Dưa hấu Việt khó xuất sang Trung Quốc vì không cạnh tranh nổi với dưa Lào, Myanmar

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa phát đi thông báo về một số thông tin đáng chú ý về tình hình sản xuất, tiêu thụ và thị hiếu tiêu dùng dưa hấu tại thị trường Trung Quốc.

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, sản lượng dưa hấu tại Trung Quốc tăng đều qua các năm gần đây (từ 72 triệu tấn năm 2013 lên 77,5 triệu tấn năm 2016). Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, mỗi năm Trung Quốc sẽ tăng khoảng 1% (khoảng 2,2 triệu ha) diện tích trồng dưa hấu, dưa lưới trong giai đoạn 2015 - 2020.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc đang thu hẹp dần các khu vực trồng dưa nhỏ lẻ và thay thế bằng những vùng trồng có điều kiện tự nhiên phù hợp, quy mô sản xuất lớn, đồng đều đối với loại nông sản có tính mùa vụ cao.

Từ cuối năm 2016, các hộ nông dân Trung Quốc có xu hướng trồng dưa trái vụ và đồng loạt xuống giống với diện tích lớn, nhằm vào thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán khiến lượng cung ra thị trường tăng mạnh trong thời gian gần đây. Do nguồn cung nội địa tăng mạnh, giá dưa hấu tại thị trường Trung Quốc đã giảm sâu vào tháng 1/2017 và sau tháng 2/2017.


Dưa hấu rớt giá thảm, 10.000 đồng/3 kg (Ảnh: Minh Giang)

Dưa hấu rớt giá thảm, 10.000 đồng/3 kg (Ảnh: Minh Giang)

Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện một lượng nhất định dưa hấu nhập khẩu từ Lào và Myanmar qua các cửa khẩu của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh với dưa hấu của Việt Nam do có giá rẻ hơn và trùng với thời điểm thu hoạch dưa hấu tại miền Nam Việt Nam.

Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng khoảng 3 - 4kg/quả nhưng dưa hấu Việt Nam thường có trọng lượng cao hơn.

Những thông tin phát đi từ Bộ Công Thương được đưa ra trong bối cảnh dưa hấu của Việt Nam được phản ánh là gặp nhiều khó khăn khi xuất sang Trung Quốc.

Từ tháng 3 vừa qua, dù đang vào vụ thu hoạch dưa hấu nhưng tại nhiều địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi… chờ đợi mãi không có thương lái thu mua, nhiều nông đành mang dưa ra đường lộ ngồi bán mong vớt vát lại công sức bỏ ra. Tại các địa phương này, nông dân đứng ngồi không yên vì giá dưa liên tục sụt giảm, có thời điểm xuống chỉ còn 1.500 đồng/kg, khiến nhiều người rơi vào cảnh thua lỗ.


Dưa hấu ế ẩm, nông dân đưa ra đường ngồi bán (Ảnh: N. Linh)

Dưa hấu ế ẩm, nông dân đưa ra đường ngồi bán (Ảnh: N. Linh)

Điển hình như hồi đầu tháng 4/2017, tại Quảng Ngãi, với năng suất khoảng 2,5 đến 3 tấn/sào, ước tính sản lượng dưa thu hoạch trong vụ đầu năm nay sẽ đạt khoảng 24.000 tấn. Tuy nhiên, thời điểm đó, hàng trăm hecta dưa hấu đã bắt đầu chín nhưng do không có người mua, nên giá dưa rớt mạnh, nhiều hộ nông dân phải bỏ dưa ngoài đồng, chưa thu hoạch hoặc sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò ăn thay cỏ.

Tại nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam sau đó đã xuất hiện nhiều điểm “giải cứu” dưa hấu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc “giải cứu” chỉ là biện pháp tạm thời, và cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ hơn.

Trên thực tế, kịch bản về việc dưa hấu khó tiêu thụ không chỉ diễn ra trong năm nay mà đã xảy ra từ nhiều năm trước đó. Năm trước và trước nữa, mỗi quả dưa hấu từng được so sánh giá chỉ ngang với một ly trà đá.

Bài toán giải cứu đầu ra cho dưa hấu từng được các bộ ngành từng bàn thảo kỹ lưỡng nhưng liên tục bị vỡ trận.

TS Lê Đăng Doanh từng có lần cảnh báo: "Người nông dân không có kỷ luật thị trường, cứ canh tác và đòi hỏi ai đó sẽ tiêu thụ cho mình, rõ ràng, những yếu kém của nông nghiệp sẽ phải thay đổi mạnh mẽ, nếu không, sẽ thua ngay trên sân nhà".

TS Lê Đăng Doanh chỉ ra một điểm cần tháo gỡ, "lâu nay nông nghiệp, công nghiệp ta chỉ chú ý kêu gọi sản xuất mà không chú ý làm phân phối. Khâu phân phối đang quá kém, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu tính kết nối".

Phương Dung