Bộ trưởng Công Thương: "Bất hợp lý nếu không tính phát triển thép"
(Dân trí) - Chiều nay (30/12), trao đổi với giới báo chí về dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: "Với dự án này, Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo không xảy ra bất kì hệ luỵ nào bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa".
Liên quan tới dự án thép Hoa Sen - Cà Ná đang gây nhiều dư luận trái chiều, tại buổi họp báo chiều nay (30/12), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói: "Về dự án này, nhiều ý kiến cho rằng có biểu hiện lợi ích nhóm, hơn thế nữa là hi sinh lợi ích xã hội về môi trường, bền vững để đánh đổi cho một dự án. Chúng tôi có nhiều lần khẳng định trên các cơ sở dữ liệu, không phải để tự bảo vệ mình mà dự án này phù hợp với thực tiễn, phù hợp yêu cầu phát triển".
Bộ trưởng khẳng định, quy hoạch ngành thép nói chung cũng như chủ trương phát triển dự án thép Cà Ná được xem xét đầy đủ, khách quan và toàn diện.
"Một đất nước gần 100 triệu dân, đang trong giai đoạn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu sản phẩm thép và nguyên liệu sản xuất thép, gây ra nhập siêu, mất cân đối nghiêm trọng trong khi đó lại có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thép từ tài nguyên tới giao thông, hạ tầng, có điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ đảm bảo môi trường, nguồn lực về nhân lực để phát triển. Tôi cho rằng sẽ bất hợp lý nếu không tính tới phát triển thép", Bộ trưởng nói.
"Chúng tôi khẳng định không phải lợi ích nhóm hay bảo thủ bất chấp môi trường để phát triển dự án mà đó là quan điểm phát triển. Tuy nhiên, Bộ Công Thương luôn tiếp cận cởi mở, cầu thị, có trách nhiệm với tất cả những luồng dư luận về dự án này và quy hoạch này", ông nói thêm.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian qua nói về quy hoạch thép của quốc gia, trong đó dự kiến một số địa điểm, khu vực được quy hoạch trở thành trung tâm thép nhưng chưa nói tới các chi tiết cụ thể như công nghệ gì, lò cao hay lò điện, quy mô lớn hay nhỏ, công nghệ từ đâu. Quy hoạch là bước đầu tiên định hướng cho doanh nghiệp và là quy hoạch mở, luôn có điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển cũng như công nghệ.
Đối với dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự án này đã được bổ sung vào quy hoạch để thay thế 1 dự án cũ đã bị loại đi và mới chỉ dừng ở điều chỉnh quy hoạch, chưa xem xét chủ trương đầu tư.
"Một dự án từ khi xem xét, đến khi được hình thành, thẩm định, phê duyệt và đầu tư phải qua một bước rất dài và phải được sự phê duyệt của nhiều cơ quan chức năng. Phải có nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, đánh giá tác động môi trường, và hàng loạt bước khác mới được thực hiện, xem xét", ông nhấn mạnh.
Mới đây, trao đổi về dự án này, có ý kiến chuyên gia bình luận "đây là dự án thép oan nghiệt", tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng "còn phải phụ thuộc vào việc thực hiện sau này".
"Tôi cho rằng với bất kì dự án nào thì yếu tố doanh nghiệp hướng tới là hiệu quả, nhưng với cơ quan quản lý Nhà nước thì phải đảm bảo các yếu tố về quản lý, yếu tố tổng hoà lợi ích chung của xã hội và nền kinh tế. Nếu không có Cà Ná thì sẽ có thép ở Dung Quất và nếu không có dự án công nghiệp nào thì đất nước không phát triển được. Nếu chúng ta sợ những hệ luỵ đang mường tượng gắn với sự thiếu trách nhiệm trong quản lý thì cũng không thể làm gì được", Bộ trưởng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành công thương cũng một lần nữa nhấn mạnh: "Một đất nước có thể phát triển bằng hạt muối của Cà Ná và hạt thóc của Tây Nam Bộ không? Không có nền công nghiệp có phát triển được không? Và chúng ta có đang đánh mất đi lợi thế từ nguồn tài nguyên, cơ hội cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Nếu chúng ta sợ thì không làm được gì!".
Bộ trưởng cũng khẳng định rằng: "Nếu để xảy ra hệ luỵ xấu thì kể cả xem xét từ chức cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm với những thiệt hại gây ra với nhân dân, đất nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là Bộ trưởng và Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo không xảy ra bất kì hệ luỵ nào bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa".
Phương Dung