Nổi bật tuần qua: Khoảnh khắc voi nổi điên, giẫm đạp người trong lễ hội
(Dân trí) - Đoạn video ghi lại khoảnh khắc một con voi bất ngờ nổi điên, tấn công và giẫm đạp một người đàn ông tham dự lễ hội tại Sri Lanka, là một trong những hình ảnh nổi bật về thế giới động vật tuần qua.

Khoảnh khắc voi bất ngờ nổi điên, tấn công người trong lễ hội
Sự việc kinh hoàng đã xảy ra tại một lễ hội ở thành phố Galle, Sri Lanka, khi con voi đang tham gia đoàn diễu hành đã bất ngờ tấn công dữ dội một người đàn ông đang đi trước mặt.
Khoảnh khắc voi bất ngờ nổi điên, tấn công người trong lễ hội (Video: Newsflare).
Con voi đã húc ngã, sau đó lao đến giẫm vào người đàn ông này.
Sau khi tấn công người đàn ông, con voi đã bỏ chạy khỏi lễ hội. Phản ứng bất ngờ của voi khiến một người ngồi trên lưng con vật bị ngã xuống đất.
Nguyên do của sự việc được cho là vì âm thanh lớn của lễ hội khiến voi bị giật mình và trở nên kích động.
Dù bị voi tấn công dữ dội, nạn nhân vẫn sống sót đầy may mắn. Người này được mang đến bệnh viện với các vết thương không ảnh hưởng đến tính mạng.
Cách gấu Bắc cực di chuyển qua tảng băng mỏng
Để di chuyển qua những đoạn băng mỏng trên mặt biển, gấu Bắc Cực phải sử dụng cách thức di chuyển đặc biệt. Thay vì bước đi như cách bình thường, con gấu Bắc Cực này nằm hẳn xuống, sau đó sử dụng 2 chân trước để kéo cơ thể trườn qua mặt băng.
Cách gấu Bắc cực di chuyển qua tảng băng mỏng (Video: Instagram).
Khi đứng, trọng lượng của gấu Bắc Cực sẽ dồn toàn bộ xuống chân và tập trung vào một điểm, nhưng khi nằm xuống bề mặt phẳng, trọng lực được phân bổ trên một bề mặt lớn hơn, với diện tích bằng kích thước của gấu Bắc Cực, do vậy sẽ giúp cho lớp băng mỏng không bị vỡ.
Cá lồng đèn lần đầu tiên được nhìn thấy ở vùng biển nông
Một con cá lồng đèn đã bất ngờ được phát hiện ở vùng nước nông, ngoài khơi bờ biển Playa San Juan, Tây Ban Nha. Các nhà khoa học cho biết đây là lần đầu tiên một con cá lồng đèn được nhìn thấy vào ban ngày, ở khu vực nước nông như vậy.
Cá lồng đèn lần đầu tiên được nhìn thấy ở vùng biển nông (Video: X).
Cá lồng đèn, còn có tên gọi cá vây chân lưng gù hay cá quỷ đen biển sâu, có tên khoa học Melanocetus johnsonii. Đây là loài cá có vẻ ngoài kỳ dị, với miệng rộng hoác và hàm răng sắc nhọn, răng mọc tua tủa.
Loài cá này sống ở độ sâu lên đến 2.000m. Chúng ăn các loài cá nhỏ sống ở tầng nước sâu, động vật giáp xác, cua nhỏ và mực. Loài cá này có thể nuốt chửng những con mồi có kích thước gần bằng cơ thể chúng nhờ vào cấu tạo đặc biệt của dạ dày, cho phép co giãn rất tốt.
Rắn hung hăng liên tục mổ người khi bị đe dọa
Con rắn trong đoạn clip không hài lòng và cảm thấy bị đe dọa khi có người tiếp cận nó quá gần. Do vậy, con vật đã ngóc cao đầu và liên tục tung ra cú mổ nhằm vào phía người đang quay video.
