Đồng Pi rớt thảm, "Pi thủ" thi nhau bán tháo vì lo mất trắng
(Dân trí) - Sau khi lên sàn, đồng Pi nhanh chóng lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn vì lo sợ mất trắng. Trong khi một số người vẫn kỳ vọng giá sẽ phục hồi, không ít "Pi thủ" đã vội vã thoát hàng để cắt lỗ.
Đồng Pi rớt giá mạnh ngay sau khi lên sàn
Vào 15h ngày 20/2 (theo giờ Việt Nam), Pi Network chính thức được niêm yết trên các sàn giao dịch, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với cộng đồng dự án này. Sau 6 năm ra mắt, Pi Network giờ đây có thể được giao dịch công khai, thu hút sự chú ý lớn từ giới đầu tư.
Mức giá khởi điểm niêm yết trên sàn giao dịch OKX của cặp giao dịch PI/USDT là 2 USDT (tiền ảo ngang giá đồng USD). Tuy nhiên, khi vừa lên sàn, trái ngược với kỳ vọng tăng giá, Pi bất ngờ bị bán tháo và hiện đang được giao dịch quanh mốc 0,8 USDT.
Ra đời năm 2019, Pi Network bắt đầu gây tiếng vang từ đầu năm 2021 nhờ lời quảng bá có thể "đào" tiền điện tử ngay trên điện thoại thông qua ứng dụng cùng tên.
Tuy nhiên, dự án này luôn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng tiền điện tử. Không ít người nghi ngờ giá trị thực sự của Pi, thậm chí còn cáo buộc đây là mô hình lừa đảo đa cấp, lợi dụng người dùng để thu thập dữ liệu.
Theo thống kê từ Google Trends, lượng tìm kiếm liên quan đến Pi Network đã tăng đột biến trong 2 tuần gần đây, chạm mức cao nhất kể từ khi dự án được công bố. Điều này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng đối với Pi.
Dù đã được niêm yết, Pi Network vẫn gây ra nhiều tranh luận trong giới tiền điện tử. Một số chuyên gia nhận định rằng việc các sàn giao dịch lớn chấp nhận niêm yết Pi Network có thể mang mục đích quảng bá, đồng thời tận dụng cộng đồng hàng chục triệu người của dự án này để thu hút thanh khoản.
Tại Việt Nam, cộng đồng người dùng Pi Network đang nóng lên từng ngày. Trên các hội nhóm lớn như "Pi Network Việt Nam" (384.000 thành viên), "Hội mua bán Pi Network Việt Nam" (243.000 thành viên), "Diễn đàn Pi Network Việt Nam" (128.000 thành viên)... liên tục xuất hiện những cuộc bàn luận về việc xả hay gom Pi.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư OTC (giao dịch phi tập trung) mạnh tay gom đồng Pi với giá 40.000-60.000 đồng, đặt kỳ vọng Pi sẽ bứt phá mạnh khi niêm yết.

Các bài đăng giao dịch đồng Pi trên các hội nhóm có lượng thành viên "khủng" (Ảnh: Chụp màn hình).
Thế nhưng, ngay khi Pi Network lên sàn, thị trường rung lắc mạnh. Một số người chơi kêu gọi mua vào, tận dụng cơ hội khi giá còn thấp. Các bài đăng thu mua đồng Pi xuất hiện dày đặc, thậm chí có cả lời mời chào nạp Pi lên ví với nhiều hứa hẹn.
Trong khi đó, không ít người hụt hẫng và lo "trắng tay" khi thực tế trái ngược với kỳ vọng. Trước đây, họ tin rằng Pi Network có thể giao dịch ở mức 20-50 USDT, nhưng hiện tại giá chỉ còn dưới 1 USDT và tiếp tục lao dốc không phanh.
Nguy cơ "đu đỉnh" và thua lỗ
Đáng chú ý, theo thông báo từ sàn OKX, Pi Network sẽ được niêm yết theo chế độ cô lập (Isolated Listing Mode), đồng nghĩa với việc người dùng tại một số quốc gia sẽ không thể nạp hoặc giao dịch đồng tiền này.
Hình thức niêm yết đặc biệt này thường được áp dụng đối với các loại tiền số có rủi ro về pháp lý, thanh khoản thấp hoặc theo yêu cầu từ phía dự án.
Việc giá Pi tăng đột biến trước đó khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào cú hích khi niêm yết chính thức. Tuy nhiên, giới chuyên gia và những người am hiểu thị trường tiền số lại cảnh báo về nguy cơ "bơm xả".
Cụ thể, mạng blockchain của Pi Network cũng chưa hoàn toàn phi tập trung như nhiều dự án tiền số khác. Mainnet (mạng lưới chính thức của một dự án blockchain) đang hoạt động được Pi Network kiểm soát hoàn toàn.
"Tất cả hoạt động đều do nhóm cốt lõi Pi Network quản lý độc quyền, trái với tuyên bố về sự phi tập trung của nhóm", CoinTelegraph dẫn ý kiến một chuyên gia blockchain. "Dù dự án hứa hẹn phi tập trung, cấu trúc hiện tại của nó làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của Pi Network đối với nguyên tắc này".

Việc các sàn giao dịch niêm yết Pi Network gây ra nhiều phản ứng trái chiều (Ảnh: Thế Anh).
Các chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi giá Pi trên thị trường "chợ đen" leo thang. Điều này có thể kích thích tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), khiến người dùng vội vàng mua Pi Network với mức giá cao, dẫn đến nguy cơ "đu đỉnh" và thua lỗ nặng nề nếu giá trị thực của Pi sau khi niêm yết không đạt kỳ vọng.
Lịch sử thị trường tiền số cũng cho thấy nhiều dự án từng ghi nhận mức tăng giá mạnh khi mở giao dịch nhưng nhanh chóng sụt giảm sau đó. Hamster Kombat, dạng game tap-to-earn (chạm để kiếm tiền), là một ví dụ điển hình khi mất hơn 90% giá trị chỉ vài tháng sau khi niêm yết.
Trên thị trường toàn cầu, trang web của Pi Network ghi nhận 7,5 triệu lượt truy cập chỉ trong tháng 1/2025, với phần lớn đến từ các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, Pi Network bị hủy niêm yết trên hàng loạt sàn giao dịch tiền điện tử. Sàn Bybit mới đây tuyên bố sẽ không niêm yết Pi Network do lo ngại về mô hình kinh doanh đa cấp tại Trung Quốc và rủi ro với nhóm nhà đầu tư lớn tuổi.
Trước đó vào tháng 6/2023, Bộ Công an cho biết đã phối hợp với công an các địa phương để điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi.
Theo đại diện Bộ, các hoạt động liên quan đến đồng Pi tại Việt Nam có dấu hiệu của việc lôi kéo, lấy tiền của người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh dạng nhị phân, đa cấp. Do đó, người dân cần thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường.