(Dân trí) - Các gói chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi và phát triển kinh tế trong 2 năm 2022-2023 mà Chính phủ đang triển khai là cơ sở để nền kinh tế đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6-7%.
Khi Covid-19 dần được coi là "bệnh đặc hữu", hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, các gói chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi và phát triển kinh tế trong 2 năm 2022-2023 mà Chính phủ đang triển khai là cơ sở để nền kinh tế đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6-7%.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023, với yêu cầu các bộ ngành hoàn thành dứt điểm nhiều công việc được giao. Trong cơ cấu chương trình phục hồi nêu trên, phần lớn nhất khoảng 1/3 của cả gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, tương đương với gần 114.000 tỷ đồng sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP. Invest - cho biết, các doanh nghiệp ngành xây dựng rất phấn khởi khi biết thông tin Quốc hội và Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh dự án đầu tư hạ tầng, nhờ đó thúc đẩy thêm công ăn việc làm.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh dự án đầu tư công, ông Hiệp cho biết phải gỡ được vướng mắc rất lớn ở các nghị định về định mức. Các nghị định về định mức đang sử dụng không phù hợp, khiến nhà thầu xây dựng Việt Nam đắn đo trước khi tham gia dự án.
Doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng sửa đổi các quy định cho phù hợp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xây dựng gói kết cấu hạ tầng trong chương trình 350.000 tỷ đồng. Từ đó doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, góp phần phục hồi cùng nền kinh tế.
"Chính phủ thời gian qua đã rất lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Nhìn chung chủ trương rất quyết liệt, nhưng doanh nghiệp vẫn chờ khâu tổ chức thực hiện thế nào. Lâu này thủ tục hành chính vẫn còn lằng nhằng chậm chạp lắm", ông Hiệp nói.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình - cũng cho biết bản thân doanh nghiệp ông cũng rất quan tâm tới việc giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. Đặc biệt trong đó có 12 gói thầu Nhà nước vừa công bố. "Chúng tôi đang bắt tay hợp tác với một đơn vị chuyên môn trong xây dựng hạ tầng để tiếp cận các dự án. Hy vọng tiến độ diễn ra nhanh chóng", ông Hải nói.
Một hỗ trợ cũng được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, đó là vấn đề về lãi suất. Trong bối cảnh giá cả xăng dầu, chi phí đầu vào đang leo thang, việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp sẽ góp phần hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
"Chúng tôi thực sự mong chờ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ vì doanh nghiệp rất khó khăn. Song đến bây giờ chúng tôi cũng chưa rõ đã và đang được triển khai ra sao. Nội dung mới rõ nhất mới chỉ nằm trong nghị quyết của Quốc hội", lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh, giám đốc một công ty nông sản có trụ sở ở Hà Nội, thì bày tỏ, năm ngoái doanh nghiệp ông tiếp cận được mức lãi suất thấp, khoảng 4,5%. Hiện nay thị trường đang có xu hướng tăng dần trở lại, việc giảm lãi suất theo ông Minh, là một trong những hỗ trợ rất quan trọng để giúp doanh nghiệp có thể "dễ thở" hơn. "Với doanh nghiệp, giảm 0,5% thôi cũng là rất mừng rồi", ông Minh nói.
Ngoài việc hỗ trợ lãi suất, những doanh nghiệp có nhiều hệ thống kho bãi cũng rất quan tâm đến việc giảm tiền thuế đất. "Năm ngoái, chúng tôi tiếp cận được mức giảm 30% tiền thuê đất. Doanh nghiệp phần nào giảm gánh nặng chi phí", ông Minh chia sẻ.
Sang 2022, nhà nước tiếp tục giảm tiền thuê đất của năm 2022 cho một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông Minh cùng nhiều doanh nghiệp khác cho rằng đây là sự hỗ trợ "rất thiết thực".
Trong khi đó, ông Đinh Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty Cơ nhiệt Điện lạnh Bách Khoa cho biết, năm ngoái nhiều người lao động của công ty nhận được hỗ trợ trong gói hỗ trợ từ phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai. "Việc người lao động được hỗ trợ trong lúc khó khăn thì cũng chính là giảm gánh nặng cho doanh nghiệp", ông Thành nhìn nhận.
Ông Thành cũng quan tâm lãi suất, nhưng doanh nghiệp vừa qua vẫn chỉ tiếp cận mức 6-7%. Vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi thông tin về gói hỗ trợ và tiến độ thực hiện để có thể tiếp cận được. Tuy nhiên ông Thành cũng kiến nghị, các thủ tục hành chính, giấy tờ cần thông thoáng hơn nữa. Thủ tục - chính là nơi phát sinh nhiều chi phí, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Khi bàn về gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng, một số chuyên gia kinh tế cho biết, tiến độ triển khai đã tốt hơn rất nhiều song vẫn kỳ vọng sự "nhanh hơn", "quyết liệt" hơn. Vì bối cảnh đang thay đổi rất nhanh, nếu cầu toàn, sẽ không chỉ chậm trễ, mà có thể mất đi thời điểm tốt nhất.
Ngoài ra, việc thực hiện cũng cần phải thay đổi, theo nghĩa điều kiện có nhiều "bất thường" thì phải có khác biệt trong đưa ra chính sách và triển khai thực hiện. Ví dụ, đối tượng giữ vai trò trung tâm của gói chính sách phục hồi kinh tế là doanh nghiệp, thì việc xây dựng, triển khai chính sách phải hướng vào mục tiêu để doanh nghiệp tiếp cận, tận dụng được chính sách, hướng vào hiệu quả chung của Chương trình để thực thi.
Nếu còn tinh thần ngại khó, ngại trách nhiệm, sợ rủi ro mà đưa ra điều kiện, quy trình, thủ tục làm khó doanh nghiệp thì giảm đi ý nghĩa rất nhiều. Tình trạng này đã từng xảy ra khi thực hiện các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020, thời điểm dịch bệnh mới xuất hiện.
Đọc toàn bộ các chương tại đây:
Nội dung: Nguyễn Mạnh - Việt Đức
Ảnh: Hoàng Giám - Hải Long - Ip Thiên
Thiết kế: Khương Hiền