TS Lê Đăng Doanh: Làm nhà máy thép Hoa Sen - Cà Ná phải hi sinh quá nhiều!

(Dân trí) - "Tôi thấy đây là dự án phải hi sinh quá nhiều mà không biết có mang lại hiệu quả gì không. Hiện nay chưa rõ tổng chi phí, trong đó chi phí về nước, về cảng, về đào tạo cũng rất lớn. Điều chúng tôi cũng cần biết là công ty nào làm, công nghệ đó có đảm bảo không và công nghệ nào thì tốt hơn”, TS Lê Đăng Doanh bình luận.

TS Lê Đăng Doanh: Làm nhà máy thép Hoa Sen - Cà Ná phải hi sinh quá nhiều! - 1

Liên quan tới dự án thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen, nguồn tin Dân trí cho biết, chiều qua (27/12), nhiều chuyên gia kinh tế và nhà khoa học có chuyên môn trong lĩnh vực công nghiệp đã tham dự Hội thảo hẹp (không có báo chí) của Liên Hiệp Khoa học - Kỹ thuật (VUSTA).

Hội nghị do Chủ tịch VUSTA, Giáo sư Đặng Vũ Minh chủ trì, ba Phó Chủ tịch VUSTA cùng dự, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Ninh Thuận cũng bay ra để dự và có báo cáo.

Trao đổi với Dân trí về buổi hội thảo này, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho biết, dự án còn thiếu những thông số quan trọng nhất để có thể xem xét đi đến quyết định cuối cùng. Hiện tại vẫn không rõ nguồn vốn vay ở đâu, lãi suất bao nhiêu, quặng, than nhập từ đâu, năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng, thời gian giao hàng so với thép Trung Quốc có trụ được không, công nghệ của công ty nào...

Ngoài ra, toàn bộ chi phí nước, điện, cảng, đường không được tính vào tổng vốn đầu tư của chủ đầu tư mà Nhà nước đứng ra làm. Một vấn đề cũng được chuyên gia nhắc tới là chi phí đào tạo lao động cũng chưa được tính đến trong đề án.

"Bản báo cáo hiện nay chưa rõ tổng chi phí, trong đó chi phí về nước, về cảng, về đào tạo cũng rất lớn. Ai chịu chi phí đó? Như Ninh Thuận phải đầu tư xây nhà máy nước nhưng nước ra không đủ cho nhà máy thép thì nông nghiệp, người dân sống ở đâu? Tại sao lại phải bỏ tiền ra nuôi một nhà máy thép như thế? Điều chúng tôi cũng cần biết là công ty nào làm, công nghệ đó có đảm bảo không và công nghệ nào thì tốt hơn", ông Doanh phát biểu.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh: "Chúng ta không thể nói đất nước cần thép thì phải xây nhà máy thép mà là trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá như hiện nay có bán được không. Giờ chưa có cái nhà máy đó mà thép Trung Quốc đã ùn ùn vào rồi, vậy thì tới đây khi Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực có hiệu lực thì thế nào, lúc đó có cạnh tranh nổi với một nước thừa hàng đống thép và xi măng như Trung Quốc không".

"Tôi thấy đây là dự án phải hi sinh quá nhiều mà không biết có mang lại hiệu quả gì không. Thêm nữa, một nền kinh tế không thể phụ thuộc vào 1 sản phẩm duy nhất như Ninh Thuận phụ thuộc vào 1 nhà máy thép này thì khi nó sập ông lấy gì mà sống? Tôi lấy ví dụ như thế này, sản phẩm làm ra nếu không cạnh tranh được sẽ phá sản, ví dụ như hiện tượng giải công nghiệp hóa (de-industrialization) ở Mỹ - một nước công nghiệp hoá cao như vậy nhưng công nghiệp may, gia dày, đồ gỗ đã phá sản, hàng triệu người bị thất nghiệp do không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu", ông nói.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó có bổ sung dự án thép Hoa Sen - Cà Ná trên vào quy hoạch. Bộ Công Thương nhận định, đến năm 2020, thép xây dựng vẫn thiếu. Nếu tính cả Formosa bán 50% ở Việt Nam thì vẫn thiếu 9 triệu tấn thép cán nóng và 6 triệu tấn thép xây dựng, nhân ra là 8 tỷ USD.

Bình luận về câu chuyện phát triển ngành thép, trao đổi bên lề một hội thảo diễn ra hồi đầu tháng 12 này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Vấn đề phát triển, quy hoạch ngành thép, cho phép hay không cho phép dự án thép ra đời hay tiếp tục được triển khai không phải thừa hay thiếu mà là trong bối cảnh hội nhập, tham gia phân công lao động, anh là người đi sau nên cần chọn những gì làm tốt nhất có lợi nhất và không ô nhiễm môi trường".

Theo ông Mại, thế giới bắt đầu giảm sắt thép. Như tại Trung Quốc cắt giảm 25% và từ năm 2002 đến nay đã giảm dần các dự án có sản lượng dưới 2 triệu tấn…

“Mình muốn đưa thép vào, chưa nói đến bao nhiêu, không thoát khỏi công nghệ Trung Quốc. Tại sao mình đi vào cái mà người ta đang khổ sở, muốn cắt giảm? Tôi dứt khoát phản đối việc tiếp tục cấp phép các dự án sản xuất thép có quy mô lớn. Đáng lẽ không có Formosa Hà Tĩnh thì tốt nhưng lỡ rồi, bây giờ cần dừng việc cấp phép mới các dự án thép vì công nghệ lò cao, không có cách gì khác xả thải ra môi trường", ông Mại nói.

Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: "Làm thép dứt khoát là phải làm, còn chuyện hiện nay thép thế giới không nói thừa hay thiếu mà phải nói khả năng cạnh tranh. Hiện nay thép Trung Quốc cạnh tranh được với thép của Anh hay Mỹ do giá nhân công thấp trong khi đó giá nhân công của Việt Nam còn thấp hơn Trung Quốc".

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, sản xuất công nghiệp cũng như trồng cây, muốn có cây to phải chấp nhận bẻ cây nhỏ để cây to lớn. Cho nên, quy hoạch thép gần như loại hết nhà máy nhỏ.

“Những nhà máy công suất 500 nghìn tấn chỉ còn một vài ông, là do đang đầu tư dở dang, đang gặp khó khăn. Dự án mới không cái nào dưới 500 nghìn hết. Các dự án thép nhỏ là cắt hết, tối thiểu phải 500 nghìn tấn. Ở Việt Nam chỉ cần có 3-4 DN thép lớn thôi. Giai đoạn trước địa phương làm không kĩ, dự án 200 nghìn tấn cũng được cấp phép thì không tồn tại được”, ông Hoài cho hay.

Theo Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim, so với nhu cầu tiêu thụ, cung thép xây dựng đang vượt cầu nên khả năng cạnh tranh mặt hàng này thấp. Đáng lưu ý, thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo... là những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, nên tập trung sản xuất vì thị trường tiêu thụ lớn và khả năng cạnh tranh cao.

Phương Dung