Cô giáo 9X dạy tiếng Anh theo kiểu độc lạ, hút hàng triệu lượt xem
(Dân trí) - Thủy Tiên từng là nữ sinh sợ nói trước lớp, không giao tiếp được bằng tiếng Anh cho đến khi quyết tâm thay đổi, trở thành "cô giáo triệu view" như hiện tại.
Huỳnh Vũ Thủy Tiên (SN 1996, Quảng Ngãi) được biết đến qua nhiều video dạy tiếng Anh độc đáo trên mạng xã hội. Những tiết học của nữ giáo viên trẻ luôn sôi nổi bởi thay vì truyền đạt kiến thức theo kiểu thông thường, cô lồng ghép nhạc điệu để tạo sự hứng khởi cho học viên.
Các video vừa mang tính giáo dục, vừa có yếu tố giải trí của "cô Tiên Tinker" (biệt danh của Thủy Tiên) khiến nhiều người thích thú và phản hồi tích cực.
Nhìn sự năng động và tự tin của Tiên ở hiện tại, ít ai nghĩ rằng thời sinh viên, cô từng bị chê cười vì nói ngoại ngữ kém. Nhờ sự quyết tâm và kiên trì, cô gái sinh năm 1996 từng bước thay đổi điều này.
Sợ điều gì cứ cố gắng làm nhiều
Thủy Tiên sinh ra trong gia đình căn bản ở tỉnh Quảng Ngãi. Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, cô chỉ được học tiếng Anh ở trường từ cấp 1 đến cấp 3.
Những kiến thức ngữ pháp nền tảng giúp Tiên thi qua môn và đỗ vào khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia TPHCM. Thế nhưng, cô chưa thật sự tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh.
"Cho đến khi bị mọi người xung quanh chê cười và thấy được tầm quan trọng của ngoại ngữ, tôi hạ quyết tâm rèn luyện", Tiên chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Để rèn giũa kỹ năng giao tiếp "thực chiến", Thủy Tiên tìm kiếm cơ hội làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài. Nhờ đó, cô cải thiện kỹ năng nghe, nói và làm quen với nhiều chất giọng của mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới.
Không chỉ vậy, công việc này còn giúp Tiên được lắng nghe những câu chuyện thú vị về các nền văn hóa khác nhau, bản thân cô cũng chia sẻ về vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Một trong những vị khách đầu tiên của Tiên khi ấy là cặp đôi người Úc lớn tuổi. Kết thúc ngày đồng hành vui vẻ, người vợ nói với cô: "Tiên ơi, con có một nguồn năng lượng đặc biệt lắm! Cô tin là con sẽ còn tỏa sáng và đi thật xa trong tương lai".
"Câu nói của một người xa lạ cách đây 8 năm đã cho tôi thêm phần tự tin để theo đuổi ước mơ và hoài bão của mình. Đến giờ, hai người vẫn theo dõi tôi trên mạng xã hội và hay bình luận: "We're so proud of you!" (Cô chú rất tự hào về con!)", Tiên mỉm cười kể.
Bên cạnh đi dẫn tour, Thủy Tiên còn nộp đơn vào các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế để nâng cấp kỹ năng giao tiếp. Ở tuổi 19, cô trở thành đại sứ du lịch trẻ đại diện Sở Du lịch TPHCM sang Phnom Penh (Campuchia) để thuyết trình về du lịch Việt Nam.
Thế nhưng, trước đó chỉ vài tháng, Tiên vẫn bị chê cười vì lên trước lớp thuyết trình mà lơ ngơ, run rẩy. Không nản lòng, cô hạ quyết tâm, tập nói trước gương và đề ra mục tiêu tự tin phát biểu trước đám đông.
Bởi vậy, khi khoa đang theo học thông báo về chương trình đại sứ du lịch trẻ đại diện Sở Du lịch, Tiên không ngần ngại nộp đơn dự tuyển. Mặc dù các ứng viên cùng đợt đều tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Hội nên có nhiều kinh nghiệm thuyết trình, cô không chùn bước mà lấy đó làm động lực để thể hiện thật tốt, thúc đẩy năng lượng tích cực kèm nụ cười tươi.
May mắn, Tiên được chọn làm người thuyết trình chính cùng một bạn nam khác. Trải nghiệm đứng trên bục, trước cơ quan chính phủ và bạn bè các nước láng giềng để giới thiệu về du lịch Việt Nam đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc đời Tiên, giúp cô vượt qua nỗi sợ nói trước đám đông bấy lâu.
"Đến giờ, tôi vẫn hay kể câu chuyện này cho học viên và nhắc các bạn rằng: "Sợ điều gì mình cứ cố gắng làm nhiều vào". Cũng nhờ ngày đó không bỏ cuộc, tôi mới có những cơ hội học tập, trải nghiệm tuyệt vời sau này", cô chia sẻ.
Ngã rẽ từ tai nạn năm 20 tuổi
Thủy Tiên yêu thích công việc hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài nên chưa từng nghĩ sẽ theo sự nghiệp giảng dạy. Cho đến năm Tiên 20 tuổi, khi đang học năm hai đại học, tai nạn ập đến khiến cô gãy chân phải ngồi xe lăn, mọi kế hoạch cũng bị gián đoạn.
Thay vì chỉ ở nhà than thân trách phận, Tiên thử mở vài lớp dạy kèm tiếng Anh. Thời gian đầu, nhiều học viên chạy xe máy gần 20km qua nhà cô học. Thấy hiệu quả, họ còn giới thiệu thêm nhiều bạn bè tới đây.
