Tin quảng cáo giả trên Facebook, một doanh nhân bị lừa 7 triệu đồng

Mộc An

(Dân trí) - Một doanh nhân Việt kể chuyện mới đây bị lừa 7 triệu đồng vì tin quảng cáo "giả mà như thật" trên Facebook. Đơn vị sở hữu nhãn sữa Cô Gái Hà Lan cũng lên tiếng về sự cố với quảng cáo trên Facebook.

Một giám đốc bị lừa tinh vi qua Facebook

Mới đây, ông Phạm Ngọc Linh, nhà sáng lập một công ty quảng cáo ngoài trời bất ngờ chia sẻ việc mình bị lừa đảo qua Facebook khi mua voucher du thuyền Hạ Long 5 sao. Kể với Dân trí, vị giám đốc này cho biết mình là người chủ động liên hệ tìm kiếm sản phẩm dịch vụ chứ không phải bị lừa đảo thông thường.

Do phát sinh nhu cầu du lịch, ông Linh tìm thông tin về du thuyền Hạ Long qua Google và được Facebook gợi ý đến với một fanpage đúng nhu cầu của mình. Trang này tung ra giảm giá khuyến mại là 1,999 triệu đồng cho một người cho gói nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm.

Vốn là người làm kinh doanh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên ông Linh nghĩ rằng đây là một cách để doanh nghiệp kích cầu du lịch. Sau đó, trang Facebook báo giá 14 triệu đồng và đề nghị ông chuyển khoản đặt cọc 50% để giữ chỗ. Trang này cũng đã gửi thư xác thực.

Tin quảng cáo giả trên Facebook, một doanh nhân bị lừa 7 triệu đồng - 1

Hình thức lừa đảo tinh vi qua fanpage Facebook (Ảnh: NVCC).

Ông Linh cho biết điều khiến ông mất cảnh giác là thông tin số tài khoản ngân hàng có đuôi 9999 và tên chủ tài khoản như một tổ chức doanh nghiệp. Nhân vật này chia sẻ là dù là người làm kinh doanh nhưng ông vẫn bị lừa khi đặt niềm tin vào số tài khoản với định danh rõ ràng của một tổ chức chứ không phải thông tin cá nhân.

Sau đó, ông đăng cảnh báo lên trang cá nhân. Phản hồi với bài viết này, nhiều người cho biết cũng bị lừa đảo tinh vi tương tự. Hiện nay, ông đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an.

Từ lừa đảo đến vấn nạn quảng cáo "bẩn"

Ông Phạm Ngọc Linh đánh giá nền tảng mạng xã hội như Facebook vô tình tiếp tay cho những quảng cáo lừa đảo như trên do không xác minh chặt chẽ thông tin về doanh nghiệp hay đăng ký kinh doanh. Ông cho rằng nếu đơn vị này quản lý chặt chẽ thì những trang này không thể dễ dàng tiếp cận và lừa đảo người tiêu dùng như vậy.

Không chỉ lừa đảo, hiện nay trên các nền tảng như Facebook hay TikTok tràn lan các thông tin quảng cáo "bẩn", độc hại, vi phạm bản quyền, thông tin giả, nhạy cảm về chính trị...

Dưới góc độ là chuyên gia marketing, ông Ngọc Linh cho rằng thực chất, các thương hiệu lớn không bao giờ chọn những nền tảng có nội dung độc hại để đăng tải quảng cáo. Nguyên nhân của sự việc có thể đến từ dạng quảng cáo phân phối lại của Google.

Theo đó, các đại lý quảng cáo sẽ đưa ra các mục tiêu về số lượt hiển thị, đối tượng khách hàng, lượng khách hàng tìm kiếm về thương hiệu, những đơn vị đối tác như Google sẽ là bên phân phối tới các nền tảng. Như vậy doanh nghiệp không hề biết quảng cáo của mình được chạy trên nền tảng nào.

Theo ông Linh, thực trạng trong vài năm gần đây, ngân sách quảng cáo đang bị chia nhỏ hơn từ những kênh truyền thống cho các nền tảng xuyên quốc gia như Facebook, Youtube, TikTok. Đây là xu hướng thực tế khó có thể tránh được với xu hướng phát triển mạnh của mạng xã hội hiện nay.

Theo ông, những biện pháp của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp những doanh nghiệp Việt được hưởng lợi. Doanh nhân này cho rằng cần có những cơ chế quản lý để kiểm soát thuế, tính minh bạch cũng như đóng góp của các nền tảng này cho Việt Nam.

Tin quảng cáo giả trên Facebook, một doanh nhân bị lừa 7 triệu đồng - 2

Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các sản phẩm, thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hợp pháp của Việt Nam không đưa tiền vào các nội dung xấu độc trên internet để quảng cáo (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

"Luôn ủng hộ các kênh quảng cáo truyền thống"

Hiện nay, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đang rà quét hàng ngày để xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đại lý, nhãn hàng có hành vi quảng cáo trên các trang có nội dung thông tin xấu độc.

Gần đây nhất, theo quyết định được Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra ngày 10/4, Công ty Truyền thông WPP đã thực hiện hành vi vi phạm là đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty FrieslandCampina Việt Nam (ngày 31/12/2022) vào trang Facebook có nội dung vi phạm pháp luật, được quy định tại khoản 1 Điều 8, Luật An ninh mạng.

Trả lời Dân trí, đại diện FrieslandCampina Việt Nam, đơn vị sở hữu các thương hiệu như sữa Cô Gái Hà Lan, Friso..., cho biết sự việc vừa qua là sự cố công nghệ từ phía đối tác truyền thông của doanh nghiệp. Hiện đối tác này đã gỡ bỏ các quảng cáo cũng như xử lý xong sự cố.

Doanh nghiệp này cho biết luôn tuân thủ những quy định pháp luật từ sản xuất đến tiếp thị. Hiện đơn vị đã rà soát chặt chẽ quy trình cũng như đối tác quảng cáo và luôn ủng hộ những kênh quảng cáo truyền thống.

"Chúng ta kêu gọi các sản phẩm, thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hợp pháp của Việt Nam đang quảng cáo trên các môi trường internet thể hiện sự đồng hành với Nhà nước, Chính phủ, trách nhiệm xã hội bằng cách không đưa tiền của mình vào những kênh nội dung xấu độc, qua đó vô hình trung góp phần nuôi dưỡng các kênh đó được phát triển", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết trong buổi họp báo gần đây.

Trước đó, Công ty TNHH Truyền thông MMS Việt Nam cũng bị phạt vì hành vi đặt sản phẩm quảng cáo các nhãn hàng L'Oréal (ngày 29/10/2022) của Công ty TNHH L'Oréal Việt Nam; Mirinda (3/1/2023) và Boss Coffee (30/12/2022) của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam vào một số kênh mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng.

Từ cuối tháng 3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Danh sách nội dung "đã được xác thực" trên mạng (White List) và đề xuất cho các doanh nghiệp lựa chọn quảng cáo trong danh sách này nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu.

Trước tiên, White List bao gồm báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam, có thông tin về người chịu trách nhiệm quản lý nội dung...