Thanh Hóa: Khó xác định nhóm lao động tự do trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng được xem là "phao cứu sinh" giúp người dân gặp khó vì Covid-19. Nhưng do là chưa có tiền lệ, việc thống kê cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là với nhóm lao động tự do.

Nhiều khó khăn

Trao đổi với PV Dân trí, chị Nguyễn Thị Tính, công nhân Công ty giày da Hồng Mỹ (KCN Hoàng Long, TP Thanh Hóa) cho biết, chị ký hợp đồng với công ty 3 năm. Tuy nhiên do dịch bệnh nên mới làm được 11 tháng, chị đã bị công ty cắt hợp đồng lao động. Thời điểm này, chị vẫn chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Nghe nói trường hợp như tôi sẽ được hưởng trợ cấp trong gói 62.000 tỉ đồng của Nhà nước. Nhưng chúng tôi băn khoăn là số tiền đó khi nào mới được nhận. Chồng tôi buôn bán tự do nên không biết có thuộc diện được hưởng hay không. Không việc làm, không thu nhập, những ngày qua, gia đình rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn” - chị Tính cho biết.

Thanh Hóa: Khó xác định nhóm lao động tự do trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - 1

Dịch bệnh xảy ra, nhiều công nhân bị cắt hợp đồng lao động.

Băn khoăn giống như chị Tính, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, TP Thanh Hóa chia sẻ: “Cả hai vợ chồng tôi đều làm phục vụ quán cơm, dịch bệnh quán nghỉ, hai vợ chồng mất việc, thế nhưng không biết hai vợ chồng tôi có được nhận trợ cấp hay không và khi nào mới được nhận”.

Cũng nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ do dịch bệnh Covid-19, nhưng những trường hợp như gia đình bà Phạm Thị Linh (72 tuổi, ở xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) chưa biết lúc nào sẽ được hỗ trợ. Gia đình bà Linh có 6 khẩu. Vì gia đình khó khăn nên chi tiêu hàng ngày trông chờ vào đồng lương ít ỏi của vợ chồng con trai.

Thế nhưng từ khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 2 lao động chính của gia đình cũng phải nghỉ việc. Vì là lao động tự do nên khi nghỉ việc cũng không được chủ lao động hỗ trợ gì, và địa phương cũng chưa thống kê, xem xét đến trường hợp lao động này.

“Đứa con dâu cũng chưa đi làm được, ở nông thôn nhưng làm sào ruộng mà giờ không có gì cả. Cái gì cũng khó khăn, gạo thóc các thứ nói chung chưa đi làm được nên chúng tôi khó khăn lắm, chỉ ở nhà thôi. Tôi nghe ti vi nói được miễn tiền điện, tiền nước nhưng vừa rồi chúng tôi đi đóng vẫn chưa thấy được gì cả” - bà Linh nói.

Chờ hướng dẫn cụ thể

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Hương, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Thanh Hóa cho biết, thành phố đang chờ hướng dẫn cấp trên mới rà soát được.

“Thành phố đã rà soát xong đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Còn thực tế nhóm lao động tự do, đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn. Về mặt hồ sơ, thủ tục, hướng dẫn thế nào thì phải chờ thông tư của các bộ, ngành” - bà Hương thông tin.

Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay nhóm đối tượng được hỗ trợ, Sở đang quản lý thì đã rà soát xong, riêng đối tượng là lao động tự do phải chờ hướng dẫn. Lao động tự do là đối tượng nào? Chỗ này rất cần có hướng dẫn. Vì nếu nói lao động tự do rất nhiều và chung chung, cần phải quy về cụ thể”.

Thực tế, việc đưa đối tượng lao động tự do vào nhóm đối tượng được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội là cần thiết và đúng đắn. Nhưng để đảm bảo tiêu chí đúng và đủ, việc xác định nhóm này cần nêu cụ thể các ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ được hỗ trợ.

Đồng thời, công tác xác minh rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nơi người lao động sinh sống để việc hỗ trợ được kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Tỉnh Thanh Hóa đã rà soát được hơn 120.000 hộ là đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng đủ điều kiện được hỗ trợ gói cứu trợ của Chính phủ do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP.

Bình Minh