"Vương triều" chìm sâu trong khủng hoảng, thái tử Samsung sẽ làm gì?
(Dân trí) - Samsung, tập đoàn công nghệ lớn nhất Hàn Quốc, đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Liệu Chủ tịch Lee Jae-yong, có đủ bản lĩnh để dẫn dắt con tàu Samsung vượt qua "bão tố"?
"Bão tố" bủa vây
"Tôi rất ý thức rằng, gần đây, có nhiều lo ngại về tương lai của Samsung. Có người cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng và lo ngại nó sẽ rất khác so với trước", ông Lee Jae-yong nói trong phiên phúc thẩm tại Tòa án cấp cao Seoul.
Một thập kỷ sau khi Lee Jae-yong, con trai duy nhất của cựu chủ tịch Samsung Lee Kun-hee, nắm quyền điều hành, tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc này đang phải trải qua môi trường kinh doanh khắc nghiệt nhất từ trước đến nay.
Theo Maeil Business Newspaper, ông Lee đang điều hành Samsung trong tình hình kinh doanh rất khác so với thời của cha ông. Việc chưa thể thoát khỏi rủi ro pháp lý trong suốt 9 năm khiến các quyết định quản lý của ông cũng bị hạn chế.
Còn theo Financial Times, vị tỷ phú người Hàn Quốc đang phải dẫn dắt Samsung trong bối cảnh tập đoàn này phải vật lộn với những vấn đề trong lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn khổng lồ. Thời điểm này, Samsung cũng đang tụt hậu trong cuộc đua chip AI và phải tiến hành cải tổ bộ máy quản lý.
Công ty cũng đang phải đối mặt với sự bất mãn từ phía nhân viên khi công đoàn lao động của Samsung Electronics đình công do tranh chấp về tiền lương và điều kiện làm việc. Chưa kể tâm lý của các nhà đầu tư cũng khiến cổ phiếu của Samsung giảm hơn 32% trong năm nay bất chấp các nỗ lực mua lại của công ty.
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua và viễn cảnh bất ổn thương mại cũng càng làm dày thêm những bất ổn cho triển vọng của ngành công nghệ Hàn Quốc.
"Cuộc khủng hoảng của Samsung cũng là cuộc khủng hoảng của Hàn Quốc", ông Park Ju-geun, người đứng đầu nhóm nghiên cứu doanh nghiệp của công ty tài chính Leaders Index, nhận định trong báo cáo.
Ông cho rằng Samsung đang phải đối mặt với những thách thức về cơ cấu ngày càng gia tăng trong hầu hết lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của mình, từ chip đến điện thoại thông minh và màn hình.
Ông Park Sang-in, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul đã so sánh phong cách quản lý thận trọng của ông Lee với phong cách quản lý của một số tập đoàn gia đình khác đang thống trị nền kinh tế Hàn Quốc. "Không giống như các nhà lãnh đạo thế hệ thứ 3 của Hyundai và LG, ông Lee không đưa ra bất kỳ quyết định lớn hay táo bạo nào", ông nói.
"Cơn đau đầu" của thái tử Samsung
Ông Lee Jae-yong, 56 tuổi, lớn lên dưới cái bóng của cha mình, nhà lãnh đạo thế hệ thứ hai Lee Kun-hee, người có sứ mệnh cải thiện chất lượng sản phẩm. Với sứ mệnh này, ông đã nổi tiếng với hành động yêu cầu nhân viên đập vỡ toàn bộ 150.000 điện thoại di động Samsung bị lỗi bằng búa trước khi ném chúng vào đống lửa.
"Hãy thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con của bạn", ông Lee Kun-hee đã nói như vậy trong một cuộc họp của các giám đốc điều hành vào năm 1993.
Năm 2000, sau 5 năm theo đuổi bằng tiến sĩ tại Trường Kinh doanh Harvard, Lee Jae-yong trở về với một trong những trọng trách đầu tiên: dẫn dắt Samsung mở rộng sang lĩnh vực internet. Ông đã thúc đẩy đầu tư vào một loạt doanh nghiệp, bao gồm cả công ty an ninh mạng và nền tảng tổng hợp dịch vụ tài chính trực tuyến. Tuy nhiên, dự án đầy tham vọng mang tên "e-Samsung" này cuối cùng đã thất bại.
