DNews

Cố thủ cửa hàng tiện lợi, bôi nước lên người mới ngủ được vào ngày 40 độ C

Dĩ An

(Dân trí) - Mấy ngày nay, Hồng Thy (19 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đeo balo ra cửa hàng tiện lợi 24/7 và xông vào "trận chiến" giành chỗ ngồi để thoát khỏi cái nóng như lò lửa.

Cố thủ cửa hàng tiện lợi, bôi nước lên người mới ngủ được vào ngày 40 độ C

Đúng 15h, Thy bước xuống giường, trang bị chai nước 1,5 lít, sách bút rồi mang balo ra khỏi phòng ký túc xá. Không phải Thy chuẩn bị những vật dụng này để đi xếp hàng đăng ký nhập học hay "đu" thần tượng. Thy đi tìm điều hòa để tránh cái nóng gay gắt ở thủ đô.

Vào ngày không có tiết học trên trường, nữ sinh viên 19 tuổi lặp lại thói quen này đều đặn. Chỉ với 50.000 đồng cho 3 lần mua lon nước, cô có thể "trụ" trong gần 6 giờ để ngồi ở nơi mát mẻ, tập trung hoàn thành bài tập.

"Phòng ký túc xá của mình gồm 10 người chung sống. So với những trường khác, phòng ở của chúng mình khá thoáng, sạch sẽ và được trang bị điều hòa đầy đủ. Tuy nhiên, vì chị em trong phòng muốn tiết kiệm nên chẳng bao giờ bật vào ban ngày.

Mình ngồi ở cửa hàng tiện lợi giúp tiết kiệm điện và học hành cũng tập trung. Ngồi từ 15h đến 20h30, mình xách balo về đi tắm rồi lên giường là vừa", Hồng Thy chia sẻ với Dân trí.

Cố thủ cửa hàng tiện lợi, bôi nước lên người mới ngủ được vào ngày 40 độ C - 1

Những chiếc balo to, đựng được nhiều vật dụng giúp sinh viên ngồi lâu tại cửa hàng tiện lợi, quán nước (Ảnh: Dĩ An).

"Cuộc chiến" giành chỗ mùa nắng nóng

Theo ghi nhận của PV Dân trí, những cửa hàng tiện lợi mở cửa xuyên đêm là địa điểm "hot" của sinh viên vào mùa nắng nóng. Thông thường, những điểm gần trường học, khu ký túc xá sẽ nhộn nhịp hơn. Vào khung giờ 19h-20h, khách hàng khó có thể tìm một chỗ ngồi để ăn một cốc mỳ.

Hồng Thy biết được điều này nên cô luôn ra trước khung giờ cao điểm. Nữ sinh khoa Xã hội học tiết lộ, bản thân may mắn khi lúc nào cũng tìm thấy một chỗ trống để ngồi. Khi cô vừa đứng lên, chỗ trống đó nhanh chóng được "lấp" bằng người khác.

Mỗi khi đi vệ sinh, nữ sinh luôn chú ý đặt balo lên ghế, không thu dọn đồ trên bàn để ngầm ra hiệu "chỗ ngồi đã có chủ".

"Khi đi với bạn, mình sẽ thoải mái đi vệ sinh hơn. Lúc 'đơn thân độc mã', mình đành cố đi nhanh nhất có thể. Trong trường hợp gặp xui, mất đồ, mình đành chịu chứ cũng chẳng biết thế nào", Thy nói thêm.

Không may mắn như Thy, Phương Linh (20 tuổi, Hà Nội) mang balo đầy ắp đồ, bước vào cửa hàng 24/7 rồi lại đi ra. Lý do là cô thấy không còn chỗ ngồi nào cho mình. Hơn nữa, lượng khách đứng xếp hàng đợi thanh toán quá đông.

Linh đành vào thư viện của ký túc xá để học. Không gian thoáng đãng, yên tĩnh, có quạt trần vẫn đỡ hơn 4 góc tường ở trong phòng. Linh khá may mắn khi tìm được một chỗ trống cho mình. Thông thường, nơi này sẽ là lựa chọn thứ hai, xếp sau cửa hàng tiện lợi có điều hòa.

