1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đợi đấu thầu sân bay Long Thành, Coteccons và Ricons đưa nhau ra tòa

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Ricons kiện Coteccons ra tòa và yêu cầu đối phương mở thủ tục phá sản. Coteccons đã nhận được thông báo của tòa án về vụ việc này.

Ricons tố Coteccons nợ tiền, yêu cầu mở thủ tục phá sản

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons vừa qua có tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2023. Tại cuộc họp này, lãnh đạo công ty có đề cập tới khoản nợ từ cổ đông lớn là tổ chức.

Theo công ty, cổ đông lớn này không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ. "Ban điều hành cũng đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận trên tinh thần tôn trọng các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan", lãnh đạo Ricons cho biết.

Cổ đông lớn tổ chức mà Ricons đề cập là Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD). Theo báo cáo gần nhất, Coteccons nắm giữ 14,3% vốn Ricons. Giá trị vốn góp là hơn 301 tỷ đồng.

Phía Ricons còn tuyên bố: "Khi đối tác không có thiện chí và sự hợp tác, không tôn trọng cam kết dẫn đến khoản công nợ kéo dài thì Ricons buộc lòng phải có các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn để yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình".

"Biện pháp pháp lý mạnh mẽ" mà Ricons đề cập đến hôm nay đã có diễn biến mới.

Theo thông tin vừa được Coteccons công bố, Ricons đã đệ đơn lên tòa án nhân dân TPHCM yêu cầu Coteccons mở thủ tục phá sản. Coteccons đã nhận được thông báo của tòa án về vụ việc này.

Đợi đấu thầu sân bay Long Thành, Coteccons và Ricons đưa nhau ra tòa - 1

Coteccons và Ricons xảy ra tranh chấp trong bối cảnh đặc biệt (Ảnh: CTD).

Vì sao tranh chấp?

Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, Coteccons khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai bên.

Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho. Hệ sinh thái này đều liên quan ông Nguyễn Bá Dương, cựu Chủ tịch Coteccons.

Theo Coteccons, trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại nhiều dự án.

Ví dụ như dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á, Dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.

Tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong. Coteccons chỉ ra như dự án Newtaco, dự án Regina Giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina Giai đoạn 6, Dự án Regina Hưng Yên, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco.

Coteccons cho biết đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.

Bối cảnh "siêu đặc biệt"

Thời điểm này đang là giai đoạn cuối chấm điểm các nhà thầu trong vụ đấu thầu thi công gói thầu 35.000 tỷ đồng tại sân bay Long Thành. Trong đó, Cotecccons đứng đầu Liên danh số 2 - Hoa Lư còn Ricons là một thành viên trong nhóm Liên danh số 3 - Vietur.

Đợi đấu thầu sân bay Long Thành, Coteccons và Ricons đưa nhau ra tòa - 2

Danh sách 3 liên danh tham gia gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành (Nguồn: Tổng hợp).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Coteccons, Coteccons đang có khoản phải trả ngắn hạn cho Ricons gần 323 tỷ đồng. Trước đó, khoản phải trả với Ricons bắt đầu xuất hiện kể từ năm 2019. Số dư ban đầu của khoản vay là gần 600 tỷ đồng và giảm về gần 323 tỷ đồng kể từ năm 2021 đến nay.

Trong khi đó, tại phiên họp thường niên của Ricons năm 2020, ban lãnh đạo công ty xác nhận đã không ký bất cứ hợp đồng nào với Coteccons kể từ cuối năm 2019. Trong báo cáo tài chính năm 2019 của Ricons, khoản phải thu đối với Coteccons được ghi nhận là 687 tỷ đồng. Đến năm 2020, con số này giảm xuống còn 226 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý I, tổng tài sản của Coteccons vào khoảng 20.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỷ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng.