Quy hoạch Vùng vừa phê duyệt: Không có dự án thép nào ở Ninh Thuận

(Dân trí) - Tại Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vừa được phê duyệt hôm 22/8, Ninh Thuận không có tên trong danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Về các mục tiêu cụ thể, Quy hoạch xác định: Tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng trong GDP toàn Vùng năm 2020 chiếm khoảng 40 - 41%; năm 2025 chiếm khoảng 41 - 42% và năm 2035 chiếm khoảng 36 - 37%; Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 16 - 17%/năm giai đoạn 2016 - 2020; 17 - 18% giai đoạn 2021 - 2025 và 15 - 16% giai đoạn 2025 -2035;

Về phân bố không gian phát triển, trong lĩnh vực công nghiệp, Quy hoạch xây dựng phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển và theo các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Kèm theo Quy hoạch là Danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, đáng lưu ý, trong danh mục các dự án ngành luyện kim sẽ chỉ tập trung vào các vùng Nghi Sơn - Thanh Hoá; Nghệ An, Nhơn Hội - Bình Định và Đà Nẵng.

Như vậy, tổ hợp dự án thép Cà Ná 16 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư 230.000 tỷ đồng (tương đường 10,6 tỷ USD) được triển khai ở Ninh Thuận không có tên trong Quy hoạch Danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu trong giai đoạn.

Lý giải về điều này, một lãnh đạo thuộc Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho rằng, việc đầu tư xây dựng các nhà máy thép sẽ phụ thuộc chủ yếu vào quy hoạch phát triển ngành. Theo quyết định số 3516/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 25/8/2016, Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sở dĩ quy hoạch vùng vừa được phê duyệt hôm 22/8 nhưng không có Ninh Thuận nằm trong vùng phát triển nhà máy thép có thể còn do quy hoạch được trình ký trước thời điểm có dự án thép Cà Ná.

Đáng lưu ý, dù vừa được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020 đến 2025 nhưng theo chỉ đạo tại Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch này, trong thời gian tới sẽ phải xây dựng lại kế hoạch triển khai Quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại cung cầu thép ở Việt Nam trên cơ sở đánh giá cung cầu thép thế giới, khu vực để điều chỉnh và đề xuất các giải pháp Quy hoạch tổng thể cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035;

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương rà soát Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng và các cơ quan liên quan đề xuất cơ chế chính sách để phát triển ngành công nghiệp thép nói chung; đồng thời lựa chọn các công nghệ, chủng loại sản phẩm cần ưu tiên phát triển để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường ở các nhà máy thép. Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Tốc độ tăng trưởng sản lượng thép của các năm 2014-2015 đạt 19,8%-21,8%. Năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ nhiều thép nhất trong các nước Đông Nam Á. Hệ thống sản xuất và phân phối đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng cả nước (khoảng 6 triệu tấn thép xây dựng trong tổng cầu khoảng 20 triệu tấn thép). Một số doanh nghiệp trong nước đã vươn lên trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư chiều sâu và đầu tư mới một số cơ sở sản xuất phôi thép, nhờ đó tăng năng lực sản xuất phôi thép cả nước, tạo ra cơ sở quan trọng để ngành thép Việt Nam phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành thép còn nhiều hạn chế cần tập trung giải quyết như chất lượng quy hoạch chưa cao, các dự án còn manh mún, chưa có tính hệ thống, chưa gắn với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Công tác xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch chưa được triển khai quyết liệt, chưa cân đối được các nguồn lực để thực hiện dẫn đến việc thực hiện theo quy hoạch không hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.

Phương Dung