Rắn hung hăng liên tục mổ người khi bị đe dọa (Video: ViralPress).
Con rắn trong đoạn video là một cá thể rắn hổ ngựa, còn có tên gọi là rắn sọc dưa, rắn rồng. Đây là một loài rắn trong họ rắn nước, được phân bố kéo dài từ Ấn Độ, Bangladesh sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam.
Loài rắn này có bản tính hung hăng, luôn sẵn sàng tấn công phủ đầu con người khi cảm thấy bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng lại không có nọc độc và không có khả năng gây nguy hiểm cho con người.
Rắn sọc dưa là loài rắn bắt chuột giỏi và có ích cho nông nghiệp.
Người dân kinh hãi phát hiện báo hoa mai nằm trong nhà mình
Một người đàn ông sống tại ngôi làng ở ngoại ô thành phố Kota, Ấn Độ, khi trở về nhà sau một đêm làm việc ở nhà máy đã kinh hãi khi phát hiện một con báo hoa mai cỡ lớn đang nằm trong nhà mình.
Người dân kinh hãi phát hiện báo hoa mai nằm trong nhà mình (Video: TOI).
Người này đã lập tức khóa cửa nhà và gọi điện cho lực lượng kiểm lâm để nhờ giúp đỡ.
Video do các nhân chứng ghi lại cho thấy con báo sau khi bị nhốt đã đi lảng vảng trong nhà, từ phòng khách đến nhà bếp. Dân làng tò mò đã tập trung rất đông để xem con báo cho đến khi lực lượng kiểm lâm có mặt tại hiện trường.
Do con báo đã bị thương ở chân trước đó và tình trạng sức khỏe yếu nên các nhân viên kiểm lâm có thể tiếp cận con vật khá dễ dàng. Con báo sau đó được tiêm thuốc gây mê để đưa ra khỏi nhà dân.
Con báo được lực lượng kiểm lâm chăm sóc, chữa lành vết thương ở chân trước khi trả nó trở lại rừng, nơi cách xa khu dân cư.
Theo truyền thông địa phương, con báo này đã từng tấn công và làm bị thương 4 nông dân khi họ đang làm việc trên cánh đồng. Một con bò của người dân cũng đã bị con báo tấn công và ăn thịt.
Gấu ngựa vào làng trong đêm, cắn chết lợn nuôi của người dân
Con gấu ngựa cỡ lớn đã đột nhập vào một ngôi làng ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, lúc nửa đêm. Con vật sau đó chui vào một trang trại nuôi lợn của người dân địa phương, cắn chết 4 con lợn trước khi rời đi vì bị người dân xua đuổi.
Con gấu ngựa rời đi mà không gây thương vong cho dân làng, dù vậy, nhiều người vẫn cảm thấy bất an khi con vật xuất hiện trong làng.
Nhiều chuyên gia cho rằng con gấu đã đột nhập vào làng để tìm kiếm thức ăn và cắn chết những con lợn khi tranh giành thức ăn của lợn.
Gấu ngựa vào làng trong đêm, cắn chết lợn nuôi của người dân (Video: Weibo).
Gấu ngựa, còn được gọi là gấu đen châu Á, là một loài gấu có kích thước trung bình, móng vuốt sắc, màu lông đen với hình chữ "V" đặc trưng màu trắng trên ngực. Gấu ngựa là loài sống đơn độc và sinh hoạt về đêm, thường sống ở các khu rừng rậm, núi cao và rừng ôn đới.
Gấu ngựa là loài ăn tạp, chúng ăn cả thực vật, bao gồm quả mọng, hạt, trái cây, cũng như các loài côn trùng, mật ong…
Đây là loài gấu hung dữ và thường xuyên tấn công nếu chạm mặt con người.
