DNews

"Bước nhảy vọt" để Việt Nam phát triển mạng vệ tinh, điện hạt nhân

Minh Nhật

(Dân trí) - Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với những quyết sách mang tính đột phá: Phát triển điện hạt nhân, viễn thông vệ tinh quỹ đạo tầm thấp và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

"Bước nhảy vọt" để Việt Nam phát triển mạng vệ tinh, điện hạt nhân

Những quyết sách chiến lược mở ra kỷ nguyên mới cho khoa học

Khi thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển công nghệ vượt bậc, việc Việt Nam chủ động tham gia các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như điện hạt nhân và viễn thông vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO) không còn là lựa chọn mà là tất yếu.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV, diễn ra từ ngày 12/2 đến sáng 19/2, các đại biểu đã thảo luận và đi đến thống nhất thông qua loạt nghị quyết quan trọng. Trong đó, nổi bật là quyết định thí điểm đầu tư mạng viễn thông vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và cơ chế đặc thù cho nghiên cứu khoa học.

Bước nhảy vọt để Việt Nam phát triển mạng vệ tinh, điện hạt nhân - 1

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Những quyết sách này không chỉ phản ánh tầm nhìn dài hạn mà còn là minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam trong hành trình chinh phục các đỉnh cao công nghệ, đảm bảo an ninh năng lượng và thông tin quốc gia.

Báo cáo kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết: "Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để khẩn trương trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XV của Đảng đã đề ra".

Phát triển viễn thông vệ tinh tầm thấp

Theo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được thông qua, Quốc hội đã cho phép triển khai thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO).

Bước nhảy vọt để Việt Nam phát triển mạng vệ tinh, điện hạt nhân - 2

Quốc hội đã cho phép triển khai thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (Ảnh: Getty).

Đây là bước đi chiến lược giúp Việt Nam nâng cao năng lực kết nối viễn thông, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền và tạo nền tảng hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, việc thí điểm sẽ kéo dài không quá 5 năm và phải kết thúc trước ngày 1/1/2031. Quá trình triển khai phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về an ninh, quốc phòng, bảo mật thông tin và lợi ích quốc gia.

Nghị quyết nhấn mạnh không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Thí điểm dịch vụ viễn thông vệ tinh tầng thấp sẽ cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với cơ chế cấp phép sử dụng tần số linh hoạt, giảm thiểu thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp được phép đăng ký sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho hệ thống vệ tinh, thay thế việc cấp phép riêng lẻ cho từng người dùng đầu cuối. Đây là thay đổi lớn giúp rút ngắn thời gian triển khai, nâng cao hiệu quả vận hành và tối ưu chi phí đầu tư.

Bước nhảy vọt để Việt Nam phát triển mạng vệ tinh, điện hạt nhân - 3

Việc triển khai mạng vệ tinh LEO sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt trong việc nâng cao khả năng kết nối (Ảnh: Getty).

Để đảm bảo an toàn và kiểm soát chặt chẽ, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ phối hợp thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình thí điểm. Các doanh nghiệp tham gia phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo mật dữ liệu, không gây nhiễu loạn tần số quốc gia và tuân thủ quy định về an toàn hàng không, hàng hải.

Việc triển khai mạng vệ tinh LEO sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt trong việc nâng cao khả năng kết nối tại các khu vực hẻo lánh, biên giới, hải đảo.

Với sự hỗ trợ từ các cơ chế đặc thù trong Nghị quyết, Việt Nam kỳ vọng sẽ sớm làm chủ công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, phát triển các dịch vụ viễn thông tiên tiến và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực không gian.

Đây là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia giai đoạn 2025-2030, hướng tới mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số tiên tiến trong khu vực.

Cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân

Việt Nam đang đối mặt với áp lực gia tăng nhu cầu điện năng, đặc biệt khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, đến năm 2035, nhu cầu điện có thể đạt mức hơn 500 tỷ kWh.

Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch dần cạn kiệt và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện hạt nhân được coi là giải pháp tất yếu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững.

