Đại biểu Quốc hội: Có hay không lợi ích nhóm tại dự án thép Cà Ná?

(Dân trí) - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị “trả lời thẳng, trả lời thật” với cử tri cả nước rằng: “Có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung dự án vào quy hoạch?” và “có hay không việc Bộ đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án? Đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư?”.

Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sáng nay (15/11), đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) nói: Vừa qua sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty Hưng nghiệp Formosa gây ra là một bài học xương máu. Trong khi trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan vẫn chưa được làm rõ một cách quyết liệt thì Bộ Công Thương tiếp tục bổ sung vào quy hoạch dự án Thép Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư tại Ninh Thuận.

Bà Hiền tỏ ra băn khoăn vì dự án này vốn không nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt và nhận được nhiều phản đối của dư luận, sự lo lắng của người dân và có cả sự phản biện, cảnh báo mạnh mẽ của các chuyên gia kinh tế môi trường về nguy cơ ô nhiễm môi trường biển không chỉ riêng vùng biển Ninh Thuận mà vùng biển khu vực lân cận, trong đó có Khánh Hòa, Phú Yên.

Vị đại biểu đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “trả lời thẳng, trả lời thật” với cử tri cả nước rằng “có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung dự án vào quy hoạch?” và “có hay không việc Bộ đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án? Đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư?”.

Bà Hiền cũng nhắc lại tuyên bố của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trước đó rằng: “Bất chấp việc đánh đổi hay hủy hoại môi trường là một tội ác”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định không có lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch ngành thép
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định không có lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch ngành thép

Đáp lại mối băn khoăn và sự chất vấn đầy quyết liệt của ĐBQH tỉnh Phú Yên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đưa ra câu trả lời rất thắng thắn: “Ở đây, tôi dám khẳng định một cách công khai trên diễn đàn này rằng, chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá. Và cũng không có chuyện, những dự án đưa ra đây để đánh đổi về mặt môi trường”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành công thương tuyên bố: “Tôi cũng khẳng định trước Quốc hội là không có lợi ích nhóm. Tại sao lại là lợi ích nhóm ở đây nếu như chúng ta đang hướng tới phát triển một cách hài hòa và bền vững của các ngành kinh tế để đảm bảo nguyên liệu cho những ngành quan trọng khác của đất nước trên cơ sở khai thác một cách hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia? Chúng ta đang hướng tới phát triển những tập đoàn công nghiệp lớn của quốc gia để có điều kiện tốt để khai thác nếu như đáp ứng được những yêu cầu của phát triển, những yêu cầu bảo vệ môi trường. Tại sao chúng ta lại phải hạn chế điều đó?”.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, trong quá trình xây dựng quy hoạch về ngành thép đã có từ năm 2011 và dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) cũng đã được phê duyệt từ năm 2011. Quy hoạch này đã được thực hiện theo đúng các quy trình thủ tục trong đó có sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và có báo cáo ĐMC về tác động môi trường chiến lược.

Năm 2008, 2009, dự án thép này không thực hiện được vì năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề hậu khủng hoảng tài chính thì dự án này đã bị đưa ra khỏi quy hoạch. Tuy nhiên, vào cuối năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu và Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã làm việc với tỉnh Ninh Thuận để chính thức đưa vào quy hoạch, đồng thời, đề nghị xin chủ trương đầu tư để thực hiện dự án với những cam kết bảo vệ môi trường thông qua công nghệ và các nội dung đầu tư.

Bộ Công Thương căn cứ trên yêu cầu của thực tiễn trong phát triển công nghiệp thép cũng như quy hoạch đã tổ chức thực hiện khảo sát, làm việc với tỉnh Ninh Thuận, đánh giá về thực trạng, khảo sát địa điểm, xem xét năng lực của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý rằng, “đây mới chỉ là những điều chỉnh về quy hoạch, chứ không phải là dự án đầu tư đã được phê duyệt”.

“Chúng ta nói về môi trường, nói về địa điểm của Cà Ná và thậm chí có ý kiến nói “có đánh đổi muối của Cà Ná để lấy thép hay không?”. Chúng tôi cho rằng, đây không phải là sự đánh đổi, đây là quan điểm phát triển bền vững, phát triển hài hòa của nền kinh tế, khai thác những lợi thế của đất nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu.

Vì vậy, dự án thép Cà Ná đã được xem xét một cách cẩn trọng và đầy đủ theo các quy trình và sau đó cũng đã được báo cáo, phê duyệt tại Quy hoạch ngành thép mới đây nhất. Tuy nhiên, để đảm bảo cho dự án được xây dựng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các bộ, ngành phối hợp, làm rõ với chủ đầu tư, với địa phương về tất cả các chi tiết, nội dung liên quan đến báo cáo tiền khả thi cũng như báo cáo của dự án.

Có nghĩa rằng, tất cả những chi tiết liên quan đến công nghệ, thiết bị, liên quan đến phương án xử lý chất thải, cũng như phương án bảo vệ mội trường, hiệu suất của dự án … sẽ được xem xét, thẩm định và phê duyệt. Lúc đó, dự án mới có hiệu lực về mặt pháp lý.

“Chính vì vậy, chúng tôi khẳng định, các công tác liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật với sự tham gia của các bộ, ngành”, ông Tuấn Anh nói.

Đồng thời cho biết, trong quá trình thực hiện xây dựng các dự án không chỉ thép Cà Ná mà còn có cả dự án thép Dung Quất mà mới đây Tập đoàn Hòa Phát xin tham dự sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cũng như các dự án thép khác trong quy hoạch ngành thép sẽ được thực hiện theo đúng quy định, quy trình pháp luật, đặc biệt trên nguyên tắc bảo vệ môi trường, đáp ứng được những môi trường cao nhất trong bảo vệ môi trường, rút kinh nghiệm từ dự án thép Formosa.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay Việt Nam có trữ lượng quặng sắt vào khoảng 1,5 tỷ tấn thế nhưng hàng năm Việt Nam lại đang phải nhập khẩu tới 3 tỷ USD từ nước ngoài sắt thép để phục vụ cho nhu cầu phát triển xây dựng và phát triển của đất nước. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam có thể phải nhập khẩu đến 15 tỷ USD các sản phẩm của sắt thép.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước mới chỉ đáp ứng được một số chủng loại về sắt thép xây dựng, còn về các sản phẩm sắt thép cơ bản, đặc biệt là thép thô phục vụ cho cán thép, luyện thép cũng như các ngành cho ra sản phẩm sắt các loại để phục vụ cho các ngành nghề kinh tế khác thì hầu như chưa có. Ngoại trừ các doanh nghiệp như Hòa Phát, Tổng công ty Thép (VnSteel) cũng đã có một số dự án nhưng quy mô còn nhỏ.

Mỏ sắt Thạch Khê có quy mô rất lớn và có khả năng khai thác tốt quặng sắt đề đưa vào luyện lò cao để phục vụ nhu cầu sản xuất thép thô phục vụ cho cán thép và các ngành sản xuất thép khác thì khả năng có thể đóng góp vào mức tăng trưởng hàng năm khoảng 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm GDP.

Bộ trưởng nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra là bên cạnh sự ổn định về kim ngạch xuất nhập khẩu thì cũng phải đảm bảo được sự phát triển của những ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế tạo, trong đó bao gồm cả ngành công nghiệp quốc phòng.

Chính vì vậy, chủ trương quan điểm của Chính phủ là phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp phải ưu tiên khai thác tài nguyên để đảm bảo sự phát triển của các ngành công nghiệp cơ bản, tạo nền tảng cho các ngành kinh tế công nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Sau phần trả lời mạch lạc của lãnh đạo Bộ Công Thương, đánh giá cao tuyên bố của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tôn Hoa Sen khi khẳng định trước Thủ tướng là nếu có xảy ra vi phạm thì sẽ “giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã đề xuất Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra cam kết trước Quốc hội gắn liền với trách nhiệm cá nhân trong trường hợp nếu dự án này xảy ra hệ lụy.

“Nếu như sau này dự án này có để xảy ra hệ luỵ, Bộ trưởng có hứa trước Quốc hội là sẽ từ chức hay không?”, vị đại biểu đặt vấn đề.

Câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng sẽ được Bộ trưởng Bộ Công Thương giải đáp trong phiên chiều.

Bích Diệp