"Bộ trưởng có dám từ chức không?": Câu trả lời chính là quyết tâm hành động
(Dân trí) - "Bộ trưởng không trả lời tôi hôm nay mà có thể trả lời lúc khác. Kể cả không trả lời thì tôi tin câu hỏi của tôi có giá trị đặc biệt với Bộ trưởng để ông có quyết tâm trong công việc của mình. Đó chính là câu trả lời với tôi", ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ sau khi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc "liệu có dám từ chức".
"Chủ tịch Tôn Hoa Sen hứa trước Thủ tướng là nếu có sai phạm thì giao toàn bộ tài sản cho Thủ tướng. Tôi cũng đánh giá cao lời hứa này, hôm nay muốn hỏi Bộ trưởng một câu. Tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, với đất nước, với Tổ quốc này, nhưng nếu được phép, tôi hỏi Bộ trưởng là nếu sau này có hệ lụy, Bộ trưởng hôm nay có dám thực hiện cam kết lạc quan trước Quốc hội để xin hứa rằng sẽ từ chức trước Quốc hội không?"
Đây là câu chất vấn gây chú ý của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về dự án thép Cà Ná trong phiên làm việc ngày 15/11.
Tuy nhiên, do thời lượng trả lời không cho phép, do đó, câu hỏi của đại biểu Nhưỡng đã không được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu tại hội trường.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều nay, ông Nhưỡng cho rằng, nếu còn thời gian thì ông tin rằng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ trả lời câu hỏi của ông, nhưng quy định của phiên chất vấn đã hết thời gian. Vị đại biểu tin rằng, Bộ trưởng sẽ quan tâm đến câu hỏi này và sẽ trả lời bằng văn bản.
Thưa ông, có nhiều cử tri cho rằng, ông đã đưa ra một câu hỏi "sốc"?
-Tôi nghĩ là không sốc bởi vì Bộ trưởng là con người có bản lĩnh, khi trả lời đã thể hiện điều đó. Ở đây, tôi đặt ra vấn đề này là hết sức bình thường và tôi cho rằng, Bộ trưởng sẽ đón nhận rất bình thường. Câu hỏi của tôi cũng dễ trả lời.
Trước đây cũng có một số đại biểu đặt ra câu hỏi tương tự như ông hỏi với một số thành viên Chính phủ nhưng câu trả lời lại không đáp ứng được kỳ vọng?
- Tôi nghĩ mỗi một Bộ trưởng có một phong thái, cách xử lý riêng. Có thể các Bộ trưởng khác không trả lời được hoặc không trả lời, né tránh nhưng tôi không nghĩ Bộ trưởng Tuấn Anh né tránh. Tôi nghĩ, tôi sẽ nhận được câu trả lời của Bộ trưởng, chắc chắn là bằng văn bản.
Bộ trưởng cần phải giải quyết vấn đề mang tính kinh tế, xã hội trước khi đi vào vấn đề mang tính nhân thân. Khi trả lời, Bộ trưởng đã ưu tiên giải quyết các vấn đề mang tính chính sách, còn câu hỏi của tôi hơi có chút cá nhân khi đặt vào bản thân của Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ trưởng trước Quốc hội, đại biểu. Tôi chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời còn không tôi sẽ gặp Bộ trưởng để hỏi.
Ông kỳ vọng gì vào nội dung trả lời bằng văn bản?
- Tôi kỳ vọng nhất là ở sự chân thành, sự quyết tâm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bởi khi ông trả lời trước Quốc hội vừa rồi đã nói bằng tâm huyết của mình chứ không phải bằng sự né tránh, đùn đẩy.
Bộ trưởng đã nói rất thẳng về công việc và dù mới bắt tay vào công việc nhưng đã hứa trước Quốc hội, cử tri cả nước là sẽ chỉ đạo, nghiên cứu, rà soát, đánh giá... Như thế là tốt quá, và đó là công việc chính của Bộ trưởng chứ không phải là người trực tiếp đi làm. Người chính khách phải nắm được công việc, quyết tâm làm.
Tôi cũng muốn nói là lời hứa trước quốc dân đồng bào, nhất là với Bộ trưởng là chính khách lớn không phải là chơi mà đó là sự nghiêm túc của người có đầy đủ quyết tâm, sinh khí, hiểu biết và có kế hoạch của riêng minh mới dám trả lời chân thành như vậy.
Bộ trưởng không trả lời tôi hôm nay mà có thể trả lời lúc khác. Kể cả không trả lời thì tôi tin câu hỏi của tôi có giá trị đặc biệt với Bộ trưởng để ông có quyết tâm trong công việc của mình. Đó chính là câu trả lời với tôi.
Tôi còn 5 năm trong nhiệm kỳ này, bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể hỏi lại.
