DNews

Sập bẫy dụ làm giàu, ngồi không cũng có tiền trên Facebook, Telegram, Zalo

Thảo Thu Phương Liên

(Dân trí) - Thủ đoạn lừa đảo, dẫn dụ tham gia kiếm tiền online trên mạng xã hội tuy không mới nhưng vẫn có rất nhiều người vì nhẹ dạ cả tin mà liên tục "sập bẫy".

Sập bẫy dụ làm giàu, ngồi không cũng có tiền trên Facebook, Telegram, Zalo

Bẫy ngồi không cũng kiếm được tiền

Muốn cho con gái tham gia thi tuyển mẫu nhí, chị Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy quảng cáo trên Facebook với tiêu đề "Canifa - Tỏa sáng giấc mơ mẫu nhí". Chị nhắn tin đăng ký cho con tham gia thử. Người trả lời tự nhận là chuyên viên tư vấn và hỗ trợ của thương hiệu thời trang Canifa. Tiêu chí tham gia là các bé từ 2 đến 15 tuổi, có Zalo để trao đổi công việc, có thẻ ngân hàng để đăng ký và nhận lương. 

Người này cho biết khi trở thành mẫu nhí, con sẽ có quyền lợi được hưởng lương 5 triệu đồng/tháng và được nhận 10% hoa hồng dựa theo giá trị sản phẩm con nhận chụp quảng bá. Sau đó, tài khoản này đã giới thiệu chị Hằng qua một tài khoản Telegram khác tự xưng là bên bộ phận phụ trách nhân sự nhận kết quả xét duyệt hồ sơ.

Sau khi được hướng dẫn cung cấp thông tin cá nhân để tạo hồ sơ, chuyên viên tư vấn đưa ra hàng loạt hình ảnh mẫu sản phẩm của Canifa để "lựa chọn" với lời hứa sẽ nhận được sản phẩm sau 3-5 ngày, khi được xác nhận là người mẫu chính thức.

Sập bẫy dụ làm giàu, ngồi không cũng có tiền trên Facebook, Telegram, Zalo - 1

Các tư vấn viên nhiệt tình hướng dẫn phụ huynh cách làm nhiệm vụ (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Sau khi cung cấp số tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân, chị Hằng được các đối tượng này sẽ cho phụ huynh tham gia vào một nhóm Telegram với khoảng 25 thành viên. Một tài khoản tự xưng là chuyên viên cao cấp giới thiệu về các thử thách cho phụ huynh thực hiện. Thử thách đầu tiên là gọi tên 5 sản phẩm yêu thích từ các sản phẩm của trang Canifa trên đường link website của hãng. Các phụ huynh được yêu cầu bấm tương tác rồi chụp màn hình gửi vào nhóm và khi hoàn thành 5 thử thách, phụ huynh sẽ được nhận hoa hồng về một lượt.

Khi được phụ huynh hỏi vì sao công việc chụp ảnh lại có nhiệm vụ như vậy, người tư vấn viên lập tức đưa ra hàng loạt lợi ích hấp dẫn như để thể hiện sự gắn bó với công ty, nếu bé tham gia mẫu nhí sẽ có điểm tựa thương hiệu lớn, thúc đẩy thương hiệu phát triển…

Chia sẻ với Dân trí, phía Canifa khẳng định nhãn hàng không tuyển mẫu nhí qua bất kỳ hội nhóm hay fanpage nào trên nền tảng Facebook. Đặc biệt, hãng này khuyến cáo gia đình cảnh giác, không tham gia, không gửi hình ảnh của con em, phòng ngừa đối tượng lợi dụng mục đích xấu, không chuyển tiền theo yêu cầu không hợp pháp để tránh bị lừa đảo. 

Anh Thao, một nhân viên văn phòng tại Hoàng Mai (Hà Nội) cũng kể về thủ đoạn mới của những hội nhóm lừa đảo.

Anh vô tình được một tài khoản Telegram tên Anh Khang giới thiệu tham gia sự kiện với sự đồng hành của thương hiệu Điện Máy Xanh. Trong nhóm này có rất nhiều người. Anh Khang được giới thiệu công việc chỉ đơn giản là truy cập vào trang chủ của thương hiệu trên, chọn sản phẩm yêu thích và chụp màn hình gửi lại lên nhóm. Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, người tham gia sẽ được nhận hoa hồng 35.000 đồng.

Sập bẫy dụ làm giàu, ngồi không cũng có tiền trên Facebook, Telegram, Zalo - 2

Đối tượng lừa đảo đưa ra những lời chào mời tham gia các thử thách và nhận lại tiền để dụ dỗ người chơi (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Tuy nhiên, khi phóng viên Dân trí liên hệ với Điện Máy Xanh để hỏi về thông tin này, phía công ty khẳng định chỉ đăng tải mọi thông tin về tuyển dụng trên website chính thức chứ không qua bên trung gian hay bất kỳ cá nhân nào. Đơn vị này nói thêm, công ty sẽ chỉ liên hệ khách hàng qua số hotline tổng đài chứ không có hình thức gửi tin nhắn, thêm vào các nhóm lạ để yêu cầu khách phải thanh toán, chuyển khoản trước một khoản phí rồi mới được nhận thưởng từ chương trình.

Công việc tại nhà lương cao, không cần vốn

Câu chuyện của chị Hằng, anh Thao nói trên không phải hy hữu. Không ít người cũng phản ánh một ngày được thêm vào các group trên mạng xã hội để làm giàu, kiếm tiền. Trong bối cảnh các công việc từ xa, tại nhà thu hút người tham gia, không ít người trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. 

Gia Bảo, sinh viên năm 2 đang học ngành marketing tại một đại học ở Hà Nội, chia sẻ, cậu tìm đến công việc online là vì muốn tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và có thể làm thêm nhiều công việc khác nhau. "Khi ứng tuyển, mình thường lựa chọn những công việc liên quan đến chuyên ngành để vừa có thêm thu nhập vừa có thêm kinh nghiệm để làm phong phú CV", Bảo chia sẻ.

Bảo ứng tuyển cho vị trí nhân viên đăng bài marketing cho một cửa hàng, lương 300.000 đồng/ngày cho 4 bài viết. Cậu được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để tạo tài khoản ngân hàng và bên tuyển dụng làm giúp để "chuyển tiền nội bộ cho dễ". Tài khoản đó sẽ được dùng để công ty chuyển lương. Thêm vào đó, bên tuyển dụng còn yêu cầu cậu sinh viên này phải nộp 2 triệu đồng tiền cọc để công ty xác nhận, lập tài khoản với lời hứa rằng sau này khi cậu bắt đầu làm việc thì số tiền này sẽ được trả lại cùng với lương.

Với mong muốn có được việc làm, Bảo đã làm theo yêu cầu và chuyển 2 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, bên tuyển dụng ngay lập tức "biến mất" và mọi phương thức liên lạc đều không thể sử dụng được.

Tương tự, chị Hoa, một bà mẹ bỉm sữa tại Linh Đàm (Hà Nội) cũng là nạn nhân của tuyển dụng online nhưng với hình thức tinh vi hơn.

Vô tình gặp một bài đăng tuyển cộng tác viên bán son không cần vốn, chị Hoa không ngần ngại liên hệ để ứng tuyển. Ban đầu, người tuyển dụng trả lời rất nhiệt tình rằng đây là công việc là đăng bài bán son, sẽ làm trong 15 ngày, mỗi ngày chỉ cần có 1 bài đăng và nhận về 50.000 đồng/bài đăng nếu chưa có khách. Nếu sau 15 ngày bán được trên 10 thỏi thì sẽ được tăng lương lên 100.000 đồng/bài đăng. Chị Hoa nhẩm tính nếu trong 15 ngày, dù không bán được hàng, chị cũng kiếm được 700.000 đồng nên đồng ý làm cộng tác viên.

Sập bẫy dụ làm giàu, ngồi không cũng có tiền trên Facebook, Telegram, Zalo - 3

Những bài đăng tuyển cộng tác viên online với công việc dễ dàng và mức thu nhập hấp dẫn khiến nhiều người sập bẫy (Ảnh chụp màn hình).

Vài ngày đầu, chị Hoa đăng bài nhưng không có ai hỏi mua. Đến ngày thứ ba, thì có một khách hàng liên hệ muốn mua 20 thỏi với giá hơn 4 triệu đồng để mở lớp dạy trang điểm tại nhà. Chị Hoa yêu cầu khách cọc 50% tiền nhưng khách không đồng ý. Không muốn mất khách, chị gọi video trao đổi và chốt đơn luôn. Sau khi liên hệ với cửa hàng để đặt hàng, ứng toàn bộ tiền hàng, chị Hoa chuyển son cho khách. Nhưng chị không thể liên hệ với bên khách mua và bên cung cấp son. 

"Có thể đối với nhiều người, 4 triệu đồng là số tiền nhỏ, nhưng với mình thì đây là số tiền lớn vì mình phải dành dụm để còn nuôi con", chị Hoa nghẹn ngào chia sẻ.

Vì tham lam nên dễ bị thao túng?

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia an ninh mạng Đoàn Trung Sơn cho biết, các hình thức lừa đảo trên mạng rất đa dạng. Phương thức thủ đoạn mà tội phạm thay đổi liên tục, gắn với những hoàn cảnh, xã hội và công nghệ mới ra đời tại từng thời điểm cụ thể. 

