Bệnh viện TPHCM đua nhau xin cổ phần hoá
(Dân trí) - Sáng nay 1/6, Sở y tế TPHCM tiếp tục tổ chức buổi hội thảo về thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động của ngành y tế TPHCM. Với hơn 50 đại diện tham dự, tại hội thảo, rất nhiều giám đốc các bệnh viện trên địa bàn bày tỏ mong muốn được cổ phần hóa (CPH).
BS Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Sở y tế cho biết từ nay đến 2020 ngành y tế thành phố sẽ chuyển đổi hoạt động theo 2 mô hình chính. Đó là: Chuyển đổi theo mô hình hoạt động 100% vốn chủ sở hữu Nhà nước và chuyển đổi theo mô hình hoạt động phối hợp công tư.
Theo đó, ngành y tế sẽ tiến hành ra soát, đánh giá và xem xét đề nghị của đơn vị để phân loại và giao quyền tự chủ. Trước mắt, Sở y tế sẽ thực hiện chuyển đổi các đơn vị trực thuộc Sở, bao gồm: Đơn vị tự chủ toàn phần như BV Phụ sản Từ Dũ, BV Mắt, Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế; 30 đơn vị tự chủ 1 phần và các đơn vị ngân sách đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động như BV phong Bến Sắn, BV Nhân Ái, Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khoẻ TPHCM.
Sau 3 năm thực hiện, Sở y tế sẽ xem xét, đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị nếu có kết quả tài chính tích cực sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên - phi lợi nhuận hoặc theo mô hình công ty cổ phần bệnh viện.
Bên cạnh mô hình BV nhà nước, TPHCM sẽ hoạt động song song một mô hình BV cổ phần hoá. Theo ông Dũng, việc CPH BV sẽ tạo được một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa 2 hệ thống BV cùng một lúc.
Một lần nữa, ông Dũng khẳng định lại việc sẽ tiếp tục lập đề án thí điểm thực hiện CPH BV Bình Dân tiến đến thành lập Công ty Cổ phần BV Bình Dân để có cơ sở đánh giá chính xác điểm mạnh, yếu của mô hình: “TPHCM đặt quyết tâm trong năm nay sẽ hoàn thành chuyển đổi mô hình CPH Bình Dân và đăng ký kinh doanh đi vào hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp”
Tại hội thảo, giám đốc các BV Hùng Vương, BV Mắt, BV Nhân dân Gia Định, BV ĐH Y Dược… cũng kiến nghị cần nhanh chóng cho phép các BV này được chuyển đổi hình thức sang CPH.
BS Vũ Thị Nhung - Giám đốc BV phụ sản Hùng Vương cho rằng BV này hiện đang cần gấp 300 tỷ đồng để xây BV mới. Lý do là BV cũ hiện quá tải trầm trọng trong khi đó nhu cầu khám chữa bệnh trong dân quá lớn. Ngoài ra, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, tiền lương chưa tương xứng và các chế độ ưu đãi khác chưa phù hợp cũng là một điểm yếu trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay.
Cũng như BV Bình Dân, hiện các BV Hùng Vương, BV Mắt, BV ĐH Y Dược, BV Nhân dân Gia Định… cũng đang gấp rút xây dựng đề án CPH bệnh viện theo mô hình Công ty Cổ phần bệnh viện để thu hút vốn đầu tư từ xã hội.
Tuy nhiên, trước những thông tin không chính thức về các hoạt động mua bán cổ phần các BV Hùng Vương, Bình Dân, ĐH Y Dược… trên thị trường OTC trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Thiềng Đức - Phó viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, người trực tiếp được giao xây dựng đề án CPH cho các BV trên, cho rằng những thông tin trên sàn OTC mang tính chất lừa đảo, nhà đầu tư nên tỉnh táo,coi chừng tiền mất tận mang.
“Bản thân tôi là người trực tiếp tư vấn, xây dựng đề án cho các BV mà chưa biết giá trị thực của BV là mấy “chấm” nữa thì làm sao trên thị trường lại có cổ phiếu mà bán ?” - ông Đức cho hay, đồng thời khẳng định rằng “BV Bình Dân chưa hề có “lúa non” (ý chỉ các nhân viên trong BV sẽ bán hết cổ phần ưu đãi trước khi lên sàn) để bán”.
Nhựt Lê