Những ai không đi "tá túc" nhờ được xem là người dũng cảm trong những ngày nóng vượt ngưỡng 40 độ C.

Minh Trí - nam sinh viên của một trường đại học top đầu ở quận Đống Đa, Hà Nội - là một trong số đó. Trí ở trong phòng ký túc xá gồm 5 người, nói không với điều hòa.

Cố thủ cửa hàng tiện lợi, bôi nước lên người mới ngủ được vào ngày 40 độ C - 2

Căn phòng ký túc không có điều hòa của Minh Trí (Ảnh NVCC).

"Mấy ngày qua nóng khủng khiếp. Chúng mình khá chật vật trong việc sinh tồn. Phương pháp của chúng mình là tắm 3 lần/buổi để giảm sự khó chịu vì thời tiết oi bức. Một số người trong phòng sang nhà trọ của bạn gần trường để hưởng ké điều hòa", Trí tâm sự.

"Trong cái khó, ló cái khôn"

Ở trọ cùng bạn tại khu Nhổn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thanh Thảo hàng ngày phải bôi nước lên tay, chân, lưng mới có thể ngủ ngon giấc. Nữ sinh 19 tuổi cho rằng, cách này cũng rất hiệu quả. Vì không có tiền, phòng của Thảo và bạn chưa thể lắp được điều hòa.

Nếu học cả ngày, Thảo thường ở lại luôn vì trường có điều hòa. Đến tối, cô lại đi siêu thị gần nhà để vừa tránh nóng, vừa tập thể dục.

Trong khi đó, một số sinh viên lại áp dụng theo các mẹo trên mạng xã hội. Họ dùng đá lạnh để làm mát. Nếu không đủ đá trong tủ lạnh, họ mua tảng to từ tạp hóa rồi để trước quạt.

"Nếu làm siêng, mình thường đi mua đá to. Không có điều kiện, chúng mình phải ứng biến đủ cách để mát hơn. Vì trời quá nóng, đá cũng tan nhanh lắm. Tuy nhiên, mát cho đến khi vào giấc ngủ là đủ rồi", Quang (quận 8, TPHCM) nói.

Đổi nhà vì không lắp được điều hòa

Không chỉ sinh viên, nhiều người đi làm ở các thành phố lớn cũng đang chật vật với những ngày nắng nóng đỉnh điểm.

Có điều kiện để mua điều hòa nhưng kết cấu nhà trọ của Phương Nhi (26 tuổi, Bình Thạnh, TPHCM) không cho phép lắp máy. Vì thương em gái đang là sinh viên phải chịu cảnh nóng bức, cô quyết định đổi nhà.

Từ căn nhà cũ thuê với giá 5 triệu đồng, Nhi hiện phải trả khoảng 7 triệu đồng để sang phòng mới.

Cố thủ cửa hàng tiện lợi, bôi nước lên người mới ngủ được vào ngày 40 độ C - 3
Nhi và em gái mới chuyển sang phòng trọ khác để có thể lắp được điều hòa (Ảnh: NVCC).

"Một phần là vì thương em đang tuổi ăn học. Lý do nữa khiến tôi phải đổi nhà là con mèo cưng cũng trở nên cáu gắt vào những ngày quá nóng", Nhi cho hay.

Thực tế, Phương Nhi cũng chẳng nghĩ nhiều đến việc lắp điều hòa trước. Khi nghe các khuyến cáo không nên dùng nhiều thiết bị này, Nhi rất ủng hộ. Tuy nhiên, khi cơn nắng nóng gay gắt ập đến khiến cô và em chẳng nuốt nổi cơm, Nhi đành sắm cho mình một chiếc.

Để tiết kiệm điện, hai chị em thống nhất chỉ bật vào ban đêm hoặc lúc ăn cơm, tránh mở thấp hơn mức 26 độ C.

Nội dung: Dĩ An