1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ "con ruồi 500 triệu": "Quyền lực" của người tiêu dùng đến đâu?

(Dân trí) - Người tiêu dùng, người dân cần biết ranh giới của quan hệ pháp luật dân sự với quan hệ pháp luật hình sự trong những tình huống tương tự để tránh đi "quá đà" mà sa vào vòng lao lý. Nói cách khác là cần phải biết giới hạn "quyền lực" của mình ở đâu để dừng lại đúng lúc

Vụ "con ruồi 500 triệu": "Quyền lực" của người tiêu dùng đến đâu? - 1

Liên quan tới vụ việc chai Number One của Tập đoàn Tân Hiệp Phát có dị vật là một con ruồi, Toà án nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên mức án 7 năm tù giam đối với anh Võ Văn Minh (35 tuổi, huyện Cái Bè, Tiền Giang) vì vi phạm điều 135 Bộ Luật hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo phân tích của giới luật sư, ông Minh bị truy tố theo khoản 4 Điều 135 quy định “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản” với khung hình phạt từ 12-20 năm tù - tức số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng. Do ông Minh có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Tòa án đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho ông Minh.

Pháp luật không có quy định miễn trừ

Theo Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM): "Tòa án tuyên ông Minh có tội tức mức hình phạt thấp nhất phải là 7 năm tù mà ông Minh có thể chịu, tức áp dụng khoản 3 của điều 135 - hình phạt từ 7 - 15 năm. Như vậy đây là mức thấp nhất, tòa án không thể áp dụng mức thấp hơn vì nếu thấp hơn sẽ vi phạm tố tụng, áp dụng sai nguyên tắc”.

"Tôi cho rằng ông Minh có tội hay không có tội và việc ông Minh có được tuyên vô tội tại cấp phúc thẩm hay không mới là vấn đề trong vụ án này. Bởi tôi nghĩ ông Minh có thể sẽ kháng cáo kêu oan, tức yêu cầu tòa án tuyên vô tội chứ không kháng cáo xem xét giảm hình phạt. Tôi vẫn hy vọng và mong muốn Tòa án cấp phúc thẩm tuyên ông Minh vô tội nhưng đây là điều rất khó”, ông chia sẻ thêm.

Vị luật sư cũng cho rằng, trong trường hợp này cả ông Minh và Tân Hiệp Phát đều có những sai lầm nhất định và cả 2 bên đều phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình.

“Tân Hiệp Phát không tôn trọng khách hàng và bị lên án vì vi phạm đạo đức kinh doanh khi tố cáo khách hàng của mình. Không thể có cái kiểu kinh doanh như vậy được. Khi khách hàng phản ứng cần phải có thương lượng với khách hàng để đưa ra phương án xử lý phù hợp chứ không phải "vờ" đưa tiền rồi kêu công an bắt người ta”, ông nói.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), đánh giá: "Câu chuyện con ruồi 500 triệu là câu chuyện gây nhiều tranh cãi bởi các quan điểm trên nhiều phương diện xã hội. Có người nhìn nhận với góc độ pháp lý, có người đánh giá dưới góc độ xã hội, nghề nghiệp, đạo đức, kinh doanh...”.

Luật sư Cường cho rằng: “Không ai mong muốn xử lý anh Minh về tội cưỡng đoạt tài sản bởi anh Minh là người lao động, bản chất lương thiện, hoàn cảnh éo le, chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, chỉ vì lòng tham mà sai phạm. Tuy nhiên, pháp luật là thế, pháp luật sẽ không có trường hợp miễn trừ, nếu thiếu hiểu biết pháp luật mà phạm pháp thì vẫn bị xử lý, tuy nhiên có xem xét đến tình tiết này khi lượng hình”.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: “Dưới góc độ pháp lý, toà tuyên án phạt anh Minh là có căn cứ. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, một công dân trong xã hội phải có trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội, không thể vì một cái sai của người khác mà lợi dụng để đạt được lợi ích vật chất, hành xử tạo tiền lệ không tốt".

Ranh giới mong manh

Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng, hiện nay Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhiều văn bản khác liên quan đã quy định rất rõ người tiêu dùng có đến 8 quyền bảo vệ mình: được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp...

Do vậy, khi phát hiện hàng hoá có khuyết tật, không bảo đảm an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải sửa chữa, đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, có thể gửi khiếu nại tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm.

"Nhưng chúng ta biết rằng ranh giới giữa biện pháp bảo vệ hợp pháp và tội phạm hình sự là rất mong manh. Do vậy, người tiêu dùng có quyền đòi doanh nghiệp phải bồi thường cho mình nhưng trong thực tế không ít trường hợp người tiêu dùng đã bức xúc mà có hành vi thái quá, đe dọa, gây áp lực, do lòng tham... nhằm mục đích buộc bên kia phải đáp ứng yêu cầu của mình, do vậy người tiêu dùng có hành vi này có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự”, ông Hùng nói.

Ông cũng khuyến cáo, trong mọi trường hợp nếu người dân phát hiện sản phẩm của bất kỳ doanh nghiệp nào có lỗi và gây thiệt hại cho mình người tiêu dùng nên khiếu nại, khởi kiện lên Hiệp hội bảo về người tiêu dùng hoặc tòa án để bảo vệ quyền lợi ích một cách hợp pháp. Người tiêu dùng không nên thực hiện những hành vi trái pháp luật dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng và đáng tiếc. Nếu có thỏa thuận bồi thường thì người tiêu dùng nên làm biên bản thỏa thuận với công ty có chữ ký cụ thể, đóng dấu có thẩm quyền của các bên và đây được xác định là quan hệ dân sự tránh bị hình sự hóa giao dịch dân sự.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường: “Người tiêu dùng, người dân cần biết ranh giới của quan hệ pháp luật dân sự với quan hệ pháp luật hình sự trong những tình huống tương tự để tránh đi "quá đà" mà sa vào vòng lao lý. Nói cách khác là cần phải biết giới hạn "quyền lực" của mình ở đâu để dừng lại đúng lúc".

Theo đó, nếu phát hiện sản phẩm có lỗi, hàng hóa có lỗi thì cách ứng xử tốt nhất là báo cho nhà sản xuất để khắc phục, sửa chữa những sai sót đó, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng. Nếu nhà sản xuất không thừa nhận sản phẩm lỗi là do mình, không khắc phục sửa chữa thì khách hàng có thể yêu cầu hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan quản lý thị trường... can thiệp. Cũng có thể đưa thông tin này tới báo chí để phản ánh những vấn đề về chất lượng hàng hóa.

"Nếu sản phẩm lỗi đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì người tiêu dùng hoàn toàn có quyền thương lượng với nhà sản xuất để yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu không thương lượng được thì có thể khởi kiện tới tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể thỏa thuận bán lại sản phẩm lỗi đó cho nhà sản xuất, hoặc bán cho bên thứ ba trên cơ sở tự do thương lượng, tự nguyện thỏa thuận... Những hành vi, việc làm như vậy là hoàn toàn hợp pháp, thậm chí còn được pháp luật khuyến khích áp dụng", ông Cường nói.

Phương Dung

 

Vụ "con ruồi 500 triệu": "Quyền lực" của người tiêu dùng đến đâu? - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm