1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nam:

Triển khai, rà soát tránh trùng lặp người nhận từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Tỉnh Hà Nam triển khai, rà soát tránh trùng lặp người nhận từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Nghị quyết 42/NQ-CP. Ước tính, Hà Nam sẽ chi hơn 100 tỷ đồng cho hơn 90.000 người.

Triển khai, rà soát tránh trùng lặp người nhận từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - 1
Lao động tự do ở Hà nam

Triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Hà Nam dự kiến có khoảng hơn 90.000 người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ. 

UBND tỉnh Hà Nam đã quyết định ứng ngân sách tỉnh năm 2020 với tổng số tiền 106,4 tỷ đồng để phân bố về các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh để hỗ trợ đến những đối tượng được hỗ trợ, nhưng vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn để tiến hành triển khai.

Ông Đoàn Tiến Hùng, Phó phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam cho biết, hiện phòng đã rà soát toàn bộ những đối tượng nằm trong nhóm người có công với cách mạng, những đối tượng nằm trong danh sách này cũng đã có từ trước vì nằm trong diện chi trả chế độ hàng tháng. Nhưng ở mảng gưnời có công có đến 12 nhóm đối tượng, vì vậy cũng phải chờ thông tư hướng dẫn từ Bộ để làm chính xác và khách quan.

Sở LĐ-TB&XH Hà Nam đã có công văn số 342/LĐTBXH -VLATLĐ về việc rà soát các đối tượng vị ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra.

Qua đó đã tổng hợp dự kiến trên địa bàn tỉnh Hà Nam có có khoảng hơn 90.000 người thuộc các nhóm được thụ hưởng.

Theo ông Hùng, việc rà soát ở nhóm đối tượng này không khó, nhưng cũng mong người dân hiểu là rà soát chỉ là bước đầu, còn đối tượng rà soát có được hưởng hỗ trợ hay không thì cũng chưa biết, vì phải chờ thông tư. Nhiều người sẽ hiểu nhầm việc rà soát là sẽ được nhận nên dễ gây hiểu nhầm.

Cũng như nhóm đối tượng Người có công, những đối tượng thụ hưởng ở nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhóm bảo trợ xã hội... tương đối thuận lợi vì danh sách đã có sẵn. Do vậy khi có thông tư hướng dẫn, vài ngày sau nhóm đối tượng này sẽ nhận được hỗ trợ ngay. Việc thống kê, lập danh sách này được cập nhật hàng tuần.

Gặp khó ở nhóm đối tượng lao động tự do

Bà Phạm Thị Huế, Trưởng phòng Việc làm và người lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nam, cho biết: "Trong các nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp lần này thì nhóm thụ hưởng là người lao động tự do là gặp rất nhiều khó khăn".

Phòng Việc làm và người lao động đang tiến hành rà soát danh sách, sàng lọc đối tượng lao động bị tạm hoãn hợp đồng nghỉ không lương một tháng trở lên do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh, người lao động bị chấm dứt hợp đồng bị thất nghiệp… 

Nhưng khó khăn nhất vẫn là nhóm người lao động tự do, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể là như thế nào, nên vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn mới rà soát và tiến hành triển khai.

Ngoài ra, nhóm này có rất nhiều người lại đang thuộc nhóm thụ hưởng trợ cấp ở nhóm khác. Mà theo quy định thì chỉ được chi trả 1 lần cao nhất nên việc điều tra cần phải thận trọng và đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội.

Theo bà Huế, một người có thể rơi vào nhiều đối tượng. Ví dụ như một người thuộc diện hộ nghèo nhưng có thể cũng được hưởng bảo trợ xã hội là người có công hoặc người có công nhưng họ còn là hộ kinh doanh buôn bán hoặc là lao động tự do…

Do vậy, phải cân nhắc để các đối tượng được hưởng những ưu đãi phù hợp nhất, tránh sự nhầm lẫn, sai sót gây dư luận xấu và mất niềm tin trong nhân dân đối với chủ trương rất ưu việt này của Chính phủ. Chỉ khi nào có thông tư hướng dẫn thì sẽ thực hiện.

Ngoài các đối tượng được hỗ trợ của Nghị quyết 42 của Chính phủ, tỉnh Hà Nam đã đang tập hợp và đề xuất thêm một số đối tượng khác có ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như giáo viên hợp đồng của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thanh niên xung phong, hội người mù… Trước mắt sẽ trích từ từ quỹ vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đức Văn