Chuyên gia: Ô nhiễm không khí trong nhà cao hơn 5-10 lần ngoài trời

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Theo chuyên gia, không khí trong nhà ô nhiễm hơn nhiều lần ngoài trời, đến từ các nguyên nhân khác nhau, bao gồm chất lượng vật liệu xây dựng. Vì vậy, sử dụng vật liệu VOC thấp giúp giảm các nguy cơ.

Mức độ ô nhiễm không khí trong nhà đáng báo động

Tại sự kiện ra mắt sách sáng nay (27/3), ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết chất lượng không khí trong nhà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Chất lượng không khí trong nhà liên quan chặt chẽ tới không khí ngoài trời.

Tuy nhiên, thời gian qua, phần lớn chỉ số chất lượng không khí ngoài trời tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM ở mức báo động, nhiều khi lên tới 200-250. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố khác nhau, như việc phát tán bụi bẩn trong không khí, cháy rừng, đốt phụ phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, ông Thịnh cũng chỉ ra chất lượng không khí trong nhà phụ thuộc vào nhiều vấn đề như hoạt động đun nấu, vật liệu xây dựng hay bụi bẩn, nấm mốc.

Chuyên gia: Ô nhiễm không khí trong nhà cao hơn 5-10 lần ngoài trời - 1

Không khí ô nhiễm từ nhiều nguyên nhân, cần sử dụng vật liệu xây dựng phát thải ô nhiễm thấp (Ảnh: BTC).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Duy Nguyên - đại diện Panasonic - nêu thực trạng chất lượng không khí ở mức báo động. Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 38 trên 138 quốc gia về ô nhiễm không khí. Nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM có mức ô nhiễm không khí cao, ở mức nhạy cảm.

Theo ông Nguyên, không khí bị ô nhiễm do các hoạt động sinh hoạt của con người và ô nhiễm trong nhà còn cao hơn ngoài trời. Nguyên nhân đến từ các công việc lau chùi, quét dọn, nấu ăn, mùi, bụi, nấm mốc từ nội thất hay từ các hợp chất hóa học hữu cơ dễ bay hơi (VOC - Volatile Organic Compounds)...

Chất lượng không khí trong nhà (IAQ) có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cư dân. Theo các chuyên gia, hiện nay, tại Việt Nam, mức độ ô nhiễm không khí trong nhà thường cao hơn môi trường bên ngoài từ 5-10 lần. Do đó, việc kiểm soát và cải thiện IAQ là yêu cầu cấp thiết đối với ngành xây dựng và thiết kế công trình.

Giải pháp an toàn cho không gian xanh

Một phần nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí trong nhà được chỉ ra là các vật liệu xây dựng thông thường chứa nhiều hợp chất VOC như formaldehyde, benzene, toluene… có thể bay hơi vào không khí, gây kích ứng mắt, mũi, họng và ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Do đó, sử dụng vật liệu VOC thấp giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp và tăng cường chất lượng sống cho người dùng. Các vật liệu VOC thấp được sản xuất theo quy trình kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu phát thải trong quá trình thi công, sử dụng, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường.

Việc sử dụng vật liệu VOC thấp không chỉ nâng cao chất lượng không khí trong nhà mà còn giúp công trình đạt được các chứng nhận công trình xanh.

Đại diện Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) nói xu hướng phát triển công trình xanh, công trình tốt cho sức khỏe đang ngày càng phổ biến. Việt Nam có 560 công trình xanh vào năm 2024, gấp đôi năm 2023 và gấp 3 lần năm 2021.

TPHCM, Hà Nội, Bình Dương là địa phương nổi lên với nhiều công trình xanh nhất cả nước. Vị này cho rằng mục tiêu 1.000 công trình xanh đến năm 2030 là hoàn toàn khả thi.

Ngoài ra, đại diện của VGBC cũng tiết lộ ngày càng nhiều các chủ đầu tư không chỉ quan tâm đến chứng chỉ công trình xanh mà còn đưa nhiều tiêu chuẩn đánh giá về sức khỏe vào công trình.

Sự thay đổi này cũng được ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Lion Invest - nhận thấy với những khách hàng của mình. Ông Tuấn Anh cho biết nếu 6-7 năm trước đây, nhiều chủ đầu tư không quan tâm nhiều đến chất lượng không khí khi xây dựng chung cư thì nay đã đặt vấn đề này lên tầm cao hơn, bức thiết hơn. 

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng hệ thống thông khí trong chung cư làm phát sinh chi phí nên đề xuất Chính phủ có chính sách khuyến khích người dân.

Để cải thiện chất lượng không khí trong nhà, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh vai trò của nhiều bên liên quan. Cụ thể, Nhà nước cần đưa ra các tiêu chuẩn được thể chế hóa và đưa vào thực tiễn; các tổ chức đánh giá công trình xanh phải đưa ra các tiêu chí xác định xanh.

Đồng thời, các nhà thiết kế, kiến trúc sư cần đưa ra giải pháp kiến trúc tăng yếu tố tự nhiên; các nhà sản xuất vật liệu xây dựng đưa ra các sản phẩm xanh, phù hợp cho công trình xanh.