Ông trở thành giám đốc điều hành tại Samsung vào năm 2009, sau khi cha bị kết tội giao dịch cổ phiếu bất hợp pháp, trốn thuế và hối lộ nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho con trai ông kế nhiệm.
3 năm sau, Lee Jae-yong đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch và trở thành nhà lãnh đạo của tập đoàn vào năm 2014 khi cha ông bị đột quỵ và hôn mê vào năm 2020.
Tuy nhiên, Lee Jae-yong sớm vướng vào vụ bê bối của Samsung sau khi có thông tin ông đã chi hàng triệu USD để hối lộ nhằm đảm bảo quyền kiểm soát tập đoàn công nghệ của gia đình. Ông Lee phải thụ án 19 tháng trước khi được trả tự do vào năm 2021 và được chính thức ân xá vào năm 2022.
Kể từ đó, ông Lee Jae-yong đảm nhận chức danh chủ tịch điều hành của Samsung Electronics, mặc dù ông không tham gia vào hội đồng quản trị của công ty này cũng như công ty mẹ của tập đoàn.
Vào tháng 2 năm nay, ông Lee đã được tuyên trắng án khỏi các cáo buộc thao túng cổ phiếu và gian lận liên quan đến việc sáp nhập 2 đơn vị kinh doanh của Samsung vào năm 2015. Các nhà đầu tư hy vọng điều này sẽ giúp ông có nhiều tự do hơn để giải quyết các thách thức của công ty.
Mất dần ngôi vương
Samsung đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu với tư cách là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Nhưng công ty đã tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh SK Hynix trong lĩnh vực tăng trưởng mới là chip nhớ băng thông cao cần thiết cho phần cứng trí tuệ nhân tạo (AI).
Không chỉ vậy, sự thống trị kéo dài 12 năm của Samsung trên thị trường điện thoại thông minh đã chấm dứt vào năm ngoái khi Apple lần đầu vượt mặt đối thủ. Mặc dù Samsung đã giành lại vị trí dẫn đầu trong quý đầu tiên của năm nay, nhóm nghiên cứu từ TechInsights dự đoán các tính năng AI mới sẽ giúp Apple vượt qua Samsung trong năm tới.
Công ty cũng không đạt được nhiều tiến triển trong việc hiện thực hóa tham vọng của ông Lee là vượt Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) để trở thành nhà cung cấp chip logic tiên tiến hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Samsung Electronics thông báo lợi nhuận quý III năm nay không như kế hoạch và gửi lời xin lỗi vì kết quả kinh doanh đáng thất vọng, khi gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc tụt hậu so với các đối thủ trong việc cung cấp chip cao cấp cho Nvidia trên thị trường AI đang bùng nổ.
Lời xin lỗi này là bằng chứng cho những thách thức mà Samsung phải đối mặt. Bất chấp là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới trong 3 thập kỷ gần đây, Samsung đang phải vật lộn với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong cả chip thông thường và chip tiên tiến.
Cụ thể, gã khổng lồ Hàn Quốc ghi nhận doanh thu quý III đạt 79.000 tỷ won, thấp hơn dự kiến là 81.570 tỷ won. Lợi nhuận hoạt động sơ bộ cũng chỉ khoảng 9.100 tỷ won, trong khi được kỳ vọng đạt 11.500 tỷ won. Samsung cho biết sẽ cung cấp báo cáo tài chính đầy đủ với thu nhập ròng và phân tích từng bộ phận vào cuối tháng này.
Đáng chú ý, ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh, công ty đã ngay lập tức đăng tải bài viết xin lỗi, một động thái hiếm thấy từ gã khổng lồ công nghệ.
Theo ông Jun Young-hyun, tân Giám đốc bộ phận chip, công ty đang đánh giá lại văn hóa tổ chức và các quy trình nội bộ để cải thiện năng lực cạnh tranh dài hạn. "Chúng tôi sẽ không tìm kiếm các giải pháp ngắn hạn mà tập trung vào việc củng cố vị thế lâu dài", ông nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo cũng thừa nhận đang đối mặt với nhiều lo ngại về khả năng cạnh tranh kỹ thuật. "Là những người lãnh đạo, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cho điều này", ông Jun nói.
