1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Trồng dưa, nuôi lợn "ngậm đắng" vì thị trường Trung Quốc

(Dân trí) - Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã đề xuất phương án sang Trung Quốc đàm phán kênh xuất khẩu để giải cứu thịt lợn đang khủng hoảng thừa về lượng, sụt giá nghiêm trọng. Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng phát đi thông báo, dưa hấu Việt không lọt vào thị trường Trung Quốc vì... quả quá to.

Tuy nhiên, có thực tế là thị trường Trung Quốc luôn khiến hàng Việt Nam nhận rất nhiều "quả đắng" bởi đa số đầu ra cho nhiều loại cây, con của Việt Nam trong thời gian qua đều hướng đến thị trường này, đặc biệt là những người chăn nuôi quy mô nhỏ, nông hộ trồng sản phẩm theo phong trào.

70% rau quả Việt xuất sang Trung Quốc

Khủng hoảng thịt lợn vì lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc (ảnh minh hoạ)
Khủng hoảng thịt lợn vì lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc (ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trên thực tế, lượng lợn thịt xuất chuồng trong nước khủng hoảng dư nguồn cung chủ yếu diễn ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ và vừa, hộ dân. Còn các DN chăn nuôi lớn chưa có thống kê ảnh hưởng, thậm chí "nằm ngoài" tác động bởi các DN này đều hoạt động theo chuỗi. Họ hoàn toàn chủ động được từ giống, thức ăn chăn nuôi, cung ứng thuốc thú y đến khâu cuối cùng là giết mổ, đóng gói. Trong khi đó, khủng hoảng thừa và giá tụt giảm thê thảm chỉ diễn ra đối với thịt lợn xuất chuồng, giá thịt sau giết mổ chỉ giảm nhẹ vài %.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý I/2017 trong kim ngạch xuất khẩu rau quả hơn 700 triệu USD của Việt Nam ra các thị trường, Trung Quốc chiếm hơn 500 triệu USD, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu hoa quả của Việt Nam. Cả năm 2016, xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt hơn 2,4 tỷ USD, thì thị trường Trung Quốc chiếm 1,7 tỷ USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch, chi phối phần lớn về giá đối với rau quả Việt. Đấy là chưa kể nhiều mặt hàng xuất khẩu khác là nguyên liệu thô như than đá, dầu thô và khoáng sản các loại cũng có lượng lớn sang Trung Quốc.

Về mặt hàng thịt lợn, theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, từ năm 2015 đến nay lợn thịt được các thương lái thu gom xuất khẩu số lượng ngày càng lớn cho các thương lái từ Trung Quốc, mặc dù trước đó thị trường này vẫn chủ yếu nhập khẩu lợn sữa (lợn con dưới 10kg) để phục vụ tiêu dùng, lễ hội.

Một doanh nghiệp (DN) chuyên thu mua lợn sữa tại Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc cho rằng: Trung Quốc nhập lợn sữa số lượng lớn vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đến Tết Thanh minh bởi lợn sữa được dân nước này ưa chuộng trong các lễ hội và tiêu thụ lớn. Số lợn sữa cũng chỉ xuất theo diện tiểu ngạch, còn thịt lợn trọng lượng từ 80 kg trở lên chủ yếu nhập khẩu tùy vào thời điểm, khi trong nước thiếu hụt nguồn cung. Hiện thị trường này không nhập thịt lợn diện chính ngạch từ Việt Nam.

Bài học từ một thị trường dễ dãi

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan: Trong thời gian ngắn, việc giải cứu nông sản cũng là nên làm theo ý nghĩa đồng bào tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, không thể dùng điều đó như một công cụ hỗ trợ lâu dài được. Đó không phải là cứu cánh cho ngành nông nghiệp, nông dân.

"Phương án giải cứu thời gian qua, ít nhiều cũng là phi thị trường nhưng cũng ở mức chấp nhận được. Nước ngoài chắc hẳn cũng không “thổi còi” Việt Nam vì điều này vì đây chủ yếu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, biện pháp này không nên khuyến khích theo phong trào. Bộ Nông nghiệp cũng không nên xem đây là thành thích mà phải xem đây là nỗi xấu hổ. Người nông dân rất cần thông tin thị trường, nhu cầu của các nước và họ có quyền được cung cấp thông tin, các cơ quan Nhà nước phải giúp họ trong thông tin", chuyên gia Lan phân tích.

Bà Lan cho rằng, Việt Nam đã ký bao nhiêu FTA với EU, Nga, Nhật và ASEAN, tại sao chúng ta vẫn trông chờ vào thị trường dễ ăn, nhưng hay mắc nghẹn như Trung Quốc. Cái dễ dãi của Trung Quốc là họ thích nhập qua tiểu ngạch, nhưng lại không nhập chính ngạch. Dễ của họ không có quy chuẩn, tiêu chuẩn khiến nông hộ, sản phẩm Việt Nam có thói quen dễ dãi trong sản phẩm của mình, khiến chúng ta không có tư tưởng đi xa hơn các thị trường khác. Cảm thấy khó khi EU, Nhật, Úc yêu cầu những tiêu chuẩn cao hơn.

Trên thực tế, hệ quả của dưa hấu hay ngành chăn nuôi lợn không phải là bài học đầu tiên của Việt Nam, trước đó đã có nhiều loại nông, lâm, sản, vật nuôi của Việt Nam khác có xuất xứ từ Việt Nam cũng ngậm quả đắng khi quá kỳ vọng vào xuất khẩu sang trung Quốc như: quả vải, thanh long, hồ tiêu hay chè...

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chuyên gia kinh tế độc lập cho hay: Trong việc chuyển đổi nông nghiệp thì cái quan trọng nhất vẫn là thông tin thị trường. Ngày xưa tự cấp tự túc thì khác, giờ đưa ra thị trường thì phải biết có thị trường hay không, biết thị trường cần gì mà làm. Cơ quan chức năng cần cung cấp những thông tin này cho người nông dân. Khi Nhà nước cũng cấp thông tin này cho họ, hướng dẫn họ mà họ vẫn không làm được thì đó mới là trách nhiệm của người ta, trách nhiệm của người sản xuất.

Ông Thành cho hay: Bộ ngành và xã hội chung tay giải cứu nông sản và vật nuôi cũng cần nhưng không thể dựa vào cách làm này mãi. Cái gì thuộc về thị trường nên để thị trường định đoạt. Lỗi này cũng do các ngành chức năng của Việt Nam chưa xây dựng được quy hoạch, chưa đưa thông tin thị trường cho nông dân, hộ chăn nuôi. Người nông dân vẫn còn thói quen đổ bộ vào chăn nuôi, trồng trọt cây, con theo phong trào nên dễ bị khủng hoảng thị trường.

Nguyễn Tuyền

Dòng sự kiện: Giải cứu lợn thịt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm