Nhà đầu tư “lúa non” hoảng loạn vì Bình Dân!

(Dân trí) - Sáng 22/6, hàng trăm nhà đầu tư “lỡ mua” cổ phần của BV Bình Dân đã kéo đến tụ tập tại BV này trong tâm trạng hết sức hoang mang, hoảng loạn trước thông tin <a href="http://www.dantri.com.vn/kinhdoanh/2007/6/184353.vip"> ngưng thí điểm CPH BV Bình Dân</a> vừa được UBND TPHCM thông báo.

Đúng như dự đoán của chúng tôi, BGĐ bệnh viện Bình Dân hầu như lẩn tránh các nhà đầu tư, và từ chối trả lời nào với báo chí. Nhiều nhà đầu tư tức giận trong tâm trạng lo âu vì mất tiền.

Có mặt tại bệnh viện từ 8h sáng, nhóm sinh viên trường ĐH Kinh tế cứ nằng nặc đòi gặp BS Nguyễn Chí Hùng - giám đốc Bình Dân nhưng họ đã bị bảo vệ chặn lại ngay từ đầu cầu thang, vì BS Hùng... “đi công tác”.

Theo nhóm sinh viên này kể thì hồi đầu tháng 3, nhóm họ gồm 4 người dồn lại được 70 triệu đồng và quyết định mua 1.000 cổ phần của BV Bình Dân của một người tên Duy rao bán trên mạng. Hợp đồng mua bán chỉ là một tờ giấy viết tay.

Cho đến đầu tháng 6 này, khi mọi thông tin gây cấn đều tập trung vào việc phản đối đề án thí điểm CPH BV Bình Dân. Lúc này, do cổ phiếu Bình Dân không còn an toàn nữa thì họ rao bán nhưng thực sự không còn ai quan tâm nữa.

Qua quan sát tình hình, không khí làm việc ngày hôm nay của đội ngũ y bác sĩ BV Bình Dân chùn hẳn lại. Theo một bác sĩ ở chuyên khoa Thận thì tâm trạng của CBNV từ khi nghe tin không được CPH Bình Dân thì họ vừa mừng vừa lo.

Theo vị BS này, mừng là vì họ đã lỡ bán cho người khác quyền mua cổ phần của mình để lấy tiền đi rồi. Còn lo là vì trước tình cảnh éo le, nhiều người không biết xử trí như thế nào. Như trường hợp của chị Vân, nữ hộ lý của bệnh viện hồi tháng 4 chị đã bán đi 1.300 cổ phần của mình cho một người bạn thân để lấy 91 triệu đồng xây nhà. Cho đến hôm qua thì chị thật sự bối rối khi người bạn đó gọi điện hỏi thăm về tình hình CPH ở bệnh viện này.

Câu trả lời mà nhiều bác sĩ đã bán trong trường hợp này là thương lượng với những người đã lỡ mua. Tuy nhiên, theo các bác sĩ ở đây, nếu bên bán không chịu thông cảm thì bên mua cũng khó có thể kiện được. Vì rất ít cơ sở pháp lý để ràng buộc 2 bên khi rủi ro xảy đến.

Bác sĩ H ở khoa Niệu cho biết, theo quy định của cơ quan thì những CBNV được ưu đãi quyền mua cổ phần bắt buộc phải giữ lại cho đến từ 3 - 5 năm mới được phép chuyển nhượng. Thế nhưng tại BV Bình Dân, sau khi nhận được quyền mua cổ phần bệnh viện, ít nhất trên 70% CBNV của bệnh viện đã bán quyền mua ra bên ngoài.

Điều này, trái với quy định nêu trong đề án và để lại cho nhà đầu tư bên ngoài một hậu quả khôn lường. Trong trường hợp này, theo bác sĩ H. thì người bán đã bán rồi, còn người mua cũng đã mua rồi. Hơn nữa, thời điểm mua bán cũng đã xảy ra rất lâu và không có sự can thiệp từ phía Ban giám đốc. Vì thế, ở thời điểm nhạy cảm này mà BGĐ có biết cũng không giúp gì được.

Điêu đứng và thiệt hại nhất vẫn là những nhà đầu tư mua cổ phần thông qua 2, 3 tầng trung gian, chẳng hạn như nhóm sinh viên nêu trên. Bởi, từ khi thông tin thí điểm cổ phần hóa BV Bình Dân được công bố, giá quyền mua cổ phần ưu đãi (một năm công tác thực tế được mua 100 cổ phần) đã tăng từ 30.000 đồng lên đến 120.000 - 150.000 đồng/cổ phần.

Còn nhớ, trước đây trong một lần phát biểu với báo giới, BS Nguyễn Chí Hùng đã nhấn mạnh rằng, Ban giám đốc BV sẽ không giải quyết những khiếu nại nào liên quan đến việc chuyển nhượng, mua bán cổ phần diễn ra khi chưa có đề án chính thức. Việc này cũng lý giải vì sao trong những ngày qua vị giám đốc BV Bình Dân, và kể cả vị giám đốc Sở Y tế luôn tìm cách né tránh dư luận.

An Hòa

Dòng sự kiện: CPH Bệnh Viện Bình Dân