CPH Bình Dân: Ngành y tế “cầm đèn chạy trước ô tô”

(Dân trí) - Chiều 5/6, một lần nữa vấn đề cổ phần hóa (CPH) BV Bình Dân lại được đem ra “mổ xẻ” trước hàng trăm đại biểu của các cơ quan đoàn thể là thành viên của UB MTTQ TPHCM trong cuộc hội thảo giới thiệu phương án thí điểm CPH BV Bình Dân.

Đa số các đại biểu đại diện cho các mặt trận đoàn thể đều cho rằng chủ trương chọn BV Bình Dân làm thí điểm CPH giống như là ngành y tế đang “cầm đèn chạy trước ô tô” vậy. TPHCM có 29 BV công cấp TP, 24 BV công cấp quận, huyện, 25 BV tư nhân và trên 12.000 cơ sở hành nghề y tư nhân. Trong số các BV trên, có rất nhiều BV đã xuống cấp, tiện nghi cũ kỹ, quản lý yếu kém… thế nhưng tại sao không chọn mà lại chọn Bình Dân?

Ngay từ đầu khi đưa vấn đề CPH BV Bình Dân ra để lấy ý kiến xã hội đã không được nhiều sự đồng thuận vì những lợi ích mang lại cho xã hội của nó hầu như rất hạn chế. Ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ tịch UBMTTQ TP cho rằng Bình Dân đã là một danh hiệu có từ hơn nửa thế kỷ và ngay chính cái tên Bình Dân cũng đã cho biết rất rõ đối tượng phục vụ của nó là ai, giá cả ra sao rồi.

Đó là xét về tình, còn về lý thì phương án thí điểm CPH Bình Dân vẫn thấy còn nhiều nỗi lo. Trước mắt là nỗi lo về giá trị quyền sử dụng đất của hơn 20.000 m2 đất, giá trị “y hiệu” đã có từ rất lâu đời của Bình Dân đã không được tính toán, xác định đúng giá trị thực của nó.

Kế đó là nỗi lo vì mục đích sinh lời, tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư mà Bình Dân sẽ đánh mất bản chất của một BV của dân và vì dân. Ông Đằng cho rằng vẫn  thấy tiếc và không tán thành việc chọn Bình Dân để CPH. Ông gợi ý Sở Y tế có thể chọn những BV trung bình hoặc yếu kém hơn để CPH sẽ gặp thuận lợi hơn.

CPH Bình Dân: Ngành y tế “cầm đèn chạy trước ô tô” - 1
  

Buổi hội thảo đã diễn ra gay gắt.

Đáp lại, ông Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Sở Y tế cho rằng, trong những năm qua, kinh phí nhà nước chi thường xuyên cho các BV công chiếm 66%, y tế cơ sở 25%, dự phòng 8% và đào tạo 1%. Nếu bây giờ CPH Bình Dân xong sẽ lấy phần ngân sách của BV này đắp qua cho các lĩnh vực khác như y tế dự phòng, đào tạo cán bộ y tế…

Ông Dũng nói: “Tôi thấy thương cho Bình Dân quá vì nó đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, đội ngũ chuyên gia mạnh nhưng hiện đang sử dụng trang thiết bị y tế lạc hậu, mổ nội soi còn yếu so với BV 115, và nguồn lực hiện đang bị “chảy máu chất xám”sang các BV tư”.

Trong khi đó, ông Phan Văn Nghiệp - Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Y tế - là người tham mưu cho Sở chọn Bình Dân làm thí điểm CPH cho biết, lúc đầu chọn thí điểm các BV như An Bình, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Đa khoa Sài Gòn… nhưng suy xét lại, thấy Bình Dân đang thiếu nhiều tiền để mua sắm trang thiết bị và xây dựng Trung tâm Kỹ thuật cao nên quyết định chọn Bình Dân làm thí điểm.

Theo thông tin của ông Nghiệp, một thực tế là Bình Dân đang cần rất nhiều tiền, ít nhất là 500 tỷ để phát triển chứ không phải 65 tỷ huy động vốn từ các nhà đầu tư như trong đề án. Bởi theo ông, số tiền huy động thêm như trong đề án ấy chưa mua nổi một con chíp để mổ nội soi (khoảng 5 triệu USD) tại bệnh viện.

Chính điều này đã khiến cho người dân hết sức lo lắng, liệu đề án có khả thi hay không, hoặc liệu một phần tài sản nhà nước có rơi vào tay các nhà đầu cơ hay không và vì sao chưa có đề án CPH mà các nhà đầu tư lại đổ sô đi mua bán “lúa non”…

Trong khi đó, một thông tin mà ông Nguyễn Thiềng Đức - Phó viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM mới đưa  ra trong chiều 5/6, là riêng đối với BV Bình Dân, đề án quy định các nhà đầu tư không được bán “lúa non” trong vòng từ 3 đến 5 năm.

Chưa tin tưởng vào đề án, TS. Phạm Minh Trí - Chủ tịch  Hội khoa học kinh tế quản lý TPHCM cho rằng, ngành y tế còn lẫn lộn giữa CPH và chủ trương xã hội hóa (XHH)  trong y tế. Ông cho rằng, việc lợi dụng chủ trương XHH để thu hút vốn nhằm cung cấp dịch vụ cho những bệnh nhân đủ khá năng chi trả (người giàu) là Bình Dân đã từ bỏ nhiệm vụ xã hội của mình.

Còn theo giáo sư Trần Đình Bút - Nguyên viện trưởng Viện hành chính quốc gia TPHCM, thì không thể chấp nhận việc chuyển từ chức năng phục vụ sang việc kinh doanh sức khỏe của nhân nhân vì khi BV trở thành doanh nghiệp thì chỉ phục vụ cho những người có tiền.

Ngoài ra, cách tính toán giá trị của đề án còn nhiều vướng mắc, chẳng hạn đề án bỏ ra ngoài phần tài sản đất đai 20.000 m2 đất mặt tiền tại quận 3 của BV có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Theo tính toán của GS Bút, chỉ với yếu tố đó, khi một nhà đầu tư bỏ ra 1 đồng vốn sẽ thu về 23 đồng lãi, thì quả thực đây là một doanh nghiệp kinh doanh siêu lợi nhuận.

Ông đề nghị ngành y tế nên xem lại cách suy nghĩ chuyển BV công thành công ty cổ phần để kinh doanh sức khỏe người bệnh mà có thể chọn mô hình khác phù hợp hơn. Chẳng hạn như xây mới một BV tư phi lợi nhuận mang y hiệu của Bình Dân ?

Nhựt Lê

Dòng sự kiện: CPH Bệnh Viện Bình Dân