“Giải cứu” lợn thịt: Các địa phương sốt sắng vào cuộc

(Dân trí) - Trước tình trạng “cơn bão” hạ giá làm điêu đứng các hộ chăn nuôi lợn, chính quyền các tỉnh Hà Nam, Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều giải pháp như: yêu cầu các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, đề xuất giảm tiền thức ăn chăn nuôi, lập cửa hàng bình ổn giá... để hỗ trợ bà con chăn nuôi vượt qua "cơn bão" này.

Hà Tĩnh: Rà soát lại đàn nuôi, dứt khoát không được tăng đàn

Nguồn tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, sáng qua (4/5), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã chủ trì buổi làm việc với các ngành hữu quan, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi lợn để bàn giải pháp tháo gỡ, ổn định sản xuất.

Thông tin tại cuộc họp cho biết, qua rà soát tại 26 cơ sở chăn nuôi lợn nái cung ứng quy mô vừa và nhỏ, hiện các cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh còn tồn đọng con giống sau cai sữa từ 7 - 35 kg/con là 30.000 con. Giá lợn giống chỉ dao động từ 300 - 450 nghìn đồng/con, giảm hơn nhiều so với cuối năm 2016, nhưng mức tiêu thụ rất chậm. Thực trạng này khiến những cơ sở cung cấp giống từ 300 con trở lên phải chịu lỗ từ 300 - 600 triệu đồng/tháng.


Do không thể xuất con giống, nên nhiều chủ trại tại Hà Tĩnh buộc phải vay mượn biến con giống thành lợn thương phẩm.

Do không thể xuất con giống, nên nhiều chủ trại tại Hà Tĩnh buộc phải vay mượn biến con giống thành lợn thương phẩm.

Trong khi đó, tổng đàn lợn thịt đến kỳ xuất chuồng trên toàn tỉnh khoảng hơn 83.000 con (tương đương trên 300 tỷ đồng), trong đó tồn đọng ở cơ sở chăn nuôi gia công quy mô lớn là 43.500 con và 40.000 con từ cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Khó khăn hiện nay là giá lợn hơi vẫn còn quá thấp, đã giảm xuống từ 23.000 đồng – 27.000 đồng/kg. Và với việc thua lỗ trong chăn nuôi thế này sẽ dẫn đến những tiềm ẩn về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Do quá khó khăn, tiền trong các cơ sở chăn nuôi đã hết, hạn mức vay ngân hàng cũng hết, không thể vay thêm, nên 85% cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ tại địa phương dừng nuôi. Các trại nái vì thế càng chồng chất khó khăn.

Trước thực trạng nêu trên, tại buổi làm việc, các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đề nghị UBND tỉnh ban hành chính sách tạm thời; hỗ trợ tiền điện cho người chăn nuôi; có chiến lược phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả; có phương án tổ chức mạng lưới tiêu thụ lợn; kiểm soát giá ở khâu trung gian…

Nhận định, các cơ sở chăn nuôi nái, chăn nuôi lợn thương phẩm tại Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ phá sản rất cao, ông Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Công Thương, các địa phương không chỉ nói mà có các giải pháp cụ thể, đến từng trại để giúp đỡ các hộ chăn nuôi; rà soát nhu cầu thực phẩm lớn ở cơ sở lớn để vận động cùng chia sẻ với người chăn nuôi; có chính sách thành lập các cửa hàng “bình ổn giá nông sản” ngay tại chợ; rà soát lại các chi phí đầu vào nhằm bình ổn giá thị trường.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu rà soát lại đàn nuôi, dứt khoát không được tăng đàn, đồng thời giảm quy mô đàn ở cơ sở chăn nuôi lớn.

Về chính sách hỗ trợ, lãnh đạo tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, xác định lại quy mô tài chính, báo cáo UBND tỉnh kịp thời để có phương án hỗ trợ bà con chăn nuôi.

Hà Nam: Đề nghị ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ nuôi

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, hiện nay, toàn tỉnh có trên 281 nghìn hộ chăn nuôi lợn với hơn 507 nghìn con lợn thịt. Việc giá lợn xuống thấp khiến nhiều hộ lâm vào cảnh trắng tay người chăn nuôi đứng ngồi không yên.

Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục được xem là "thủ phủ" nuôi lợn, cung cấp lợn thịt cho nhiều tỉnh thành phía Bắc, theo thống kê, hiện nay xã Ngọc Lũ có hơn 2.000 hộ dân thì có hơn 1.000 hộ nuôi lợn.

Theo tính toán của người chăn nuôi, họ mua lợn giống từ 42 - 45 kg với mức giá từ 75-78 nghìn đồng/kg lợn hơi. Nuôi tầm 5 tháng thì có thể xuất chuồng, nhưng với mức giá như hiện nay họ sẽ lỗ từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/con. Còn hộ tự nhân giống ở chuồng trại, họ lỗ ít nhất là 1 triệu đồng/con.

Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Hà Nam vẫn cố cầm chừng đàn lợn dù đã đến ngày xuất chuồng
Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Hà Nam vẫn cố cầm chừng đàn lợn dù đã đến ngày xuất chuồng

Theo chính quyền xã Ngọc Lũ cho biết, nếu tính giá thiệt hại cứ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/con cho người mua con giống và 1 triệu cho người tự nhân giống, thì năm nay xã Ngọc Lũ sẽ mất trắng ít nhất là 200 tỷ đồng vì giá lợn lao dốc.

Nhiều hộ gia đình thậm chí đã “phá sản” vì chăn nuôi lợn, không có khả năng tái đàn. Nhiều hộ chăn nuôi khác vẫn cố “cắn răng” dốc toàn bộ vốn liếng để cầm cự, thậm chí có người còn đi cầm cả sổ đỏ để có tiền mua thức ăn cho lợn, chờ ngày giá lợn có thể lên chút đỉnh gỡ gạc.

Một số gia đình khác nuôi đàn nhỏ tầm 200 đến 300 con, họ không chọn phương án bán vội để thu vốn mà chọn phương án tìm nguồn thức ăn sẵn có, giá thành rẻ để cầm cự trong lúc khó khăn.

Theo anh Trần Thái Nam, một người dân nuôi lợn cho biết: “Nhà tôi nuôi khoảng 200 con lợn, nhưng tôi không bán, mua thức ăn cũng cầm chừng, chủ yếu tôi và người nhà đi lấy rau bèo, rau khoai, cá vụn, cám gạo, cám ngô... để bào chế thức ăn cho lợn”.

Người chăn nuôi ngao ngán trước cơn bão hạ giá
Người chăn nuôi ngao ngán trước cơn bão hạ giá

Trước thực trạng trên, UBND huyện Bình Lục liên tục theo dõi, động viên người chăn nuôi để cùng tìm hướng giải quyết khắc phục. Đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con tận dụng nguồn thức ăn phối trộn để chủ động nguồn thức ăn, giảm chi phí giá thành để cầm cự đàn lợn, tránh bán đổ, bán tháo và không được tăng đàn trong thời gian tới.

Ông Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết, phía UBND huyện cũng đề xuất với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm giá thành thức ăn trong chăn nuôi,=cho bà con chăn nuôi trong huyện và tiếp tục thực hiện liên kết bốn nhà trong cung ứng thức ăn chăn nuôi.

Trong tình hình này, tỉnh Hà Nam đang chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, có hình thức hỗ trợ tiền lãi xuất vốn vay cho các hộ nuôi lợn; đồng thời làm việc với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi về vấn đề giảm giá thức ăn chăn nuôi.

Đa số hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh Hà Nam đều sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp và cho ăn thẳng. Nhiều đại lý bán thức ăn chăn nuôi cũng đã từ chối bán cho nhiều hộ không cầm chừng được vốn. Nhiều hộ cũng không thể vay được vốn ngân hàng do còn dư nợ chưa có khả năng thanh toán, do đó rất khó thực hiện việc giữ đàn, không bán phá đàn.

Trong vài tháng tới, nếu giá thịt lợn hơi không tăng, nhiều hộ sẽ không đủ điều kiện kinh tế để cầm cự, trong đó số hộ chăn nuôi, tổng đàn lợn của tỉnh Hà Nam vẫn tiếp tục giảm mạnh vì giá lợn quá thấp.

Văn Dũng - Đức Văn

Dòng sự kiện: Giải cứu lợn thịt