Ông đề cập tới câu chuyện gần đây có thể kể tới là việc lừa đảo lợi dụng việc chuẩn hóa thông tin sim điện thoại hay các hình thức lừa đảo được nâng cấp với việc lợi dụng công nghệ deepfake (sử dụng trí tuệ nhân tạo để lấy hình ảnh, giọng nói của một người ghép vào video của người khác).

Vị chuyên gia an ninh mạng lưu ý, thông thường, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm hiểu thông tin ban đầu về các nạn nhân và xây dựng những kịch bản phù hợp với từng nạn nhân cụ thể.

"Nạn nhân thường là người thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin, đặc điểm của tội phạm mạng, phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm trực tuyến, dễ dàng bị khai thác, thao túng tâm lý thông qua lòng tham và sự sợ hãi…", chuyên gia an ninh mạng nhận định.

Sập bẫy dụ làm giàu, ngồi không cũng có tiền trên Facebook, Telegram, Zalo - 4

Theo chuyên gia, nạn nhân dễ sập bẫy lừa đảo mạng vì dễ bị thao túng tâm lý qua lòng tham, sự sợ hãi (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Ông cũng đề cập tới câu chuyện các trò lừa đảo trực tuyến này vẫn dựa trên tâm lý ham việc nhẹ lương cao, muốn tăng thu nhập nhanh chóng của đại bộ phận người dùng. Tuy nhiên, đến khi bị lừa, nhiều người có tâm lý ngại trình báo cơ quan chức năng, nhất là với những thiệt hại nhỏ vì tâm lý của người Việt nói chung là không muốn liên quan đến những vấn đề pháp lý.

"Một số nạn nhân không biết cần phải thực hiện thế nào để trình báo tố giác các đối tượng, các đối tượng chỉ được biết qua các thông tin có thể giả mạo trên mạng" ông nói.

Số vụ lừa đảo thì nhiều nhưng những vụ việc được điều tra ra thì ít cũng là nguyên nhân cản trở nạn nhân trình báo vì hy vọng mong manh có thể lấy lại được số tiền bị chiếm đoạt.

"Tâm lý sợ mọi người chê cười khi vẫn bị lừa đảo bởi các phương thức thủ đoạn đã khá phổ biến trên mạng cũng khiến người bị hại không trình báo", ông nói thêm.

Làm sao để tránh bẫy?

Với kinh nghiệm bản thân, ông Đoàn Trung Sơn nhận định việc thu hồi số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt trên mạng là không cao. Các nhóm lừa đảo có tổ chức thậm chí thường tập trung tại các vùng biên giới giáp ranh với Việt Nam, nên việc bắt giữ, đấu tranh và thu hồi tài sản gặp rất nhiều khó khăn.

Để nhận biết, phòng tránh việc lừa đảo, chuyên gia đưa ra lời khuyên người dùng phải cân nhắc khi trao niềm tin cho một định danh trên mạng. 

Người dùng chỉ nên thực hiện giao dịch chuyển tiền khi xác định chắc chắn định danh của người mình trao đổi. Điều này có thể được thực hiện thông qua một kênh tin cậy để xác minh, chẳng hạn gọi điện thoại theo số trong danh bạ. 

Hay người dùng cũng cần cập nhật kiến thức thường xuyên về các phương thức thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới mà các loại tội phạm thực hiện. "Các cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ không bao giờ gọi điện yêu cầu, hỗ trợ người dùng thực hiện các hướng dẫn trực tuyến trên mạng", ông nhấn mạnh. 

Người dùng cũng nên thận trọng với các đường liên kết lạ, không nên click vào.

"Không gian mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người dùng hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trực tuyến. Người dùng mạng nên tiếp cận thông tin việc làm trên các mạng xã hội một cách thông minh và không chuyển tiền trong tài khoản vì bất cứ lý do gì để có được công việc cũng như thực hiện công việc trực tuyến, kiếm lợi nhuận cao", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Khi đã là nạn nhân của vụ lừa đảo trực tuyến, ông khuyên các nạn nhân nên nhanh chóng xử lý để hạn chế tối đa thiệt hại cho bản thân cũng như những người khác. 

Trước hết, phải tìm cách khóa tài khoản thẻ ngân hàng nhanh nhất có thể thông qua ứng dụng trên điện thoại hoặc sự trợ giúp trực tiếp của nhân viên ngân hàng. Nạn nhân cũng nên đến các cơ quan công an gần nhất để trình báo tố giác về vụ việc bị lừa đảo trực tuyến.

Nội dung: Phương LiênThảo Thu