DMagazine

"Tăng lương ai cũng muốn nhưng còn việc làm vẫn tốt hơn!"

(Dân trí) - Trong bối cảnh người lao động mất việc, giảm thu nhập do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đời sống càng thêm khó khăn. Mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024 cần đặt lên bàn cân, tính toán kỹ lưỡng.

Trong bối cảnh người lao động mất việc, giảm thu nhập do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất, đời sống càng thêm khó khăn, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024 cần đặt lên bàn cân, tính toán kỹ lưỡng.

Tăng lương ai cũng muốn nhưng còn việc làm vẫn tốt hơn! - 1

Nhẩm tính một hồi, chị Đặng Thị Năm (30 tuổi, ở Thanh Hóa) cho biết đã có thâm niên hơn 10 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Khi đó, chân ướt, chân ráo vào nghề, lóng ngóng làm quen với thao tác sử dụng máy, cuối tháng chị cầm về khoản lương chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng.

Lương tối thiểu điều chỉnh qua các năm, tổng thu nhập của chị Năm dần cải thiện so với trước đây. Hiện tại, lương cơ bản chị nhận là 6,5 triệu đồng/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu vùng I hiện hành). Nếu chăm chỉ tăng ca, làm thêm, thu nhập hơn 10 triệu đồng là khả thi.

Nhiều kế hoạch, dự định của chị gần như bị "phá sản" khi làn sóng giảm việc khuấy đảo thị trường lao động. Vào tháng 10/2022, chị Năm có 2 tháng nghỉ ngơi bất đắc dĩ khi công ty thiếu đơn hàng. Nghỉ làm nhưng doanh nghiệp vẫn hỗ trợ những người lao động như chị 70% mức lương cơ bản.

Tăng lương ai cũng muốn nhưng còn việc làm vẫn tốt hơn! - 3

Năm 2022 khép lại, những khó khăn càng bủa vây trong năm 2023. Chị Năm kể, công ty chị làm có 2 nhà máy nằm trong khu công nghiệp thì một nhà máy đã phải cho một nửa công nhân nghỉ việc không lương. Do có nhiều năm kinh nghiệm, chị Năm là một trong những công nhân may mắn được giữ chân, duy trì công việc.

Song, tháng 6 vừa qua chị cũng mất 20 ngày giãn việc. Mới vừa ở quê trở lại nhà máy, mong mỏi lớn nhất của nữ công nhân này là công ty nhiều đơn hàng, người lao động có công văn việc làm đều đặn.

"Thú thật tăng lương ai cũng muốn, nhưng thời điểm này còn việc làm là tốt hơn cả", chị Năm tâm niệm.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho biết, công nhân luôn muốn tăng lương, cải thiện thu nhập. Song việc này cũng cần xem xét, căn cứ trên tình hình kinh tế - xã hội năm nay để tính mức điều chỉnh lương phù hợp với "sức khỏe" của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, trong đó có ngành dệt may.

Thực tế, 50% lao động của ngành trên địa bàn thủ đô bị ảnh hưởng việc làm.

Tăng lương ai cũng muốn nhưng còn việc làm vẫn tốt hơn! - 5

"Nếu sa thải lao động, sau này kinh tế phục hồi, doanh nghiệp rất khó tuyển dụng. Còn cố duy trì lại gánh thêm áp lực tăng lương, các doanh nghiệp không "tải" được, buộc những đơn vị này tính toán giải pháp tình thế là giãn việc để giảm chi phí nhân công", ông Sơn nói.

Chính vì vậy, vị đại diện công đoàn nhận định, năm nay, giữ việc cho công nhân đã khó, đừng nói đến việc tăng lương.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, thời gian qua, Liên đoàn đã khảo sát về đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của người lao động. Qua đó ghi nhận, đại đa số người lao động muốn được tăng lương tối thiểu vì đời sống thực tế đang có rất nhiều khó khăn.

Về mức đề xuất tăng lương, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, mức tăng cụ thể sẽ thông qua thương lượng, trao đổi trong phiên họp hội đồng tới đây.

"Chúng tôi thấu hiểu, chia sẻ với doanh nghiệp và chúng tôi tin rằng doanh nghiệp cũng chia sẻ, thấu hiểu với người lao động, để có tiếng nói chung, đề xuất mức tăng lương phù hợp, cụ thể trong bối cảnh hiện nay", ông Hiểu nói.

Tăng lương ai cũng muốn nhưng còn việc làm vẫn tốt hơn! - 7

"Không nên điều chỉnh lương tối thiểu vùng", ông Ngô Minh Hoan, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (Hưng Yên) quả quyết.

Từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu trong lĩnh vực may mặc chưa khả quan. Điều này đang gây ra những khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp. Ông Hoan dự báo, ít nhất hết năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị mới có thể phục hồi.

Tăng lương ai cũng muốn nhưng còn việc làm vẫn tốt hơn! - 9

(Lương tối thiểu theo tháng hiện nay: Vùng I: 4.680.000 đồng; Vùng II: 4.160.000 đồng; Vùng III: 3.640.000 đồng; Vùng 4: 3.250.000 đồng.

