1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"TPHCM quyết tâm CPH bệnh viện Bình Dân"

(Dân trí) - Đó là phát biểu khá thẳng thắn của ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM sáng nay 18/5, tại <a href="http://www11.dantri.com.vn/kinhdoanh/2007/5/179463.vip"> hội thảo Quốc gia về thí điểm cổ phần hóa</a> (CPH) bệnh viện công.

Theo ông Dũng, hiện cả nước chỉ có 1 đề án duy nhất của bệnh viện Bình Dân đã gửi cho Chính phủ để xin ý kiến về vấn đề này. Mục tiêu của việc thí điểm CPH BV Bình Dân là phù hợp với cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường (KTTT) khi VN gia nhập WTO; xã hội hoá để tất cả nguời dân được tiếp cận với dịch vụ y tế cao cấp; ngành y tế hiện đang cần vốn lớn để tái đầu tư…

Trả lời cho việc tại sao ngành y tế TP quyết tâm xin thí điểm CPH bệnh viện Bình Dân, ông Dũng cho rằng do đặc thù của TPHCM là phải trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước, có trình độ KHCN tiến tiến so với khu vực và quốc tế. Vì thế, việc chọn Bình Dân để thí điểm CPH là phù hợp.

Sau khi CPH, Bình Dân sẽ giữ lại toàn bộ cán bộ nhân viên và chuyển sang ký hợp đồng lao động bảo lưu trong thời hạn 2 năm.

 

Chính sách mua cổ phần theo giá ưu đãi của Bình Dân là theo nghị định 187/CP; 100 CP đấu giá bình quân/năm/người; 100 CP giá giảm 20% đấu giá bình quân/năm. Cơ cấu vốn của BV Bình Dân bao gồm 150 tỷ đồng, trong đó nhà nước giữ 60%; CBNV 12,22%; cổ đông chiến lược 7,78% và cổ đông bên ngoài 20%.

“TPHCM không phải là giàu có để muốn đầu tư vào đâu cũng được. Hiện TP có 29 bệnh viện công với 13.000 giường bệnh. Bình quân số tiền 1 năm TP bỏ ra là 40 triệu/giường… thí điểm CPH để thu hút vốn đầu tư của xã hội vào các bệnh viện là một bức xúc của ngành y tế TP” - ông Dũng bày tỏ.

Ông Dũng còn cho biết thêm về thực trạng của bệnh viện Bình Dân nói là chuyên khoa số 1 về niệu nhưng Bình Dân vẫn chưa có ca ghép thận nào trong khi đó, bệnh viện nhân dân 115 chỉ là bệnh viện đa khoa thì đã thực hiện được hơn 10 ca.

Ngoài ra, nguồn nhân lực tại bệnh viện Bình Dân khá mạnh (nhiều GS, TS đầu ngành) thế nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị còn yếu kém. Đã nhiều lần bệnh viện kêu gọi các nhà đầu tư đến hợp tác nhưng đều bị họ lắc đầu từ chối: “Việc CPH Bình Dân là một việc làm cấp bách, cần thực hiện nhanh chóng nếu không sẽ tụt hậu”.

Về việc xác định giá trị bệnh viện, ông Dũng cho biết sẽ không tính giá đất vào tổng giá trị tài sản mà sẽ tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền. Vì nhà nước giữ chi phối nên sẽ không có chuyện bán bệnh viện mà là bệnh viện huy động góp vốn đầu tư, cũng như việc Bình Dân sẽ không bán CP ưu đãi cho bất cứ ai nằm ngoài quy định của đề án.

Bên cạnh đó, Bình Dân sẽ có Quỹ chính sách xã hội dành cho người nghèo được lập từ cổ tức nhà nước nhằm bảo đảm cho người nghèo vẫn được hưởng các chính sách chăm sóc y tế.

Liên quan tới việc CPH bệnh viện Bình Dân, UBND TPHCM cũng đã có chỉ đạo về việc lấy ý kiến xã hội để thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân. Theo đó, việc chọn Bình Dân để thí điểm cổ phần hóa đã được lãnh đạo TP cân nhắc, xem xét thận trọng.

 

Vì đây là vấn đề mới khá nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau nên TPHCM giao Sở Y tế và bệnh viện Bình Dân phổ biến cho toàn thể cán bộ, công chức trong ngành hiểu rõ mục đích nhân đạo của việc thí điểm CPH.

 

Bên cạnh đó, Sở Y tế được giao phối hợp với Viện Kinh tế TP chuẩn bị kỹ dự thảo đề án Cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân gởi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM xem như là ý kiến phản biện xã hội, để có cơ sở xem xét, góp phần hoàn thiện Đề án trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Nhựt Lê

Dòng sự kiện: CPH Bệnh Viện Bình Dân