DNews

Khủng hoảng lớn chưa từng có tại Samsung: Đế chế lung lay?

Phương Liên

(Dân trí) - Samsung đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử. Liệu gã khổng lồ Hàn Quốc có thể vượt qua "bão lớn" để tìm lại hào quang của mình?

Khủng hoảng lớn chưa từng có tại Samsung: Đế chế lung lay?

Chuyện gì đang xảy ra với Samsung?

Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong mới đây đã lần đầu tiên nhắc đến "khủng hoảng" trong lần ra hầu tòa mới nhất. Vị lãnh đạo cấp cao nhất của đế chế công nghệ Hàn Quốc đã cam kết sẽ vượt qua khủng hoảng và một lần nữa đi theo con đường tăng trưởng bền vững với những cải cách tiềm năng.

Chủ tịch Lee đã đề cập đến sự khủng hoảng của Samsung cả bên trong và ngoài công ty. Trên thực tế, cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những lo ngại đáng kể về tương lai của Samsung do ngành kinh doanh chất bán dẫn đang suy giảm và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Khủng hoảng lớn chưa từng có tại Samsung: Đế chế lung lay? - 1

Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong (Ảnh: Yonhap News).

"Tôi biết rõ rằng có rất nhiều lo ngại về tương lai của Samsung trong những năm gần đây. Có người nói rằng đó là một cuộc khủng hoảng cốt yếu và rằng lần này sẽ rất khác so với trước đây", Chủ tịch Samsung chia sẻ.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đối mặt cuộc khủng hoảng cận kề khi doanh số smartphone sụt giảm, bị SK Hynix vượt lên trong lĩnh vực chip nhớ và lợi nhuận bộ phận bán dẫn giảm 40% so với cùng kỳ.

Samsung đã chứng kiến lượng hàng xuất xưởng giảm trong quý III năm nay, mất thị phần vào tay đối thủ lâu năm như Apple hay các đối thủ Trung Quốc.

Theo IDC, thị phần toàn cầu của Samsung trong quý 3 đã giảm từ 21% xuống 18% so với cùng kỳ, khoảng cách dẫn trước Apple chỉ còn 0,6%. Các nhà phân tích ước tính lợi nhuận hoạt động của bộ phận điện thoại thông minh của công ty đã giảm tới 30%.

Khủng hoảng lớn chưa từng có tại Samsung: Đế chế lung lay? - 2

Các đối thủ đang rút ngắn khoảng cách thị phần smartphone với Samsung (Nguồn: FT).

"Hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Samsung đang trong tình trạng trì trệ", ông Park Kang-ho, nhà phân tích tại công ty tài chính Daishin Securities, chia sẻ với FT.

"Công ty hy vọng rằng điện thoại gập sẽ giúp công ty có lợi thế hơn so với Apple, nhưng phản ứng của người tiêu dùng lại khá thờ ơ. Giờ đây, các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất điện thoại nắp gập để chiếm thị phần", chuyên gia nói thêm.

Nhóm nghiên cứu Tech Insights cho biết, các tính năng trí tuệ nhân tạo mới của Apple có thể đưa nhà táo vượt qua Samsung vào năm tới. Không chỉ vậy, các đối thủ khác cũng đang vươn lên mạnh mẽ. "Các thương hiệu Trung Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn nhiều không chỉ về giá cả mà còn về chức năng", một nhân viên Samsung tại bộ phận điện thoại thông minh cho biết.

Samsung là nhà sản xuất tiên phong phân khúc điện thoại gập, nhưng đã nhường vị trí hàng đầu vào đầu năm nay cho đối thủ Trung Quốc Huawei, công ty chiếm 27,5% thị phần điện thoại gập trong quý II, so với 16,4% của Samsung, theo IDC.

