DNews

Khoảnh khắc mẹ cứu con khi rắn hổ mang bò vào phòng ngủ tại Hải Dương

T.Thủy

(Dân trí) - Đoạn clip ghi lại khoảnh khắc người phụ nữ hốt hoảng kéo hai con nhỏ bỏ chạy khi phát hiện rắn hổ mang bất ngờ bò vào nơi ba mẹ con đang nằm, khiến nhiều người chứng kiến phải rùng mình.

Khoảnh khắc mẹ cứu con khi rắn hổ mang bò vào phòng ngủ tại Hải Dương

Người phụ nữ giật mình hốt hoảng khi phát hiện rắn trong phòng ngủ

Đoạn clip được chia sẻ lên mạng xã hội TikTok và nhanh chóng "gây sốt" cộng đồng mạng, cho thấy khoảnh khắc người phụ nữ đang chuẩn bị cho con bú thì giật mình phát hiện một con rắn ẩn nấp ngay phía trên nệm, gần vị trí em bé đang nằm.

Trước đó, con rắn này nằm phía dưới đống gấu bông và chỉ khi em bé nhặt món đồ chơi lên, người mẹ mới nhìn thấy con vật. Người phụ nữ hốt hoảng lập tức bế con nhỏ và kéo bé gái đang nằm ngủ bên cạnh bỏ chạy ra ngoài.

Người phụ nữ giật mình hốt hoảng khi phát hiện rắn trong phòng ngủ (Video: TikTok).

"Nếu lúc ấy em bé 6 tháng của mẹ không nhấc con mèo bông ra thì… phòng ở tầng 2, xung quanh toàn nhà với nhà. Trước giờ chỉ thấy rắn vào nhà trên mạng, nay gặp phải sợ run người", tác giả đoạn clip chia sẻ trên TikTok.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, tình huống đáng sợ này xảy ra tại thị trấn Tứ Kỳ, Hải Dương. Con rắn sau đó đã bị gia đình tiêu diệt. May mắn không có người nào bị rắn cắn trong sự việc này.

Dựa vào hình ảnh xác rắn được tác giả đoạn clip chia sẻ lên mạng xã hội, có thể nhận thấy đây là một cá thể rắn hổ mang Trung Quốc, loài rắn độc được phân bố rộng tại các tỉnh thành phía Bắc nước ta.

Khoảnh khắc mẹ cứu con khi rắn hổ mang bò vào phòng ngủ tại Hải Dương - 1

Con rắn bị tiêu diệt sau khi bò vào phòng ngủ. Đây là một cá thể rắn hổ mang Trung Quốc, sở hữu nọc độc chết người (Ảnh cắt từ clip).

Loài rắn độc thường gặp tại miền Bắc Việt Nam

Rắn hổ mang Trung Quốc, có tên khoa học Naja atra, còn được biết đến với tên gọi hổ mang bành, hổ mang thường… là một trong những loài rắn độc phổ biến nhất tại khu vực miền Bắc Việt Nam.

Rắn hổ mang Trung Quốc được phân bố chủ yếu tại khu vực đông nam Trung Quốc, đảo Hải Nam, đảo Đài Loan, phía Bắc Việt Nam và một phần nhỏ phía bắc của Lào.

Khoảnh khắc mẹ cứu con khi rắn hổ mang bò vào phòng ngủ tại Hải Dương - 2

Hổ mang Trung Quốc là loài rắn phân bố rộng tại khu vực miền Bắc Việt Nam, bắt gặp nhiều vào mùa mưa (Ảnh: iNaturalist).

Tại Việt Nam, loài rắn này có nhiều ở các tỉnh thành ở phía Bắc, kéo dài đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và xuất hiện rải rác tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Các tỉnh thành phía nam từ Thừa Thiên-Huế trở vào hầu như không ghi nhận sự xuất hiện của rắn hổ mang Trung Quốc.

Rắn hổ mang Trung Quốc là loài rắn độc kích thước trung bình, với chiều dài khoảng từ 1,2 đến 1,5m, đôi khi có thể dài đến 2m nhưng rất hiếm gặp. Giống các loài rắn hổ mang khác, rắn hổ mang Trung Quốc dễ dàng được nhận dạng nhờ phần cổ có khả năng bành mang và ngóc cao đầu khi bị đe dọa.

Khoảnh khắc mẹ cứu con khi rắn hổ mang bò vào phòng ngủ tại Hải Dương - 3

Một vài kiểu hoa văn khác nhau phía sau cổ của rắn hổ mang Trung Quốc (Ảnh: HongKong SnakeID).

