1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

8 ngày phơi nắng mới ra một mẻ muối, diêm dân xót xa bán giá 1.000 đồng/kg

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Giá muối giảm so với năm ngoái, nhiều diêm dân ở Bến Tre cho biết, dù làm việc vất vả hơn vẫn không đủ tiền cho con ăn học.

Giữa trưa nắng gắt của những ngày hạn mặn đỉnh điểm, người làm muối ở xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri, Bến Tre) lại càng phải tận dụng từng khoảnh khắc để tăng sản lượng. Trên cánh đồng trống trải, nóng hầm hập, những người đàn ông liên tục cào đảo giữa ruộng muối của mình.

Giá muối tuột thê thảm, diêm dân gặp khó (Thực hiện: Nguyễn Cường).

Nắng từ trên trời chiếu xuống, nắng hắt từ ruộng muối lên. Tiếng sột soạt của cào sắt đang đập nhỏ các khối muối vang lên không ngớt. Hầu như không có tiếng nói chuyện, diêm dân nào cũng muốn làm thật nhanh để trốn nắng. 

"Năm nay nắng nhiều, nước mặn nên làm muối lợi hơn. Tuy vậy, giá giảm chỉ bằng nửa năm ngoái nên diêm dân vất vả mà thu nhập lại giảm", ông Lê Văn Bình (47 tuổi) chia sẻ.

8 ngày phơi nắng mới ra một mẻ muối, diêm dân xót xa bán giá 1.000 đồng/kg - 1

Diêm dân đạp guồng để bơm nước mặn vào ruộng muối (Ảnh: Nguyễn Cường).

Gia đình ông Bình được diêm dân ở Bảo Thạnh giới thiệu là "đại gia" vì có 1,5ha ruộng muối, hơn hẳn phần lớn mọi người. "Ấy vậy nhưng làm muối chỉ đủ cơm ăn qua ngày thôi, tiền học cho con vẫn phải đi làm chỗ khác mới có", ông Bình nói.

Ông Bình cho biết, vụ muối thường kéo dài từ tháng 9 Âm lịch đến tháng 3 Âm lịch năm sau. Năm nào càng nhiều nắng gió thì càng dễ làm, tuy nhiên theo kinh nghiệm thì cứ hễ dễ làm là giá muối sẽ giảm.

Năm ngoái gia đình ông Bình sản xuất được hơn 50 tấn muối, bán được giá gần 2 triệu đồng/tấn. Năm nay sản lượng ước tăng khoảng 20%, nhưng giá giảm còn một nửa, tính ra gia đình ông Bình thất thu.

8 ngày phơi nắng mới ra một mẻ muối, diêm dân xót xa bán giá 1.000 đồng/kg - 2

Thu hoạch muối (Ảnh: Nguyễn Cường).

Để đủ tiền trang trải cuộc sống, ông Bình mua thêm mấy chục con dê về chăm. Những lúc không phải ra ruộng phơi muối, ông lại lùa đàn dê đi ăn.

Trái ngược gia đình ông Bình, gia đình ông Lê Thanh Nhàn (44 tuổi) chỉ có 1.500m2 ruộng muối, thuộc diện ít đất nhất ấp. Để bõ công làm, ông Nhàn thuê thêm 1.000m2 ruộng muối nữa, mỗi vụ phải trả 6 triệu đồng.

Để dễ canh tác, ông Nhàn chia đất thành từng ô chừng 500m2. Mỗi ô ông đầu tư thêm 6 triệu đồng mua bạt về lót để dễ làm và tăng năng suất.

8 ngày phơi nắng mới ra một mẻ muối, diêm dân xót xa bán giá 1.000 đồng/kg - 3

Diêm dân cào đảo muối giữa trời nắng (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Phơi muối ruộng đất phải nửa tháng mới cho một mẻ, còn ruộng bạt 8 ngày là thu được rồi. Giá bán bây giờ tính ra có 1.000 đồng/kg, muối xấu còn rẻ hơn. Làm muối vất vả mà tiền không có.

Như ruộng này của tôi năm nay ước thu được khoảng 30 triệu đồng. Trừ tiền mua bạt và thuê đất, còn lại chừng 20 triệu đồng, mà làm vất vả nửa năm", ông Nhàn nói.

Nhà ông Bình còn 2 con đang tuổi ăn học. Cũng như ông Bình, ông Nhàn nuôi thêm đàn dê để có tiền trang trải. Ngoài ra trong những tháng mùa mưa ông Nhàn còn đi đánh cá để kiếm thêm.

8 ngày phơi nắng mới ra một mẻ muối, diêm dân xót xa bán giá 1.000 đồng/kg - 4

Muối năm nay dễ làm nhưng giá tuột sâu khiến diêm dân gặp khó (Ảnh: Nguyễn Cường).

Theo thống kê, tỉnh Bến Tre có hơn 1.200ha ruộng muối, trong đó riêng xã Bảo Thạnh chiếm khoảng 600ha. Bảo Thạnh cũng là nơi có nghề muối sớm bậc nhất ở Bến Tre.

Khó khăn của diêm dân được chính quyền địa phương xác định là do đầu ra của muối không ổn định. Những năm qua, các xã có nghề muối đều đã tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, kết nối tiêu thụ, tuy nhiên do những vấn đề như quy mô nhỏ, hạ tầng yếu nên doanh nghiệp chưa mặn mà.