Mèo mẹ thể hiện sự lo lắng khi cùng con đi trên gờ tường hẹp
Mèo mẹ dẫn con đi trên gờ tường hẹp và liên tục nhìn lui phía sau để kiểm tra xem con mình có an toàn và bám theo được hay không. Đoạn video cho thấy sự lo lắng của mèo mẹ đối với đứa con bé nhỏ của mình.
Mèo mẹ thể hiện sự lo lắng khi cùng con đi trên gờ tường hẹp (Video: X).
Góc nhìn ấn tượng của đại bàng khi bay lên cao
Nhờ sải cánh rộng và khả năng tận dụng lực nâng của gió, đại bàng có thể bay lên độ cao đến hơn 8.000 mét. Tuy nhiên, đại bàng thường ít khi bay lên độ cao tối đa mà thường bay ở mức vừa phải để săn mồi và tiết kiệm năng lượng.
Góc nhìn ấn tượng của đại bàng khi bay lên cao (Video: Reddit).
Đoạn video được camera hành động gắn trên lưng đại bàng đã cho thấy cảnh tượng hùng vĩ khi những "vị chúa tể bầu trời" cất cánh lên cao.
Khoảnh khắc chim công bay trên trời giống Phượng Hoàng
Một trong những lý do khiến nhiều người không thấy chim công bay trên bầu trời là vì loài chim này rất ít khi bay.
Chim công thường di chuyển bằng cách đi bộ, với quãng đường mỗi ngày có thể đi được từ 3 đến 4km. Chim công không cần bay để săn mồi mà kiếm thức ăn từ bên dưới mặt đất hoặc trong những bụi cỏ.
Công là loài động vật ăn tạp và không kén ăn, chủ yếu ăn thực vật, cánh hoa, hạt cây, côn trùng, các loài chân đốt, đôi khi ăn cả bò sát lẫn động vật lưỡng cư…
Khoảnh khắc chim công bay trên trời giống Phượng Hoàng (Video: Instagram).
Chim công chỉ bay khi cần băng qua các chướng ngại vật như sông, hồ, bay lên cây cao để trú ngụ vào ban đêm hoặc bay để lẩn trốn khi gặp tình huống nguy hiểm.
Chiếc đuôi dài của chim công không làm ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng bay của chúng. Chim công có thể bay lên độ cao 8m và quãng đường tối đa khoảng 1,6km. Khi bay, chim công phải vỗ cánh mạnh để giữ thăng bằng và có thể đạt tốc độ bay tối đa 16km/h.
Cả chim công trống và mái đều có thể bay được, với cách thức bay giống nhau. Tuy nhiên, nhờ vào chiếc đuôi dài đặc trưng, khi chim công đực bay trên bầu trời tạo nên một hình ảnh đẹp mắt, khiến nhiều người liên tưởng đến loài chim phượng hoàng trong truyền thuyết.
Đàn báo săn bị lợn rừng dạy một bài học vì chiếm lĩnh vũng nước quá lâu
Đàn báo săn cùng nhau chiếm lĩnh vũng nước để uống khiến mẹ con lợn rừng phải đứng chờ. Tức giận vì phải chờ đợi quá lâu, lợn rừng mẹ đã bất ngờ lao đến dùng nanh để tấn công và xua đuổi đàn báo săn.
Báo săn có lợi thế về tốc độ, nhưng sức mạnh của chúng khó có thể hạ gục lợn rừng trưởng thành.
Đàn báo săn bị lợn rừng dạy một bài học vì chiếm lĩnh vũng nước quá lâu (Video: RoaringEarth).
Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá trên thảo nguyên châu Phi, đặc biệt vào mùa hè. Các loài động vật hoang dã thường xuyên phải chiến đấu với nhau để giành giật những vũng nước nhỏ.
Trong khi đó, các loài động vật ăn cỏ không có khả năng tranh giành nguồn nước đã phải thực hiện những cuộc di cư để tìm đến những khu vực có nguồn nước dồi dào hơn. Tuy nhiên, không ít con vật đã phải bỏ mạng trong những cuộc di cư này.