểm lại bản thân, mình đã làm gì khiến cho các bạn xa lánh đến như vậy. Không những vậy, mình còn nhận được những lời miệt thị từ chính họ hàng, người thân trong gia đình. Những lời nói đó giống như cái gai cắm sâu vào da thịt khiến mình bị ảnh hưởng rất nhiều", V.T.T nói.

"Người khác nghĩ mình xấu, không bao giờ mình dám nghĩ mình xinh. Người ta nói mình béo, chính là mình béo. Một người lạ nói rằng ngũ quan của mình không có điểm nhấn, chắc chắn mình không có điểm đặc biệt. Mình luôn tự oán trách bản thân tại sao mình lại xấu, lại béo như vậy", V.T.T trải lòng.

Body shaming có những ranh giới mong manh giữa sự vô tình và hữu ý, giữa những lời nói đùa và những lời miệt thị. Tổn thương có thể đến từ những lời nói tưởng chừng như vô tâm, nhưng để lại trong lòng nạn nhân sự tổn thương sâu sắc, suy sụp tinh thần. Nặng nề hơn, body shaming sẽ trở thành một trong những nguyên nhân thúc đẩy một số người làm đẹp bất chấp sức khỏe, làm đẹp bằng mọi giá nhằm khỏa lấp nỗi tự ti, mặc cảm

Và khi vẻ đẹp của bản thân được định nghĩa theo cách của người khác, bạn đã đánh mất chính mình.

Miệt thị ngoại hình - lời nói đùa biến thành gai nhọn cắm sâu vào da thịt - 5

Những câu nói đùa trở thành gai nhọn, ám ảnh nạn nhân nhiều năm liền.

"Mình cảm thấy vô cùng mệt mỏi với cuộc sống hiện tại. Cảm giác như bản thân đang bị kìm hãm bởi thứ gì đó. Mình muốn trở nên xinh đẹp nhưng không đủ can đảm để xinh đẹp. Mình ái ngại ánh mắt của người đời, muốn trốn tránh thực tại. Liệu mình trở nên đẹp hơn thì có thể thay đổi được cái nhìn của người khác về mình không?", V.T.T chia sẻ.

Trong cuộc sống thực tại, không thiếu những câu chuyện về body shaming đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Có những nạn nhân bị ức chế tinh thần, khép mình trong vòng cô đơn luẩn quẩn. Có những giọt nước mắt đã rơi, có những chàng trai, cô gái chỉ vì bị sự tự ti vây quanh mà đã chọn kết liễu cuộc đời mình. Đừng tổn hại lẫn nhau bằng lời nói, bởi mỗi người có một chuẩn mực và vẻ đẹp khác nhau.

"Chúng ta là những cá thể riêng biệt, bởi vậy ta nên cảm thấy tự tin và yêu bản thân mình hơn. Hãy cứ làm những gì mình thích, miễn sao điều đó không gây hại đến ai. Hãy sống cho chính mình, đừng cố thay đổi bản thân chỉ để làm thỏa mãn, hài lòng những người xung quanh", N.P.A nhắn nhủ.