1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tôm nuôi gần đến ngày bán lại chết hàng loạt, nông dân ôm nợ lớn

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Nhiều vụ tôm liên tiếp gặp dịch bệnh, hoặc tiền bán tôm thấp hơn chi phí đầu vào, khiến không ít người nuôi điêu đứng, nợ nần.

"Ao tôm ở cánh đồng này đang bỏ không gần hết rồi. Từ Tết đến nay có trên 95% diện tích nuôi tôm của xã bị ảnh hưởng dịch bệnh, người nuôi điêu đứng", một lãnh đạo xã Đại Hòa Lộc (huyện Bình Đại, Bến Tre) chia sẻ về tình hình nuôi tôm ở địa phương trong những tháng đầu năm 2024.

Tôm nuôi gần đến ngày bán lại chết hàng loạt, nông dân ôm nợ lớn - 1

Tôm chết do dịch bệnh (Ảnh: Nguyễn Cường).

Vị lãnh đạo này cũng không ngần ngại cho biết gia đình mình đã thua lỗ 50 triệu đồng vì ao tôm sú rộng một công (1.000m2) gặp dịch bệnh.

Giữa trưa, ông cùng chúng tôi đến thăm gia đình anh Hùng, hộ có ao tôm đang bị bệnh đốm trắng. 5 năm nay, anh Hùng nuôi tôm theo quy cách công nghiệp nhưng bị lỗ triền miên, chưa trúng vụ nào.

Dưới cái nắng gay gắt, anh Hùng bước mệt mỏi giữa đáy ao la liệt xác những con tôm to bằng ngón tay cái người lớn nằm chết lẫn trong lớp bùn mỏng. Vì nuôi tôm thất bại, đến nay gia đình anh Hùng vẫn phải ở trong nhà lá sơ sài.

"Tôm bị dịch bệnh liên tiếp, không nuôi thì không biết làm gì, mà nuôi thì lỗ. Lứa tôm này sắp bán được rồi mà vẫn chết.

Hôm qua tôi đã kéo lưới bắt hầu hết tôm rồi, nay sẽ dọn sạch đáy ao. Mỗi công ao tôm đầu tư tiền giống, tiền thức ăn tốn gần 50 triệu đồng. Nuôi 3 tháng, nếu trúng thì lãi được chừng 30 triệu đồng, mà giờ mất", anh Hùng ngậm ngùi.

Tôm nuôi gần đến ngày bán lại chết hàng loạt, nông dân ôm nợ lớn - 2

Người dân đang xử lý ao có tôm bị chết do bệnh (Ảnh: Nguyễn Cường).

Cạnh ao tôm vừa hút cạn của anh Hùng có liên tiếp các ao tôm của hàng xóm đang phơi đáy để xử lý. Bị thua lỗ nặng nhất là hộ gia đình nhà chị Thùy Linh, 5 công ao tôm giờ bỏ hoang vì không có tiền mua giống. 

Nuôi tôm là ngành kinh tế chính của xã Đại Hòa Lộc. Xã có trên 800ha ao tôm, trong đó gần 300ha nuôi áp dụng công nghệ cao, còn lại là diện tích nuôi theo quy cách công nghiệp.

Lãnh đạo xã Đại Hòa Lộc cho biết, nuôi tôm theo quy cách công nghiệp những năm gần đây rủi ro rất cao, tỷ lệ thua lỗ khoảng 50%. Không ít hộ nuôi lỗ ròng nhiều năm liên tiếp, dẫn đến nợ nần, phải gán hoặc bán ao để trả nợ.

Cạnh xã Đại Hòa Lộc, xã Thạnh Trị (Bình Đại) cũng đang chịu thiệt hại nặng vì tôm bị dịch bệnh. Nuôi tôm cũng là ngành kinh tế chủ lực của xã này với gần 500ha, hầu hết nuôi theo quy cách công nghiệp, quy mô nhỏ. Năm 2023, toàn xã thu hoạch trên 3.500 tấn tôm, chủ yếu là tôm thẻ.

Lãnh đạo UBND xã Thạnh Trị cho biết, 3 vụ tôm gần nhất hầu hết người nuôi bị lỗ.

Tôm nuôi gần đến ngày bán lại chết hàng loạt, nông dân ôm nợ lớn - 3

Hàng loạt ao tôm đang bị bỏ không để xử lý dịch bệnh (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Hiện tại đang dịch bệnh trên hầu hết ao nuôi. Chỉ cần một ao có tôm bệnh, chim sẽ tha xác tôm phát tán ra các ao xung quanh, dẫn đến bệnh lây lan.

Chính quyền đã khuyến cáo người dân ngưng nuôi, phơi ao để xử lý, loại bỏ mầm bệnh thật tốt", vị lãnh đạo nói.

Lãnh đạo xã Thạnh Trị còn cho biết thêm, vì tình hình nuôi tôm khó khăn, dẫn đến các đại lý thức ăn thủy sản ở địa phương cũng gặp khó. Nhiều đại lý đã xin giảm thuế hoặc thông báo ngừng hoạt động.

Theo chủ trương chung, các xã ở huyện Bình Đại đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi tôm áp dụng công nghệ cao. Cách nuôi này rút ngắn thời gian thu hoạch từ hơn 3 tháng xuống còn hơn 2 tháng, giảm tỷ lệ rủi ro xuống còn khoảng hơn 20%, năng suất có thể tăng lên 3 lần.

Tuy nhiên với mức đầu tư trên 1 tỷ đồng/ha, hầu hết người nuôi tôm không có khả năng.

Chính quyền các xã cũng thường xuyên mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm cho người dân, thông tin liên tục về tình hình dịch bệnh và lịch thời vụ để người dân nắm.

Theo khảo sát, giá tôm thương phẩm ở huyện Bình Đại đầu năm nay dao động từ 100.000 đồng/kg đến 150.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ. Tuy giá cao hơn năm trước, nhưng dù trúng vụ người nuôi vẫn khó có lãi vì giá vật tư tăng mạnh.