Lương tối thiểu theo giờ: Vùng I: 22.500 đồng; Vùng II: 20.000 đồng; Vùng III: 17.500 đồng; Vùng 4 là 15.600 đồng)

Hiện nay, chưa tính thưởng Tết, thu nhập của công nhân công ty khoảng 8.500.000 đồng/tháng. Mức này đang cao hơn rất nhiều so với lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm gia tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… Về lâu dài, việc tăng này có lợi cho người lao động. Song, tình hình khó khăn trước mắt thì đó cũng là yếu tố tạo ra những thách thức không nhỏ.

"Với doanh nghiệp đang khó khăn, tăng chi phí tiền lương lúc này chính là tạo bất lợi trong cạnh tranh về giá", ông Hoan nói.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc doanh nghiệp duy trì được mức lương hiện tại đã là nỗ lực rất lớn. Điều chỉnh tiền lương tối thiểu lúc này, chủ sử dụng lao động càng khó khăn hơn.

Tăng lương ai cũng muốn nhưng còn việc làm vẫn tốt hơn! - 11

Theo Phó Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp khó khăn hơn nghĩa là đời sống người lao động cũng bấp bênh thêm. Doanh nghiệp sẽ phải điều tiết lại, thậm chí là cắt giảm việc làm, cho lao động nghỉ luân phiên.

"Từ đó, vô hình chung chúng ta lại đẩy một bộ phận người lao động đang có việc làm trở thành không có việc, đồng nghĩa với mất, giảm thu nhập, đời sống khó đảm bảo. Đó là điều không ai mong muốn", Phó Chủ tịch VCCI phân tích.

Phó Chủ tịch VCCI cũng thông tin, sắp tới Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp, trao đổi chi tiết và có những khuyến nghị cụ thể để có được quyết sách phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người lao động.

Nhận định về lương tối thiểu vùng cho năm 2024, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, dự báo hết năm 2024 thị trường lao động mới phục hồi hoàn toàn nên thời gian này cần giữ ổn định cho doanh nghiệp.

Tăng lương ai cũng muốn nhưng còn việc làm vẫn tốt hơn! - 13

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng lương tối thiểu vùng tăng từ 5-6% phù hợp với sức của doanh nghiệp.

 "Tuy nhiên, yếu tố quan trọng cần cân nhắc là xem khả năng kinh tế, thị trường lao động có hồi phục hay không. Đây là yếu tố quyết định với việc điều chỉnh mức lương. Nếu tình hình xấu, nhà nước buộc phải giữ ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", ông Huân nêu.

Còn bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội lại nêu quan điểm, năm nay không nên điều chỉnh lương tối thiểu cho năm 2024.

Bởi, thị trường lao động còn nhiều biến động. Mặt khác, lương tối thiểu cần mở rộng phạm vi áp dụng mới có giá trị. Bởi lương tối thiểu chỉ là cái nền, lưới an toàn cuối cùng. Còn thu nhập thực tế của người lao động luôn phải "biểu diễn" trên mức lưới đó.

Tăng lương ai cũng muốn nhưng còn việc làm vẫn tốt hơn! - 15

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban xã hội của Quốc hội cho biết, Tổng Cục Thống kê công bố các chỉ số 6 tháng đầu năm đáng chú ý như tăng trưởng GDP chỉ ở mức 3,72% trong khi mục tiêu đề ra là 6,5%. Dấu hiệu khác, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng qua giảm liên tục, nếu tháng 1 là 5% thì đến tháng 6 chỉ khoảng 2%, chứng tỏ sức mua yếu.

Tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng từ thương mại toàn cầu vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn. Theo ông Nghĩa, báo cáo của Chính phủ cho thấy, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm.

Điều này chứng minh được doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn, khó tìm kiếm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm, số lượng người lao động mất việc tăng.

Tăng lương ai cũng muốn nhưng còn việc làm vẫn tốt hơn! - 17

"Bối cảnh kinh tế và các chỉ số kinh tế vĩ mô như vậy đặt ra bài toán rất thách thức với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Lần tăng lương gần đây nhất là từ 1/1/2022 với mức tăng 6%, đồng thời nhà nước xác định mức lương tối thiểu giờ", ông Nghĩa cho hay.

Ông Nghĩa cho rằng, Hội đồng tiền lương quốc gia cần thương lượng sớm, bởi các phiên có thể kéo dài. Quan điểm của đại biểu là ủng hộ chủ trương tăng lương cho người lao động.

So sánh với mặt bằng chung các nước trong khu vực thì lương tối thiểu vùng của Việt Nam còn thấp. Nêu quan điểm không nên tiếp tục cạnh tranh lao động giá rẻ, ông Nghĩa cho rằng, tăng lương, các nhà đầu tư sẽ điều chỉnh chính sách đầu tư vào các ngành có giá trị, cải thiện năng suất lao động.

Nội dung: Sơn Nguyễn, Hoa Lê

Thiết kế: Tuấn Huy