"Triều đại" 12 năm lung lay

Những khó khăn của công ty châu Á này trong mảng điện thoại thông minh đến vào thời điểm quan trọng. Công ty đã bị ảnh hưởng bởi một loạt thất bại tại bộ phận bán dẫn, chiếm 60% lợi nhuận hoạt động của Samsung.

Người đứng đầu bộ phận chip đã phải đưa ra lời xin lỗi sau khi Samsung trở nên tụt hậu so với đối thủ SK Hynix trong việc phát triển chip nhớ tiên tiến cho phần cứng liên quan đến AI.

Đầu tháng 10, công ty thừa nhận sự chậm trễ với bộ nhớ băng thông cao (HBM) thế hệ mới nhất, ngay sau khi SK Hynix cho biết họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt. Đối thủ cạnh tranh Micron Technology cũng đang đẩy mạnh nỗ lực trong lĩnh vực HBM khi nhu cầu tăng cao trên thị trường.

"Samsung đang mất đi vị thế dẫn đầu về công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn", ông Young Jae Lee, giám đốc đầu tư cấp cao tại công ty tài chính Pictet Asset Management, nhấn mạnh với Bloomberg.

"Bản chất là rất khó để giành lại vị thế dẫn đầu về công nghệ trong ngắn hạn", ông nói và nói thêm rằng công ty đã giảm cổ phần nắm giữ tại Samsung. 

Khủng hoảng lớn chưa từng có tại Samsung: Đế chế lung lay? - 3

Nhà đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu Samsung (Ảnh: Bloomberg).

Để đối phó với cuộc khủng hoảng đang nổi lên, Samsung đã thực hiện nhiều biện pháp cấp bách nhằm cải thiện tình hình. Samsung Electronics vừa thực hiện một đợt cải tổ lãnh đạo sớm hơn thường lệ. Việc điều chỉnh nhân sự thường diễn ra vào cuối năm, nhưng lần này đã được đẩy lên sớm hơn vào tháng 11.

Theo Joongang Daly, Samsung đã công bố 2 nhân sự cấp chủ tịch mới, điều chỉnh vai trò cho 7 lãnh đạo cấp cao. Tập đoàn đã sắp xếp lại bộ phận lãnh đạo của các đơn vị bộ nhớ và xưởng đúc (đơn vị chuyên gia công sản xuất chip cho khách hàng), bộ phận giải pháp thiết bị để khôi phục hoạt động bán dẫn đang gặp khó khăn.

Phó Chủ tịch Tập đoàn, ông Jun Young-hyun, hiện là người đứng đầu mảng kinh doanh chip bán dẫn (Device Solutions - DS), đã được chỉ định làm CEO của Samsung Electronics, đồng thời đảm nhận vai trò lãnh đạo bộ phận kinh doanh bộ nhớ và Viện Công nghệ tiên tiến Samsung (SAIT). 

Sự trở lại của ông Jun với bộ phận bộ nhớ sau 7 năm gián đoạn đã gây chú ý. Nhiều người đặt câu hỏi liệu động thái này có báo hiệu sự thiếu đổi mới mang tính hướng tới tương lai hay không.

Những người chỉ trích cho rằng công ty đã lựa chọn một gương mặt quen thuộc thay vì tìm kiếm một nhà lãnh đạo có khả năng tái thiết chiến lược bán dẫn của mình cho kỷ nguyên AI.

Cùng lúc đó, Samsung quyết định đặt bộ phận bộ nhớ dưới sự quản lý trực tiếp của CEO, đồng thời thăng chức ông Han Jin-man từ Phó Chủ tịch lên Chủ tịch để dẫn dắt mảng sản xuất chip hợp đồng.

Với bề dày kinh nghiệm trong thiết kế chip và lãnh đạo tại thị trường Mỹ, ông Han được kỳ vọng sẽ đưa mảng này thoát khỏi khủng hoảng và khôi phục năng lực cạnh tranh. Ông Han từng đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả người đứng đầu nhóm phát triển và tiếp thị chiến lược. Từ cuối năm 2022, ông đã giám sát hoạt động bán dẫn của Samsung tại Mỹ.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc còn bổ sung các vai trò mới, như Giám đốc Công nghệ (CTO) và Giám đốc Chiến lược kinh doanh trong bộ phận DS.

