Cô giáo 9X chấp nhận yêu xa, vượt 60km dạy chữ cho học sinh Hà Giang
(Dân trí) - Không ngại xa gia đình hay người yêu, Hoàng Thanh Tâm hàng ngày ngồi trên con xe số, băng đèo để đến với trẻ em vùng cao.
Vượt qua quãng đường quanh co đầy ổ gà, ổ voi, nhiều lần ô tô bị hỏng máy, sập gầm, đoàn từ thiện cuối cùng cũng đến được xã Quảng Nguyên, Xín Mần, Hà Giang.
Vậy mà con đường đầy chướng ngại vật dài hơn 60km lại trở nên quá quen thuộc với cô gái nhỏ bé như Hoàng Thanh Tâm. Ở tuổi 25, Tâm đang dành thanh xuân của mình cho các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Quảng Nguyên.
Cô giáo nhỏ kiêm luôn phụ huynh
- Tư thế ngồi học (cô giáo).
- Thẳng lưng (học sinh đồng thanh).
Lời nói cứng rắn của Thanh Tâm vang lên khiến cả lớp nhanh chóng vào tư thế ngồi học, không một em học sinh dám cụp lưng.
Đó là khoảnh khắc đầu tiên PV Dân trí được chứng kiến và cảm thấy ngạc nhiên khi vừa mới bước vào lớp do Tâm làm chủ nhiệm.
Nếu không được giới thiệu trước, ít ai có thể nghĩ Tâm chỉ mới 25 tuổi. Đằng sau nụ cười tít mắt, niềm nở là cô giáo cứng rắn, nghiêm khắc. Cái nắng được ví như "lò bánh mỳ" và gió lạnh đến thấu xương của Quảng Nguyên đã phần nào khiến cô giáo trẻ thêm mạnh mẽ trong suốt 2 năm đứng lớp ở vùng núi.
Nhà Tâm ở Quang Bình, Hà Giang. Vì dạy học sinh bán trú, cô ít khi có cơ hội về thăm nhà. Nếu trong trường hợp không họp hay túc trực học sinh đau ốm, cô mới tranh thủ chạy xe máy về.
"Cứ 2-3 tuần, tôi lại về một lần. Đường vùng cao nên đi lại khó khăn lắm. Người ta cứ hay trêu nhau là 'xuống xe bắt cua đi'. Nhưng đấy không phải cua để ăn. Đó là đường cua.
Bây giờ, đường dễ đi hơn. Hồi xưa, đường đá đi còn nguy hiểm hơn nữa. Do đó, chỉ có xe số mới trụ nổi", Thanh Tâm chia sẻ với Dân trí.
Lúc đầu vào nhận lớp, Tâm gặp không ít khó khăn. Bởi nhiều gia đình không thực sự quan tâm đến con em mình.
Khi cô giáo gọi điện thoại, nhiều phụ huynh còn tắt máy, dửng dưng. Vì không có sự kết nối từ gia đình, Tâm càng nghĩ mình phải cố gắng dạy tốt hơn và cũng kiêm luôn vai trò phụ huynh.
Nhiều em học sinh còn không có quần áo đủ ấm để mặc mỗi khi mùa đông đến. Khi đó, Tâm đã cùng các thầy cô giáo chủ động đi xin đồ cho các em.
Cô giáo sinh năm 1998 trải lòng về động lực khiến bản thân lên vùng cao dạy chữ: "Tôi không kiềm được lòng khi nhìn các em học sinh trải qua hoàn cảnh quá khó khăn. Các em cũng không có điều kiện tiếp xúc với kiến thức.
Đâu phải ai cũng muốn lên vùng cao. Các anh chị vào đây rồi cũng biết, đường xa lẫn điều kiện trường đều khó khăn".
Điều duy nhất khiến cô giáo trẻ thêm vững tâm là sự dễ thương, ngây thơ hiện rõ trên gương mặt các em. Với Tâm, học sinh ở đây không khác gì một tờ giấy trắng.
Ở miền xuôi, học sinh còn được tiếp xúc với điện thoại. Tại vùng xã nhỏ này, Tâm nói gì là các em tin cái đấy.
Ngoài kiến thức, Thanh Tâm còn rèn các em về kỷ luật. Tâm đã tự mình nghĩ ra bản quy tắc, khẩu hiệu riêng cho lớp học gồm 36 học sinh của mình. Sau giờ học, cô cũng quan tâm đến chuyện ăn, ngủ của các em.
Tâm dạy kèm thêm học sinh vào buổi tối. Điều thuận lợi là 36/36 học sinh của cô đều ở bán trú.
Ngoài giờ lên lớp từ thứ hai đến thứ 6, Tâm còn dành khoảng 2 tiếng vào một số buổi tối để dạy thêm. Lý do cô làm điều này là vì thấy các em thiệt thòi, không được đi học thêm như trẻ nhỏ dưới đồng bằng.
Bên cạnh đó, Thanh Tâm còn phải trực để không cho học sinh đi tắm suối rồi xảy ra tai nạn không đáng có. Có lần, chính cô phải đi tìm học trò về khi nghe người dân báo lại.
"Nghề giáo viên cũng là mẹ, là cha. Chỉ cần học sinh ốm đau giữa đêm, mình cũng sốt ruột", cô giáo trẻ bày tỏ.
Chuyện yêu xa của cô giáo trẻ
Từ nhỏ, Thanh Tâm đã muốn làm giáo viên. Mẹ Tâm cũng làm cùng nghề nên cô rất thần tượng bà.
Trong ký ức của Tâm, tuổi thơ không gắn liền với búp bê hay ô tô đồ chơi. Cô giáo đứng trên bục giảng mới thực sự là "siêu nhân", làm điều phi thường và biết hết mọi thứ.
Nhưng khi lớn lên và thực sự vào nghề, Tâm bị vỡ mộng. Cô nói, làm giáo viên không phải điều dễ dàng. Đặc biệt, Tâm còn là cô giáo ở vùng cao. Sự nhút nhát, rụt rè, không dám lên tiếng từ các em chính là trở ngại lớn của Tâm.
Điều này khiến cô không thể nào biết được liệu mình có đang dạy đúng hướng hay không. Cô đã khắc phục bằng cách dạy về giao tiếp để các em mở lòng hơn.
Ở độ tuổi của cô giáo Tâm, nhiều bạn bè đã có gia đình nhỏ yên ấm. Trong khi đó, cô vẫn đang cố gắng để giữ chuyện "tình yêu xa" của mình.
Tâm yêu người cũng làm giáo viên, lớn hơn 2 tuổi. Gần 2 năm trước, cả hai cùng thi viên chức.
Điều đặc biệt là người yêu Tâm cũng dạy ở vùng cao, cách xã Quảng Nguyên khoảng 30km. Mỗi lần muốn gặp gỡ, cả hai chỉ có thể hẹn nhau trở về nhà ở Quang Bình.
"Thời nay, yêu xa chẳng đáng ngại lắm nhờ có điện thoại. Do hoàn cảnh, biết thế nào được", cô giáo vừa cười vừa nói.
Tốt nghiệp khoa Tiểu học, Đại học Tân Trào (Tuyên Quang), Thanh Tâm đã có thể kiếm một công việc ổn định ở đồng bằng. Tuy nhiên, cô lựa chọn gắn bó với vùng xã có tổng cộng 1.108 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu.
Cái nắng như đổ lửa ở miền núi cũng chẳng thể làm lụi đi sự lạc quan của cô giáo trẻ.