Có "vội vàng" khi bổ sung siêu dự án thép Hoa Sen Cà Ná vào quy hoạch?
(Dân trí) - Xung quanh vấn đề bổ sung dự án thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận vào quy hoạch, một chuyên gia trong lĩnh vực luyện kim cho rằng, quyết định này khá "vội vã" bởi trong thời gian tới khi Formosa đi vào hoạt động sẽ dẫn tới dư thừa công suất.
Theo quyết định số 3516/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 25/8/2016, Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến năm 2025.
Trong khi đó, quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 mới ban hành ngày 22/8 lại không có tên dự án được triển khai ở Ninh Thuận trong danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu.
Cụ thể, trong quy hoạch của Bộ Công Thương, đối với nhóm các dự án ngành luyện kim (sản xuất thép) thì các nhà máy phôi thép, luyện thép sẽ tập trung ở Nghi Sơn – Thanh Hóa; nhà máy sắt xốp và luyện gang tập trung ở Nghệ An; liên hợp luyện kim tập trung ở Nhơn Hội – Bình Định. Riêng đối với nhà máy luyện cán thép vốn là lĩnh vực mà dự án Hoa Sen – Cà Ná sẽ đầu tư, quy hoạch chỉ rõ là sẽ phát triển ở Đà Nẵng mà không hề có tên Ninh Thuận trong danh mục này.
Xung quanh vấn đề bổ sung dự án thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận vào quy hoạch, một chuyên gia trong lĩnh vực luyện kim cho rằng, quyết định này khá "vội vã".
Theo vị này, hiện Việt Nam chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng nhưng khi Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động, hoàn thiện dự kiến sẽ có sản lượng thép hơn 20 triệu tấn. Bộ Công Thương mới đây cũng đã bổ sung dự án thép Nghi Sơn – Thanh Hoá vào quy hoạch với công suất 7 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư lên đến 4,3 tỷ USD, thời gian thực hiện từ 2015 đến năm 2017.
“Như vậy, tính đến năm 2030 Việt Nam có khoảng 50 triệu tấn thép mỗi năm trong khi theo tính toán, nhu cầu thép của Việt Nam đến năm 2030 cũng chưa tới mức 40 triệu tấn/năm”, vị chuyên gia đưa ra tính toán.
Chia sẻ trước đó, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng dẫn số liệu cho biết, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 tỷ USD thép cao cấp trong khi dự án của Formosa đi vào hướng thép cuốn và thép cao cấp nên cần tính toán nếu Formosa đã đáp ứng một phần thì "dại gì có một dự án khác nhập nguyên liệu rồi xuất khẩu sản phẩm như dự án Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận".
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ: "Tôi rất lo ngại về đề xuất của Tập đoàn Hoa Sen và tôi cũng bất ngờ khi Bộ Công Thương lại đưa vào quy hoạch dự án này. Bởi lẽ, vấn đề quy hoạch sẽ không còn ý nghĩa khi cứ có bất kỳ dự án nào doanh nghiệp muốn làm thì lại đưa vào quy hoạch".
"Tôi cho rằng quy hoạch một dự án cần phải có tính toán cẩn thận, thật cẩn trọng và kỹ lưỡng. Chứ Nhà nước cứ chạy theo các doanh nghiệp thế này thì quy hoạch để làm gì. Còn về phía Tập đoàn Hoa Sen, tôi mong tập đoàn này xem xét kỹ lưỡng, vì ở đó không chỉ là lợi ích của tập đoàn mà là chung lợi ích nền kinh tế và cuộc sống của người dân", bà nói.
Bà Lan cho rằng: "Cơ quan quản lý nên cẩn trọng và phải có trách nhiệm với đất nước. Việc đưa vào quy hoạch như thế nào với dự án có nguy cơ môi trường cao như thế này thì cũng là trách nhiệm của Chính phủ và bộ ngành khác như: Bộ Tài nguyên và Môi trường... chứ không thể có kiểu là bộ quản lý ngành chỉ biết ngành của mình. Tôi cho rằng, trách nhiệm về môi trường từ dự án phải đến từ cả nhà đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen và người mà đứng lên chấp thuận quy hoạch dự án, Chính phủ cấp Thủ tướng, Phó thủ tướng cũng phải xem xét và cẩn trọng trong việc quyết định".
Về vấn đề quy hoạch, đại diện từ phía Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định: "Các quy hoạch liên quan tới tài nguyên khoáng sản, đất đai mới là quy hoạch cứng. Còn các quy hoạch mang tính chất sản phẩm như sản xuất bao nhiêu cái ô tô, bao nhiêu tấn thép thì là quy hoạch mở, chỉ mang tính chất định hướng, việc bổ sung hay điều chỉnh thì linh động và nhiều khi phải theo thị trường".
Trước ý kiến cho rằng Bộ Công Thương hơi vội vàng khi phê duyệt quy hoạch ngành với dự án thép Hoa Sen Cà Ná, ông Hoài khẳng định không hề có chuyện như vậy.
"Không vội vàng đâu. Về cơ cấu và định hướng công nghiệp hoá thì vẫn cần một nhà máy thép quy mô. Bên Bộ Công Thương cũng đã có dự kiến điều chỉnh quy hoạch ngành thép từ đầu năm do có những bất cập từ trước", ông Hoài nói.
Phương Dung