Chủ tịch VIB: Nợ xấu là một trong các vấn đề "nóng" của ngành ngân hàng

Nhật Quang

(Dân trí) - Chủ tịch VIB nêu nợ xấu là một trong các vấn đề "nóng" của ngành ngân hàng, nên quản trị rủi ro tín dụng luôn được ngân hàng này đặt cao. Ông cũng hé lộ về lợi nhuận quý I, việc tìm cổ đông ngoại.

Hé lộ lợi nhuận quý I, đang tìm cổ đông "cá mập"

Trong phiên thảo luận phiên họp cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã chứng khoán: VIB) diễn ra sáng 27/3, cổ đông đặt câu hỏi về việc cổ đông ngoại thay đổi thì có ảnh hưởng đến chiến lược ngân hàng hay không. 

Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB - cho biết, cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) đồng hành với VIB hơn 10 năm và đã đưa vào ngân hàng khoảng 175 triệu USD. Cách đây 5 năm, trước Covid-19, CBA thay đổi chiến lược toàn cầu và VIB là nơi gần như cuối cùng họ rút vốn.

Về quá trình hợp tác giữa VIB với CBA, cổ đông chiến lược nhận về khoảng 500 triệu USD cổ tức lũy kế trong quá trình đầu tư. Khi rút vốn, họ đã bán cổ phiếu ra ngoài thị trường, tạo ra room ngoại lớn cho ngân hàng. Theo thỏa thuận, CBA đang bán tự do ra thị trường 5% và bán cho cổ đông nội bộ 15%.

HĐQT VIB đang trao đổi với các đối tác để tìm kiếm một hoặc một số đối tác thích hợp để có giá trị tốt về mặt tài chính cũng như cộng hưởng được sức mạnh của đối tác vào hoạt động của ngân hàng. Khi có thông tin rõ ràng hơn, phía ngân hàng sẽ thông báo với cổ đông.

Chủ tịch VIB: Nợ xấu là một trong các vấn đề nóng của ngành ngân hàng - 1

Ông Đặng Khắc Vỹ (Ảnh: BTC).

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I, ông Vỹ hé lộ với chỉ tiêu lợi nhuận 11.000 tỷ đồng cho cả năm 2025, dự kiến quý I thực hiện được 20-22% kế hoạch.

Nợ xấu là một trong những vấn đề "nóng" của ngành ngân hàng

Cổ đông cũng đặt câu hỏi liên quan đến việc Nghị định 42 đang được luật hóa, khi đó có ảnh hưởng gì tới công tác xử lý nợ xấu của VIB hay không. Ông Vỹ nêu, việc không được luật hóa Nghị quyết 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tác động rất lớn đối với hệ thống ngân hàng, đặc biệt là đối với những ngân hàng bán lẻ.

Bởi trong hoạt động tài chính ngân hàng, các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu cho các doanh nghiệp. Họ có lợi thế lớn về các khoản vay, tệp khách hàng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu tái cơ cấu vẫn được ghi nhận lợi nhuận. Tại ngân hàng, 80% các khoản vay có tài sản đảm bảo đối với khách hàng cá nhân, và trích lập dự phòng toàn bộ. Do đó, ngân hàng có bất lợi so với những ngân hàng được tái cơ cấu nợ doanh nghiệp.

Việc không được luật hóa Nghị quyết 42 làm cho việc thu hồi nợ tại các ngân hàng khá vất vả. Trong các cuộc họp của Chính phủ với các ngân hàng thương mại, các nhà băng đã nêu vấn đề và kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm tìm cách tháo gỡ.

Đại diện ngân hàng kỳ vọng với những thông tin hiện tại thì Nghị quyết 42 sẽ sớm được thông qua. Đó là lợi ích lớn cho ngành ngân hàng, giúp thu hồi nợ được nhanh hơn và tác động tích cực tới kết quả kinh doanh. 

Về nợ xấu, lãnh đạo VIB cho biết đây là một trong những vấn đề "nóng" của ngành ngân hàng, khi nhiều tổ chức tín dụng hôm nay vẫn hoạt động ổn định nhưng ngày mai có thể cần đến sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước.

Quản trị rủi ro tín dụng luôn được ngân hàng này đặt ngang hàng với hai yếu tố quan trọng khác là tăng trưởng và hiệu suất. Tuy nhiên, việc không tham gia tái cơ cấu nợ khiến ngân hàng này đối diện nhiều thách thức hơn, bởi các khoản nợ xấu tại đây phản ánh chính xác chất lượng tín dụng thực tế.

Theo quy định, VIB thực hiện trích lập dự phòng 100% đối với nợ xấu có tài sản động sản, trong khi với bất động sản, việc trích lập được thực hiện sau 2 năm. Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức hơn 2%, phản ánh sự kiểm soát rủi ro chặt chẽ.

Mục tiêu lãi hơn 11.000 tỷ đồng, trả cổ tức tỷ lệ 7%

Ông Vỹ nêu 2024 là năm thứ 8 trong hành trình chuyển đổi chiến lược 10 năm (2017-2026) của ngân hàng. Năm 2024, kết quả lợi nhuận của VIB không như kỳ vọng do ngân hàng tập trung đầu tư vào số hóa, công nghệ, giảm mạnh lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp.

Năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 11.020 tỷ đồng tăng 22% so với kết quả năm 2024. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn kế hoạch các năm trước đó. 

Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 22% lên 395.800 tỷ đồng, bao gồm cho vay, trái phiếu doanh nghiệp, mua nợ. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Theo đề xuất của HĐQT, ngân hàng này dự kiến trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2024, trong đó bao gồm kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa 7% vốn điều lệ, tương ứng số tiền trả cổ tức hơn 2.085 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HĐQT còn đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành hơn 417 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.

Vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm khoảng 4.250 tỷ đồng lên 34.040 tỷ đồng sau các đợt phát hành. Lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức còn lại hơn 4.000 tỷ đồng.