Bước nhảy vọt để Việt Nam phát triển mạng vệ tinh, điện hạt nhân - 4

Quốc hội thông qua chính sách đặc biệt về điện hạt nhân (Ảnh minh họa: Getty).

Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội thông qua sáng 19/2, với 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần, cùng một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án.

Với các cơ chế, chính sách đặc biệt, Quốc hội quyết nghị dự án được triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.

Trong lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu, Quốc hội quyết định trao cho Thủ tướng quyền giao chủ đầu tư thực hiện các dự án.

Dự án cũng được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế.

Quốc hội cũng thống nhất cho áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bao gồm: lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng chìa khóa trao tay; thẩm tra hồ sơ phê duyệt địa điểm…

Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn để thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh, kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng là một chính sách đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Nhấn mạnh điện hạt nhân là dự án quy mô lớn, lần đầu Việt Nam thực hiện nên Quốc hội yêu cầu cần có cơ chế, chính sách bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo đó, Thủ tướng cần thành lập tổ công tác gồm đại diện các bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và các bộ, ngành liên quan, để theo dõi, giám sát thường xuyên quá trình thực hiện các gói thầu.

Việc đầu tư vào điện hạt nhân không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện trong nước mà còn mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương.

Trong dài hạn, khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân sẽ ổn định và thấp hơn so với nhiều nguồn năng lượng truyền thống, giúp giảm áp lực tăng giá điện và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Giải bài toán "trách nhiệm", dẹp nạn "đề tài ngăn kéo"

Các tổ chức, cá nhân tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ không phải hoàn trả kinh phí nếu nghiên cứu không đạt kết quả như dự kiến, với điều kiện đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu và thuyết minh đề cương được phê duyệt.

Bước nhảy vọt để Việt Nam phát triển mạng vệ tinh, điện hạt nhân - 5

Nhiều cú hích từ chính sách cho nghiên cứu khoa học (Ảnh: Getty).

Đây cũng là một điểm đột phát trong Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Điều này ghi nhận tính đặc thù của nghiên cứu khoa học: Không phải dự án nào cũng thành công, nhưng quá trình nghiên cứu thất bại lại có thể mang lại những phát hiện có giá trị khác.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng khoa học, đồng thời giảm tâm lý e ngại khi triển khai các đề tài nghiên cứu mũi nhọn.

Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng - Đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách

Một điểm mới khác được đưa vào Nghị quyết là phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Theo đó, Nhà nước sẽ cấp kinh phí cho nhiệm vụ khoa học dựa trên cam kết về sản phẩm với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được.

Điều này giúp giảm thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung chuyên môn thay vì lo lắng về các quy trình thanh quyết toán phức tạp. Đồng thời, việc khoán chi đến sản phẩm cũng thúc đẩy trách nhiệm của tổ chức chủ trì, buộc họ phải đặt mục tiêu thực chất thay vì chạy theo hình thức.

Kinh phí nghiên cứu sẽ được phân bổ thông qua các quỹ phát triển khoa học công nghệ, đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Ngoài ra, các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công trong nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân, giúp cải thiện chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nghiên cứu.

Giải quyết nạn "đề tài ngăn kéo"

Nghị quyết lần này cũng khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu nhằm đưa sản phẩm khoa học vào thực tiễn, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống. Theo đó:

Tổ chức khoa học công lập và các cơ sở giáo dục đại học được phép thành lập hoặc góp vốn vào doanh nghiệp để triển khai các sản phẩm nghiên cứu.

Viên chức quản lý làm việc tại các tổ chức này cũng được phép tham gia điều hành doanh nghiệp, với điều kiện có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan (hoặc cấp trên quản lý trực tiếp nếu là người đứng đầu tổ chức).

Điều này mở ra cơ hội cho các nhà khoa học trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường, tạo ra giá trị kinh tế thay vì dừng lại ở các báo cáo, đề tài cất ngăn kéo.