1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khối trí thức kịch liệt phản đối CPH BV Bình Dân

(Dân trí) - Sáng nay 7/6, tại cuộc hội thảo bàn về chủ trương CPH bệnh viện, trường học trên địa bàn TPHCM, khối trí thức thành phố thuộc CLB truyền thống kháng chiến TPHCM (CLB TTKC) đã lên tiếng kịch liệt phản đối chủ trương CPH bệnh viện Bình Dân.

Ông Lê Văn Oanh, Chủ nhiệm khối trí thức thuộc CLB TTKC tỏ rõ quan điểm không đồng tình với việc CPH Bình Dân. Bởi, nếu cứ CPH BV công hàng loạt theo phong trào như hiện nay thì nhà nước sẽ không còn công cụ để bảo vệ cho sức khoẻ cho người dân.

Ông Oanh cho biết sẽ sớm gửi bản kiến nghị về vấn đề này lên Thủ tướng Chính phủ để bày tỏ quan điểm của khối trí thức TP về chủ trương này. Theo bản kiến nghị, việc CPH BV Bình Dân chỉ thay đổi sở hữu vốn, biến thầy thuốc thành nhà kinh doanh sức khoẻ và khi đó viện phí sẽ tăng lên theo yêu cầu chạy theo lợi nhuận.

Một nguồn tin của UB MTTQ TPHCM cho biết, hiện Bình Dân đã ký hợp đồng chuyển nhượng hàng triệu cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược và cũng đã cấp hàng triệu cổ phần cho người lao động bán tràn lan trên thị trường tự do nên phóng lao giờ phải theo lao…

 

Theo ông Phạm Văn Hải - Đại biểu HĐND, Phó chủ tịch UBMTTQ TPHCM thì thực trạng đề án thí điểm CPH Bình Dân chưa được thông qua nhưng đã có nhà đầu tư đến năn nỉ ông tham gia mua cổ phần ở BV Bình Dân. Trong khi đó, ông Hải là đại biểu HĐND nhưng chưa hề nghe họp bàn gì về chủ trương CPH BV Bình Dân.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Thôn - Nguyên giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cho rằng CPH BV Bình Dân sẽ không làm cho tình trạng quá tải của Bình Dân giảm bớt mà thậm chí ngược lại còn làm cho tình trạng quá tải càng nghiêm trọng hơn. Vì CPH là phương thức thương mại hoá, buôn bán sức khoẻ con người. Cho nên khi CPH, BV phải tăng giá để tự lấy thu bù chi và phải có lãi. Số BV tư hay BV cổ phần chỉ giải quyết khoảng 30% người có tiền, 70% còn lại sẽ chen chúc nhau trong các BV công còn lại. Khi đó BV công quá tải lại tăng thêm nữa.

Ông Thôn kiến nghị, ngành y tế nên quy hoạch lại hệ thống BV, bỏ bớt một số BV thiếu điều kiện phát triển trong quy hoạch BV công để bán cho những nhà đầu tư có tâm và có tiềm lực tài chính để làm BV tư phi lợi nhuận. Tuyệt đối không được chọn những BV công tốt, nhân dân đang cần như Bình Dân để CPH. “Chúng ta phải lấy quan điểm phục vụ nhân dân làm chính, chống lại việc lợi dụng chủ trương chính sách XHH để trục lợi kinh tế đối với một số người”, ông Thôn kết luận.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Dược sĩ Trương Văn Lâm, thì ngành y tế có thể thực hiện CPH nhưng hiện nay thì chưa chín muồi vì các chế độ BHYT, BHXH toàn dân chưa phát huy tác dụng. Khi BHXH, BHYT phát triển mạnh, sẽ liên kết với các BV để chi trả cho nhân dân thì khi đó ngành y tế mới thực hiện CPH các BV theo quy hoạch.

Ông Lâm khẳng định, nếu nói như ông Dũng – Giám đốc Sở Y tế, khi CPH Nhà nước sẽ chiếm đa số cổ phần nhưng không có biện pháp nào bảo đảm Nhà nước sẽ quản lý nổi BV “hậu” CPH. Bởi khi đó, nhà nước mất quyền quyết định mà thay vào đó là HĐQT của công ty quyết định.

Theo gợi ý của ông Nguyễn Văn Hoan, một cán bộ hưu trí quận 11, thì ngành y tế nên xây mới BV Bình Dân 2. Sau đó, rút 50% nhân sự sang BV mới để CPH, những người còn lại sẽ tăng lương lên gấp đôi. Bình Dân 2 sẽ được Nhà nước hỗ trợ đất đai và kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư có tâm và mạnh về tài chính để xây dựng thành một trung tâm kỹ thuật cao nhằm kinh doanh theo phương thức “lời ăn lỗ chịu”. Tuyệt đối không nên CPH một BV đã có sẵn một cơ ngơi độ sộ, đáng giá hàng ngàn tỷ đồng như Bình Dân.

Một lần nữa, tâm sự với giới trí thức thành phố, ông Lê Hiếu Đằng - Phó chủ tịch UBMTTQ TPHCM kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, ông cho rằng việc lấy Bình Dân làm thí điểm CPH khi chưa có sự đồng thuận của xã hội là không công khai, minh bạch và vi phạm nghiêm trọng quy chế dân chủ.

Nhựt Lê

Dòng sự kiện: CPH Bệnh Viện Bình Dân