Tiên vừa ngồi xe lăn, vừa dạy nhưng lớp học lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Chứng kiến học viên thay đổi từ khả năng giao tiếp tiếng Anh đến phong thái tự tin, cô hiểu được giá trị trong việc giảng dạy của mình.
Kể từ năm 2017, Tiên quyết định đi theo con đường chia sẻ kiến thức và kỹ năng mềm.
Để mở rộng tầm nhìn và nâng cao khả năng giao tiếp đa ngôn ngữ, Thủy Tiên nộp đơn tham gia chương trình trao đổi văn hóa Aupair tại châu Âu. Chương trình này cho phép người tham dự sinh sống và học tập tại gia đình người bản xứ ở nước ngoài trong vòng 1-2 năm mà không quá tốn nhiều chi phí.
"Đây là cơ hội tuyệt vời tôi chưa từng nghĩ mình có thể tự đạt được ở tuổi đôi mươi. Tôi là người dễ thích nghi và tự lập nên thấy không mấy khó khăn khi mới đặt chân sang trời Tây. Chỉ có điều, chân còn thanh sắt 30cm đóng đinh nội tủy bên trong sau tai nạn nên mỗi lần trời lạnh, tôi thấy hơi buốt và khó di chuyển", cô gái 28 tuổi kể.
Trong vòng một năm ở châu Âu, Tiên đã ghé thăm 20 thành phố xinh đẹp, được mở rộng tầm mắt và gặp gỡ nhiều người bạn mới. Nhưng dù đi đâu, cô hiểu rằng, trái tim mình luôn hướng về quê hương và mong ngày trở về khi đã trở thành phiên bản tốt hơn.
Sau khi trở về Việt Nam, Thủy Tiên quyết định mở lại các lớp dạy tiếng Anh theo cách chuyên nghiệp hơn. Cô vẫn chọn gắn bó với sự nghiệp đào tạo dù trong hai năm nghỉ dịch, bản thân có cơ hội trải nghiệm vị trí giám đốc truyền thông và quản lý đối tác trong lĩnh vực tài chính - công nghệ.
"Có thể nói là "nghề chọn người" cũng được 7 năm rồi", Tiên vui vẻ nói.
Không muốn truyền đạt kiến thức theo kiểu khô khan
Vốn yêu thích đàn hát và nhảy múa, Thủy Tiên nghĩ ngay tới việc lồng ghép những yếu tố giải trí này vào buổi học để giúp học viên hào hứng, dễ tiếp thu nội dung hơn, không cảm thấy căng thẳng khi lên lớp.
Sau khi thay đổi được tư duy "sợ sai", "sợ bị cười chê" in sâu trong đầu nhiều học viên, Tiên hướng dẫn họ các kỹ thuật như: Cách đặt răng, lưỡi, lấy hơi, đẩy hơi để phát âm chuẩn, ngữ điệu hay; cách giãn cơ mặt, giao tiếp qua ánh mắt, nụ cười, cử chỉ giúp xây dựng thần thái tự tin; cách rèn luyện tư duy ngôn từ, lập luận và trình bày để trở nên thu hút, duyên dáng hơn.
Tiên ghi lại những khoảnh khắc vui nhộn trong lớp học và chia sẻ lên mạng xã hội để ai không có điều kiện đến lớp vẫn có thể học hỏi và được truyền thêm cảm hứng học tiếng Anh. Các video của cô đều thu hút lượt tương tác tốt, trong vòng hai tháng gần đây tiếp cận được 38 triệu tài khoản trên TikTok, 6 triệu trên Facebook và 4,7 triệu trên YouTube.
Học viên online (trực tuyến) của Tiên đến từ mọi miền Tổ quốc và đang sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, có độ tuổi từ 8 đến 65.
Thỉnh thoảng, Thủy Tiên cũng nhận được những thắc mắc về phong cách giảng dạy và ăn mặc không giống với giáo viên thông thường.
Cô giáo trẻ lý giải: "Trong lớp học, tôi dạy cả kỹ năng giao tiếp và thuyết trình (hình thể, cảm xúc, ngôn từ), tiếng Anh chỉ là một phần nhỏ. Phong cách ăn mặc của tôi và học viên đều thoải mái vì tôi không muốn sự gò bó như đi học trên trường. Hơn nữa, tôi luôn khuyến khích mọi người ngoài bồi đắp tri thức còn phải chăm sóc ngoại hình để tự tin tỏa sáng hơn".
Một phần Tiên yêu thích mỗi khi lên lớp là được chia sẻ về kiến thức và kỹ năng mềm từ những trải nghiệm thực tế của bản thân sau khi đi nhiều nơi, làm nhiều công việc, gặp nhiều người giỏi giang. Cô không muốn chỉ truyền đạt kiến thức khô khan từ sách vở.
Tiên cũng rất vui khi nhận nhiều lời khen từ cộng đồng mạng về ngoại hình hay phong cách ăn mặc cá nhân. Thực tế, năm 2019, cô từng đoạt danh hiệu á khôi 2 của cuộc thi Người đẹp núi Ấn - sông Trà tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên với cô, đó chỉ là yếu tố phụ.
Dù bận rộn với việc giảng dạy và làm diễn giả tại nhiều chương trình, sự kiện về giáo dục, Tiên vẫn cố gắng đến phòng gym, đi bơi, lặn, bắn cung… để giữ gìn sức khỏe và dáng vóc.
Trước mắt, Thủy Tiên mong muốn không ngừng hoàn thiện chính mình, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực và truyền cảm hứng phát triển bản thân đến nhiều người nhất có thể. Cô hy vọng được mọi người tiếp tục yêu thương và ủng hộ với những dự án giáo dục cộng đồng sắp tới.
Ảnh: NVCC