"Đắm chìm" trong hào quang của quá khứ

Cuộc cải tổ diễn ra khi mảng kinh doanh bán dẫn của Samsung đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng. Sau khi báo cáo khoản lỗ 15.000 tỷ won vào năm ngoái. Bộ phận này đã phải vật lộn để lấy lại vị thế của mình trong thị trường đang phát triển nhanh chóng với nhu cầu về các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) tăng cao.

Các đơn vị bộ nhớ và xưởng đúc, đóng vai trò trung tâm trong đợt cải tổ này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Samsung, từng là công ty dẫn đầu toàn cầu về công nghệ bộ nhớ, đã mất vị thế thống trị trên thị trường HBM vào tay đối thủ SK Hynix.

Trong khi đó, đơn vị xưởng đúc của công ty này đã phải vật lộn với các vấn đề về năng suất sản xuất, cản trở khả năng bảo vệ các khách hàng lớn. Đơn vị này liên tục báo cáo khoản lỗ hàng quý vượt 1.000 tỷ won.

Bất chấp những thay đổi về nhân sự, nhiều người vẫn cho rằng việc cải tổ không mang lại sự lãnh đạo mang tính chuyển đổi mà nhiều người mong đợi. Các chuyên gia trong ngành từ lâu đã kêu gọi Samsung bổ nhiệm các nhà lãnh đạo chuyên về hoạt động xưởng đúc, phá vỡ thông lệ của tập đoàn là chỉ định những lãnh đạo kỳ cựu về bộ nhớ để lãnh đạo đơn vị xưởng đúc.

Khủng hoảng lớn chưa từng có tại Samsung: Đế chế lung lay? - 4

Cuộc cải tổ diễn ra khi mảng kinh doanh bán dẫn của Samsung đang phải đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh: FT).

Giáo sư Kim Ki-chan cho rằng việc tiếp tục dựa vào "những người cũ" phản ánh sự lý tưởng hóa của Samsung về những thành công trong quá khứ. "Sự thay đổi này nhấn mạnh xu hướng dựa vào những nhà lãnh đạo quen thuộc của công ty. Điều này xảy ra ngay cả khi ngành công nghiệp hiện nay đã đòi hỏi những góc nhìn mới", ông Kim nói với FT.

Ông đã so sánh với sự suy thoái của Sony vào những năm 1990, cho rằng đó là do sự phụ thuộc quá mức vào những nhà lãnh đạo trong quá khứ. "Samsung phải ngừng lãng mạn hóa vinh quang trước đây của mình và tập trung vào việc trở thành một công ty thực sự thúc đẩy sự đổi mới", ông noi thêm

Theo Kim Yong-jin, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Sogang, lần bổ nhiệm này nhằm thu hút những lãnh đạo kỳ cựu và khôi phục lại vinh quang trong quá khứ. "Nhưng vì Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong thiếu tầm nhìn và định hướng rõ ràng ngay từ ban đầu, nên lần thuyên chuyển này chẳng có sự đổi mới sâu sắc nào", giáo sư nhấn mạnh.

Ông ví tình thế khó khăn của Samsung giống như sự suy tàn của Đế chế La Mã, bắt nguồn từ việc không thích nghi với hoàn cảnh thay đổi. "Thời thế đang thay đổi và ngành công nghiệp đòi hỏi các phương pháp mới. Do đó, việc cố gắng đáp ứng bằng các phương pháp cũ hiển nhiên sẽ không hiệu quả. Samsung Electronics cũng có thể thay đổi dù chỉ một chút nếu họ dám phá vỡ hào quang thành công trong quá khứ của mình", vị giáo sư nhấn mạnh.