Nếu Bộ trưởng không làm được, dự án gây hậu quả nghiêm trọng, bản thân tôi không chỉ yêu cầu Bộ trưởng từ chức mà còn yêu cầu các cơ quan pháp luật vào cuộc xử lý. Tôi là tiến sĩ luật học, nên hiểu các vấn đề về pháp lý.
Không thể đánh giá những vấn đề trên bề mặt, với các vấn đề chính trị vẫn có độ vị tha nhất định, khoảng lắng nhất định để giải quyết vấn đề tốt hơn. Pháp luật mềm mại và không gì cao hơn vị tha của pháp luật.
Dù câu hỏi của ông không được trả lời nhưng quan sát việc trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đối với các vấn đề khác, ông có nhận xét như thế nào?
- Tôi đánh giá cao trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bởi ông nắm vấn đề khá chắc, dù không đến mức chi tiết như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhưng các vấn đề ở tầm vĩ mô thì Bộ trưởng giải quyết được.
Ở đây, đòi hỏi đối với một Bộ trưởng là đánh giá, quan sát, quan điểm ở tầm vĩ mô và giải quyết được một số vấn đề cụ thể. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mới nắm nhiệm kỳ được 7 tháng song tôi đánh giá rất cao.
Ông đánh giá thế nào về sự nhập cuộc của các đại biểu mới?
- Tôi tham gia Quốc hội khoá đầu, nhưng đã trải qua nhiều lĩnh vực, nên hiểu được cần thiết làm gì cho người dân, chứ chúng tôi không làm gì nổi tiếng cho bản thân.
Tôi đánh giá cao sự nhập cuộc của các đại biểu mới, rất hăng hái. Có những người biết, muốn tìm hiểu quan điểm của người khác, nhưng cũng có nhiều đại biểu né tránh, không muốn đề cập. Không thể trách cứ ai được, đó là quan điểm riêng mỗi người. Chỉ nhân dân đánh giá đại biểu được bầu ra có hoàn thành vai trò của mình hay không. Tôi quan niệm mình giống con chim chọn hạt thôi, hôm nay nhặt một hạt, mai nhặt một hạt.
Xin cảm ơn ông!
Mặc dù phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã kéo dài thêm khoảng 30 phút phiên chiều song tại thời điểm kết thúc vẫn còn gần 20 đại biểu đăng ký đầu giờ chiều và 9 đại biểu phiên sáng đặt cầu hỏi từ phiên sáng chưa được trả lời.
Như vậy, một loạt những vấn đề "nóng" vẫn đang được Bộ trưởng Bộ Công Thương "nợ" ĐBQH do thời gian hạn hẹp. Những vấn đề này sẽ được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu: Tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ là người nhà, người thân, người không đủ phẩm chất, năng lực khi bị phanh phui thì đều được trả lời là làm đúng quy trình. Nay xả lũ gây thiệt hại cho dân, đầu tư thất thoát cũng nói làm đúng quy trình.
"Tôi cho rằng quy trình không có lỗi, ở đây chúng ta có những cán bộ vô cảm, cán bộ lợi dụng, tha hóa và 'cha chung không ai khóc' đã làm cho quy trình bị tha hóa", ông Cầu nhận định và đặt câu hỏi cho người đứng đầu ngành Công Thương: "Sắp tới Bộ trưởng có mạnh tay xử lý những cán bộ làm tha hóa các quy trình này không và nếu xử lý thì lúc nào xử lý xong?"
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Nghệ An cũng băn khoăn, là một bộ nắm giữ rất nhiều tập đoàn, tổng công ty và tài sản lớn của nhà nước, nhưng để xảy ra tình trạng thất thoát, thua lỗ như 5 dự án vừa qua, vậy với tư cách tư lệnh ngành, Bộ trưởng có giải pháp gì vừa căn cơ, vừa táo bạo để bảo tồn vốn và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp, thực hiện được mục tiêu và yêu cầu kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo?
Ngoài ra, trong phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt cầu hỏi, ngoài 5 dự án thua lỗ lên đến nhiều nghìn tỷ đồng mà Bộ Công Thương vừa báo cáo Quốc hội thì hiện nay trên thực tế còn bao nhiêu dự án có mức đầu tư lớn mà có nguy cơ thất bại như 5 dự án trên. Liệu đến kỳ họp Quốc hội sau, Quốc hội và cử tri cả nước lại phải có thêm một bản danh sách khác mà đọc đến làm tất cả chúng ta đau đớn và xót xa.
Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, nếu phải báo cáo thêm các dự án có nguy cơ thất bại thì cũng rất chua xót như đại biểu Hiếu. Tuy nhiên, việc có bao nhiêu dự án tiềm ẩn thua lỗ và ở mức độ ra sao thì xin Quốc hội thời gian để tiếp tuc thực hiện và chắc chắn Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội trong kỳ sau.
Bích Diệp