Không những vậy, trong các lĩnh vực như màn hình hiển thị và điện thoại thông minh, nơi Samsung từng thống trị, công ty đang mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc.
Một nhân viên từ bộ phận điện thoại thông minh của Samsung thừa nhận rằng các sản phẩm Trung Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn nhiều, không chỉ về giá cả mà còn về chức năng. Ông cũng bày tỏ lo ngại về hoạt động của các đối thủ và cho biết công ty Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ doanh số của các mẫu iPhone mới.
Giới phân tích thị trường chỉ ra rằng sự sụt giảm của Samsung bắt nguồn từ sự liên kết của nhiều đơn vị khác nhau tại Samsung. Họ cũng lưu ý, Samsung có thể phải sử dụng chip từ đối thủ Qualcomm cho dòng điện thoại mới do lợi nhuận từ các mẫu dùng chip Exynos mang lại thấp hơn.
Liệu Samsung có thể vượt qua "bão tố"?
"Tôi sẽ làm mọi việc trong khả năng để đảm bảo rằng Samsung một lần nữa có thể trở thành một công ty được mọi người yêu mến. Tôi yêu cầu cơ hội để tập trung hoàn toàn vào sứ mệnh này", chủ tịch Lee nói với tòa án.
Cuộc cải tổ của nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới diễn ra sau khi Chủ tịch Samsung, ông Lee Jae-yong công khai thừa nhận "những lo ngại nghiêm trọng về tương lai của Samsung".
"Là một doanh nhân, tôi luôn suy nghĩ về cách đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của công ty. Thực tế hiện tại khó khăn hơn bao giờ hết, nhưng tôi chắc chắn sẽ vượt qua và tiến lên phía trước", ông nói.
Các chuyên gia nhận định rằng cuộc cải tổ của Samsung chưa thực sự mang lại sự thay đổi lớn. Họ cho rằng Samsung vẫn còn khá bảo thủ khi tiếp tục tin dùng những người cũ thay vì tìm kiếm nhân tài mới từ bên ngoài.
Ông Jun Kwang-woo, cựu chủ tịch của Cơ quan Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc, nhà đầu tư lớn thứ hai của Samsung Electronics cho biết: "Các hoạt động quản lý của ông Lee bị hạn chế vì các vấn đề pháp lý, điều này có nghĩa là ông không có khả năng đưa ra những quyết định táo bạo".
"Anh ấy có nhiều phẩm chất tốt nhưng lại bị ràng buộc bởi những rủi ro pháp lý", ông nhấn mạnh.
Jun Kwang-woo cho biết mảng kinh doanh pin và dược phẩm sinh học của Samsung đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Ông nói thêm rằng Lee là một người rất nhẹ nhàng, dễ gần, hòa đồng và lắng nghe cẩn thận những gì người khác nói.
Trong một tuyên bố, Samsung vẫn tự hào về những thành tích của ông Lee, nói rằng công ty vẫn tiếp tục là "nhà cải tiến hàng đầu" trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng và chất bán dẫn, đồng thời đa dạng hóa thành công thông qua việc tạo ra các doanh nghiệp mới như công nghệ sinh học và phụ tùng ô tô.
Samsung cho biết ông Lee đã đóng vai trò quan trọng trong thành công này, đưa ra tầm nhìn chiến lược cho sự tăng trưởng đa dạng trong tương lai, hợp lý hóa danh mục kinh doanh để tăng cường khả năng cạnh tranh cốt lõi và tận dụng quan hệ đối tác với các công ty lớn trong ngành.
Một nhà đầu tư tổ chức tại Samsung Electronics cho biết họ sẽ tiếp tục tin tưởng vào công ty này và lưu ý rằng công ty sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng trong tương lai của ngành bộ nhớ toàn cầu, nhờ nhu cầu về cơ sở hạ tầng liên quan đến AI. Nhưng họ nói thêm rằng Samsung cần phải cải tổ cấu trúc quản lý không minh bạch của mình để cải thiện hiệu suất và nâng giá cổ phiếu.