Vụ Tân Hiệp Phát: Xin lỗi có đủ làm dịu cơn cuồng nộ?
(Dân trí) - "Cần có cử chỉ thành khẩn bằng việc đầu tiên là phải trả lời cho người tiêu dùng biết sự việc ngày hôm nay nguyên nhân từ đâu mà ra, cụ thể là chai nước đó vì sao lại có ruồi", PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh nhấn mạnh.
Sức mạnh của nguyên tắc đạo đức
Kết thúc phiên sơ thẩm vụ án "chai nước Number one có con ruồi” ngày 18/12, bị cáo Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) bị tuyên án 7 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản". Sau phiên toà, dư luận lại thêm một lần dậy sóng với những quan điểm trái chiều, trong đó, nhiều người tiêu dùng đồng loạt thể hiện "giận dữ" với Tân Hiệp Phát.
Nhiều tài khoản và trang cá nhân bày tỏ ý kiến về vụ việc. Không chỉ trên mạng, đây là vụ được dư luận đặc biệt quan tâm, ngồi bất cứ nơi công cộng nào cũng có thể nghe thấy người ta nhắc tới cụm từ “con ruồi”. Không phải ai cũng lên tiếng "bênh" ông Võ Văn Minh, nhưng phần đông cho rằng, cách hành xử của Tân Hiệp Phát là điều khiến họ cảm thấy thất vọng. Cùng với đó, một "làn sóng" kêu gọi không sử dụng các sản phẩm của Tân Hiệp Phát xuất hiện.
Và rõ ràng, so với 2.000 tỷ đồng thiệt hại về doanh thu mới được công bố, với tình thế đang xảy ra, Tân Hiệp Phát sẽ khó có thể đong đếm hết được những tổn thất trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (Trường ĐH Ngoại Thương), ngay từ đầu khi xảy ra khủng hoảng, cách xử lý của Tân Hiệp Phát đã thiếu chuyên nghiệp và không có bài bản.
“Về mặt quản trị khủng hoảng là không ổn. Quy trình xử lý khủng hoảng thông thường là “biến to thành nhỏ, biến nhỏ thành không có gì” còn anh lại bé xé ra to khiến 90 triệu người dân đều biết. Thực tế, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể gặp khủng hoảng nhưng nếu biết xử lý chuyên nghiệp hơn bằng cách tự mình công bố sự việc để tước vũ khí của anh Minh, cho phép báo chí kiểm tra dây chuyền sản xuất, cam kết quản lý chất lượng... thì đã không có tình cảnh đáng tiếc này”, bà Ánh nói.
Theo bà Ánh, ở đây bản thân người tiêu dùng cũng bị thiệt hại khi tự làm hạn chế đi sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy người tiêu dùng biết quyền lợi của mình và dù cách hành xử không phải là tốt nhất nhưng không còn cách nào khác.
“Trên thực tế không thể trách được công luận bởi họ cũng không có cách nào khác. Khi các bên càng cương lên thì ai cũng cố gắng giành được phần thắng, kiểu “anh tát tôi một cái thì tôi phải tát lại anh mạnh hơn”. Vào thời điểm cơ quan công an thực hiện lệnh bắt ông Võ Văn Minh, chỉ có một bộ phận tức giận, giờ kết án chính thức thì tất cả những người bạn mà tôi biết đều nói sẽ không dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát nữa”, bà nói thêm.
Ở một góc nhìn khác, một vị chuyên gia trong ngành cho rằng: "“Công chúng rất công tâm, không phải ai cũng đồng thuận với hành vi của ông Võ Văn Minh nhưng số đông lên án cách xử lý của Tân Hiệp Phát. Trên các căn cứ pháp luật, hình phạt dành cho ông Minh không phải không có lý. Nhưng đôi khi, chính các quy định pháp luật không mạnh bằng nguyên tắc đạo đức. Bản thân doanh nghiệp một khi khiến dư luận không hài lòng với cách hành xử của anh, họ cũng sẽ mất niềm tin vào sản phẩm anh đem bán”.
Xin lỗi có làm nguôi “cơn giận dữ”?
Sau khi phiên toà sơ thẩm khép lại, ngày 19/12, Tân Hiệp Phát có văn bản gửi các đối tác, nhà phân phối và đại lý phân phối cho biết “rất lấy làm tiếc về sự việc ông Võ Văn Minh vướng vào vòng lao lý có liên quan hình ảnh sản phẩm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty Tân Hiệp Phát".
“Ban Giám đốc công ty Tân Hiệp Phát thành thật xin lỗi quý đối tác, nhà phân phối, đại lý, người tiêu dùng và đặc biệt là gia đình ông Võ Văn Minh về những phiền toán và những ảnh hưởng liên quan đến quý vị trong thời gian qua”, văn bản do Phó Tổng giám đốc Trần Uyên Phương ký nêu rõ.
Tuy nhiên, thông tin từ văn bản của Tân Hiệp Phát vẫn không đánh giá rõ về vấn đề trách nhiệm doanh nghiệp trong khâu quản lý sản xuất, bảo quản chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường và các vấn đề liên quan đến phục vụ, chăm sóc người tiêu dùng, dẫn đến những mập mờ thông tin khi xuất hiện các sự việc sản phẩm kém chất lượng...
Đánh giá về động thái này của Tân Hiệp Phát, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, bản thân phía doanh nghiệp đã không đủ thấu đáo khi xin lỗi vì làm phiền người tiêu dùng. Do đó, việc xin lỗi như vậy trên thực tế cũng không giải quyết được vấn đề gì.
“Những sự việc như thế này không phải là làm phiền mà bản thân doanh nghiệp cần phải đưa ra minh chứng để khẳng định là mình đúng đắn thì sẽ thuyết phục hơn. Hai bên đều phải đúng luật, bên nào sai luật thì phải xử nhưng dù là mình thắng kiện cũng phải tôn trọng người tiêu dùng, đừng tỏ thái độ là “tôi mạnh đừng ai động vào tôi”, ông Phong nhìn nhận.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: “Nếu xin lỗi thì phải thật lòng, đầu tiên phải nhận là sai với người tiêu dùng thay vì chỉ nói loanh quanh. Cần có cử chỉ thành khẩn bằng việc đầu tiên là phải trả lời cho người tiêu dùng biết sự việc ngày hôm nay nguyên nhân từ đâu mà ra. Cụ thể là chai nước đó vì sao lại có ruồi?”.
Bà Ánh cũng nói thêm: “Ở nước ngoài có gặp trường hợp này, họ sẽ không bao giờ trả tiền cho người đi đòi tiền mà sẽ chủ động đưa vụ việc lên công luận, xin lỗi rồi kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân. Cần phải có đầu có đũa. Tiếc rằng Tân Hiệp Phát đã không làm được điều đó. Ngay cả trách nhiệm với người tiêu dùng, họ cũng không bảo vệ được còn công chúng thì khốn khổ vì không được biết sự thật là gì”.
Còn theo một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông: “Lúc này đây Tân Hiệp Phát đang chịu nhiều thiệt hại về uy tín và cả kinh tế nhưng hàng triệu doanh nghiệp Việt đã có thêm cho mình một bài học lớn. Tốt hơn hết, cần thể hiện rõ thái độ chân thành, cầu thị và tôn trọng người tiêu dùng. Về góc độ trách nhiệm xã hội, cũng cần thái độ có trách nhiệm với ông Minh và gia đình người này để xoa dịu dư luận”.
Phương Dung