"Nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa"

(Dân trí) - GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước”.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tập đoàn Hoa Sen vừa chính thức nhận giấy phép đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná đặt tại tỉnh Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 10 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn một năm, lớn nhất cả nước. Dự án đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025, và sẽ được tập đoàn Hoa Sen triển khai theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ.

Trước Hoa Sen, một "ông lớn" trong ngành thép là Tập đoàn Hoà Phát cũng chia sẻ ý định xây tiếp một nhà máy thép để mở rộng công suất. Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho hay, dù sau vụ việc xảy ra tại Formosa, các địa phương cũng “dè chừng” hơn với các dự án nhà máy thép nên Hòa Phát có thể sẽ tính tới việc mua lại một dự án đã được cấp phép đầu tư thay vì xin đầu tư mới.

Về việc cấp phép đầu tư các dự án thép, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước”.

Theo ông Mại, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, do đó, Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép. Ông cũng cho rằng, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7 với giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

“Tất nhiên không phải bỏ toàn bộ, những ngành công nghiệp cơ bản chúng ta vẫn phải làm nhưng làm ở mức nào đó. Đây là câu chuyện lớn nhất còn nếu làm thép như dự án này rõ ràng phải nhập toàn bộ quặng sắt, than cốc, toàn bộ vật liệu khác… có nghĩa là nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thép”, ông Mại lưu ý thêm.

Theo ông Mại, Việt Nam không nên đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác, như tại Trung Quốc hiện đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ và 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế, môi trường.

Thêm vào đó, nếu làm nhà máy thép không còn cách nào khác là phải sử dụng công nghệ lò cao và phải mua công nghệ này từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, khi dự án của Formosa đi vào hướng thép cuốn và thép cao cấp nên cần tính toán nếu Formosa đã đáp ứng một phần nhu cầu thì dại gì có một dự án khác nhập nguyên liệu rồi xuất khẩu sản phẩm như dự án Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Về việc cấp phép đầu tư các dự án thép, trao đổi với báo chí mới đây, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải) cho rằng, việc cho phép đầu tư phải thận trọng, cảnh giác và có kiểm soát nghiêm ngặt về môi trường.

Ông Dũng cho biết: “Công nghệ thế giới đã xử lý và kiểm soát được chất thải của luyện thép, đảm bảo giới hạn an toàn trước khi thải ra môi trường. Nhưng nói tuyệt đối trong lành là không có, vấn đề là kiểm soát và vận hành nhà máy thế nào”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho rằng, trong thời gian qua, phát triển kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn cho nên nhiều khi các địa phương trải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư vô điều kiện, việc xét duyệt không được kỹ càng, dẫn đến kết quả không được tốt như hiện nay.

Theo ông Sưa, nguyên nhân thì có nhiều. Về mặt các cơ quan quản lý Nhà nước phải quản lý theo quy hoạch, cho nên việc bám sát quy hoạch để xây dựng các dự án vừa rồi khi phân cấp cho các địa phương cũng có những vấn đề. Thứ hai, trình độ thẩm định dự án của các địa phương nhiều khi không đủ năng lực nên đã bỏ qua một số yêu cầu bắt buộc của các dự án đầu tư đó, nhất là vấn đề về năng lực công nghệ và năng lực tài chính.

"Để giảm thiểu những tình trạng đáng tiếc này, phải bám sát quy hoạch, quản lý theo quy hoạch và nâng cao năng lực thẩm định của các cơ quan ở trung ương cũng như địa phương", ông Sưa nói.

Phương Dung