Rắn hổ mang Trung Quốc được tìm thấy ở nhiều môi trường sống khác nhau, bao gồm đồng cỏ, rừng cây, đất cây bụi, đầm lầy, ven sông suối, khu vực ruộng lúa canh tác nông nghiệp… thậm chí, loài rắn này còn có thể được tìm thấy cả ở những khu dân cư sinh sống, những nơi có đất bỏ hoang cây cối mọc um tùm tại các thành phố…

Loài rắn này hoạt động cả ngày, nhưng chủ yếu săn mồi vào ban đêm. Thức ăn chính của chúng là cóc, ếch, thằn lằn, chuột và cả các loài rắn khác. Rắn non chủ yếu ăn ếch, nhái.

Rắn hổ mang Trung Quốc là loài hung dữ, nhưng chúng vẫn ít khi chủ động tấn công con người, luôn tìm cách tránh xa và lẩn trốn để không đối đầu với con người. Tuy nhiên, rắn hổ mang Trung Quốc non thường có xu hướng hung dữ hơn do bản năng sinh tồn của chúng, luôn phải chống chọi với nhiều loại kẻ thù để sống sót khi còn nhỏ.

Cần làm gì nếu không may bị rắn hổ mang Trung Quốc cắn trúng?

Rắn hổ mang Trung Quốc là loài rắn sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người. Đây là loài rắn gây ra số lượng rắn độc cắn và số ca tử vong do rắn cắn nhiều nhất tại Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục.

Rắn hổ mang Trung Quốc sở hữu nọc độc thần kinh và nọc độc tế bào, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim và gây hoại tử vết thương. Khi con người bị cắn, vết thương sẽ sẫm màu đỏ và sưng đau tại vết cắn.

Một con rắn hổ mang Trung Quốc non bò vào nhà và chui vào sau khe tủ tại Thanh Hóa (Video: SIFASV).

Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ bị hoại tử vết thương, đau tức ngực, sốt cao, đau họng, khó nuốt, tụt lưỡi gây mất giọng, các chi yếu dần, khó thở và cuối cùng là dẫn đến tử vong.

Trong trường hợp bị loài rắn này cắn trúng, cần phải giữ nạn nhân bình tĩnh, tránh vận động nhiều khiến tim đập nhanh dẫn đến nọc độc lan truyền nhanh hơn.

Do rắn hổ mang Trung Quốc sở hữu nọc độc tế bào gây hoại tử, tuyệt đối không được sơ cứu bằng cách băng ga rô vì điều này có thể khiến vết thương trầm trọng hơn. Cần phải lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc vết thương đúng cách.

Hiện tại đã có huyết thanh giải độc cho vết cắn do rắn hổ mang Trung Quốc gây ra, giúp giảm nguy cơ tử vong và để lại hậu quả sau khi bị rắn cắn.

Thực hư tin đồn rắn thích và trườn theo mùi sữa mẹ

Sau khi đoạn clip kể trên "gây sốt" mạng xã hội, nhiều cư dân mạng cho rằng rắn rất thích mùi sữa mẹ và thường ngửi mùi để bò đến những nơi có sữa mẹ. Đó là lý do tại sao con rắn trong đoạn clip lại bò vào phòng ngủ của ba mẹ con.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc rắn yêu thích mùi sữa mẹ chỉ là một tin đồn dân gian vô căn cứ.

Khoảnh khắc mẹ cứu con khi rắn hổ mang bò vào phòng ngủ tại Hải Dương - 4

Nhiều cư dân mạng cho rằng rắn thích mùi sữa mẹ, nhưng đây chỉ là tin đồn vô căn cứ (Ảnh chụp màn hình).

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Tân - Cán bộ nghiên cứu Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), chuyên gia phân loại các loài bò sát và lưỡng cư, đồng thời là quản lý của SIFASV, một nhóm Facebook chuyên hỗ trợ nhận dạng rắn tại Việt Nam - việc rắn thích mùi sữa mẹ và bò vào nhà theo mùi này chỉ là tin đồn không có căn cứ khoa học.

Thạc sĩ Tân cho biết việc rắn xuất hiện trong phòng ngủ như đoạn clip kể trên hoặc đôi khi xuất hiện ở những nơi có sữa mẹ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Việc lan truyền những tin đồn vô căn cứ và thiếu cơ sở khoa học này có thể khiến nhiều người phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ lo lắng và hoang mang, nhất là với những ai sống ở khu vực nông thôn, gần rừng núi… nơi có nhiều loài rắn đang sinh sống.