Hiểu sao cho đúng về 2 vòng đấu thầu gói 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và tài chính riêng biệt, sau đó mở thầu được tiến hành 2 lần.

Gói thầu 5.10 (Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 của sân bay Long Thành, giai đoạn 1) đang đi tới giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà thầu phù hợp.

Theo thông tin mới nhất, gói thầu trị giá 35.000 tỷ đồng này đã chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Ngày 4/8 tới đây, nhà thầu này sẽ tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính với bên mời thầu - Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Gói thầu 5.10 sân bay Long Thành được đấu thầu rộng rãi quốc tế. Việc nhà thầu thực hiện qua 2 bước đấu thầu (đáp ứng kỹ thuật và mở hồ sơ đề xuất tài chính) đã được quy định tại Điều 31 Luật Đấu thầu 2023: Phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Hiểu sao cho đúng về 2 vòng đấu thầu gói 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành? - 1

Phối cảnh sân bay Long Thành trong tương lai (Ảnh: VGP).

Theo đó, nhà thầu nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Việc mở thầu được tiến hành 2 lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.

Trong giai đoạn 1 (đề xuất về kỹ thuật), nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật không bao gồm giá dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu căn cứ thiết kế cơ sở hoặc thông số kỹ thuật của gói thầu. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 được mời tham dự thầu giai đoạn 2.

Nhà thầu được phép đề xuất phương án thay thế cho nội dung yêu cầu trong hồ sơ mời thầu nhưng phải chào thành phương án riêng cùng với phương án kỹ thuật chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Trong giai đoạn 2 (đề xuất về tài chính), việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy trình.

Nhà thầu trong danh sách đạt yêu cầu giai đoạn 1 được mời làm rõ hồ sơ đề xuất về kỹ thuật. Nội dung làm rõ đề xuất về kỹ thuật bao gồm việc chủ đầu tư, bên mời thầu yêu cầu nhà thầu điều chỉnh đề xuất về kỹ thuật giai đoạn 1. Nhà thầu được đưa ra ý kiến góp ý về nội dung hồ sơ mời thầu.

Trên cơ sở nội dung làm rõ đề xuất về kỹ thuật với từng nhà thầu, hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 được điều chỉnh, bổ sung về chỉ dẫn nhà thầu, tiêu chuẩn đánh giá, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hợp đồng và các nội dung khác để hình thành hồ sơ mời thầu giai đoạn 2, kể cả các sai lệch về kỹ thuật của nhà thầu đã được chấp nhận, đề xuất trong phương án thay thế của nhà thầu đã được chấp nhận.

Nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn 2, trong đó có giá dự thầu và bảo đảm dự thầu.

Hồ sơ đề xuất tài chính được chào tương ứng theo phương án đề xuất kỹ thuật chính của nhà thầu. Trường hợp nhà thầu chào phương án kỹ thuật thay thế thì phải gửi kèm theo phần đề xuất tài chính cho phương án thay thế này.

Như vậy theo quy định của Luật Đấu thầu, nhà thầu trải qua giai đoạn 1 sẽ đến tiếp giai đoạn 2. Tại giai đoạn 2, nhà thầu đạt yêu cầu về giá dự thầu và đảm bảo dự thầu thì sẽ có kết quả.

Tiêu chí đánh giá về kỹ thuật có thể kể đến như mức độ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của vật tư - phần xây dựng; của vật liệu, thiết bị hệ thống như nhà ga, cấp thoát nước, điều hòa không khí, điện; biện pháp tổ chức thi công hay tiến độ bảo hành bảo trì.

Các nhà thầu có giá trị tài sản ròng trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương; doanh thu bình quân 5 năm tài chính gần nhất (không bao gồm thuế VAT) có giá trị tối thiểu 19.800 tỷ đồng... Hay nhà thầu phải có đề xuất biện pháp thi công, đảm bảo tiến độ tối ưu, nếu chậm thi công có thể bị phạt chậm tiến độ và bồi thường thiệt hại.

Ông N.H.L, công tác tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của một tỉnh, cho biết việc đấu thầu qua 2 giai đoạn nộp hồ sơ kỹ thuật và mở hồ sơ tài chính.

Khi nhà thầu vượt qua vòng kỹ thuật sẽ tới vòng tài chính. Ở vòng tài chính, nhà thầu sẽ đưa ra đơn giá chào thầu dựa vào bản vẽ thiết kế thi công. Nếu có nhiều nhà thầu cùng lọt vào vòng 2, thông thường chủ đầu tư sẽ lựa chọn mức giá thấp nhất.

Trong trường hợp chỉ có 1 nhà thầu, chủ đầu tư sẽ chọn phương án giá chào thầu dưới giá gói thầu. Nếu giá chào thầu cao hơn giá gói thầu, nhà thầu bị loại.

Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, nhà thầu sẽ cùng với chủ đầu tư thương thảo về các điều khoản hợp đồng thầu. Nội dung thương thảo thông thường gồm các vấn đề như thời gian thực hiện, tiến độ thanh toán, thời gian bàn giao mặt bằng... Nếu 2 bên không thương thảo với nhau được các điều khoản thì không thể ký hợp đồng, tức sẽ không thể triển khai gói thầu.

Vì vậy, việc thắng thầu chỉ được xác nhận khi kết thúc vòng thương thảo, hai bên ký được hợp đồng.

Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu, là mức ngân sách tối đa mà chủ đầu tư xác định cho gói thầu đó và cũng là cơ sở để xem xét phê duyệt trúng thầu. Giá ký hợp đồng thì không được vượt giá trúng thầu.