Bà mẹ dặn con "xài sách giáo khoa cho... nát bươm, không cần giữ"

Hoài Nam

(Dân trí) - Trẻ sử dụng sách giáo khoa mà phải khổ sở giữ gìn, kiêng khem không viết vào sách... với chị Mai là việc mất công, vô ích.

Xài cho nát bươm để tránh lãng phí

Chị Nguyễn Ngọc Mai, ở phường 16, Gò Vấp, TPHCM cho biết, chị vẫn nghe mọi người nhắc nhau hướng dẫn con giữ gìn sách giáo khoa (SGK), không viết vào sách, còn để lại cho lớp sau sử dụng. 

Năm đầu tiên con vào lớp 1, chị Mai cũng theo phương châm này thực hiện nhằm tái sử dụng SGK. Mua sách về cho con, chị sẽ bìa bao thật cẩn thận, dặn dò con dùng phải biết giữ, tuyệt đối không viết vào sách.

Bà mẹ dặn con xài sách giáo khoa cho... nát bươm, không cần giữ - 1

Rất nhiều cuốn trong bộ SGK của con chị Mai không dùng đến được chị đem tặng (Ảnh: H.N).

Khi đó, con dùng sách chỉ cần rách chút ít hay có dấu bút trong chị sẽ răn đe ngay, nào là con không biết giữ gìn, không biết tiết kiệm. Nhưng sau này, chị nhận ra đây là việc... vô nghĩa. 

Theo đánh giá của chị chất lượng giấy, đóng gói của SGK rất kém trong khi khổ sách to, có khi chỉ cần cầm nhẹ cũng có thể rách hoặc bung ngay. 

Vậy nên, việc các con sử dụng trong cả năm học bị bung, rách bung là hết sức bình thường. Nếu bắt trẻ vừa dùng vừa phải dè chừng sợ hư sợ hỏng sẽ trở thành lo lắng không đáng có. 

Hơn nữa, theo chị Mai, giá mỗi cuốn sách giáo khoa tính ra không đắt, nếu không muốn nói là rẻ. Ở bậc tiểu học con chị, sách chỉ từ mười mấy đến hai mấy ngàn đồng một cuốn.

Khi đó, chị Mai cũng từng muốn đem cho sách con đã dùng. Những cuốn cháu sử dụng quanh năm như toán, tiếng Việt vẫn sử dụng lại được nhưng các phụ huynh khác từ chối, họ thà bỏ tiền mua sách mới cho con hơn dùng sách cũ. 

Chưa nói đến việc sách mỗi năm còn có thể sẽ được điều chỉnh nội dung; rồi mỗi nơi học một bộ sách khác nhau nên người thân muốn để lại cho nhau cũng không dễ. 

Từ năm con học lớp 3, chị Mai đổi hướng, khuyến khích con khi học cần nhớ điều gì hãy ghi chú ngay vào trong sách; nhắc con sách phải được xài triệt để, xài cho... nát bươm thì thôi.

Từ đó, các cuốn SGK hay dùng của con chị luôn chi chít chữ, công thức, ghi nhớ, cho đến cuối năm là tan tác tả tơi. 

"Nếu con không ghi chú trong sách, tôi sẽ phải sắm thêm cuốn tập giá tầm 12.000 - 13.000 đồng gần bằng giá cuốn sách để cháu sử dụng. Như vậy, sẽ thêm lỉnh kỉnh, không hiệu quả và tốn kém hơn", chị cho hay.

Bà mẹ dặn con xài sách giáo khoa cho... nát bươm, không cần giữ - 2

Phụ huynh ở TPHCM tìm mua SGK tại hiệu sách (Ảnh: H.N).

Là người đọc sách, nhìn từ giá sách của mình, chị Mai thấy rõ cuốn nào càng cũ, hay có ghi chú cũng chính là những cuốn được đọc đi lại, được sử dụng hiệu quả nhất. Còn những cuốn nằm im trên kệ sách, mới tinh, không hoặc ít được dùng đến mới là lãng phí. 

Theo chị Mai, việc giữ cho sách lớp sau hiện nay không còn mấy thực tế. Việc lãng phí không hẳn ở việc dùng sách không giữ lại cho các em mà lãng phí ở chỗ là hiện nay có quá nhiều đầu sách trong bộ SGK của học sinh không được dùng đến.

Trường hợp của con chị Mai, mỗi năm có rất nhiều cuốn đến cuối năm học vẫn nguyên xi như cuốn hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất cùng hàng loạt cuốn vở bài tập... 

"Cuối năm tôi dọn sách, có nhiều cuốn còn mới tinh. Mới không phải vì mình giữ gìn kỹ đâu mà vì đã không được dùng đến. Sách không dùng đến thì một ngàn đồng cũng là lãng phí", người mẹ chua chát. 

Chị Mai cho biết, rút kinh nghiệm những năm trước mua sách ở trường phải mua theo bộ, hai năm nay chị ra nhà sách tự mua. Chị chỉ mua những cuốn sách cần thiết, hay được sử dụng nên tiết kiệm được một khoản kha khá và cũng tránh được cảm giác khó chịu mua sách mà không dùng đến. 

Xót xa khi xin sách cũ, toàn nhận... sách mới 

Cô Nguyễn Thị Hà, một giáo viên về hưu ở TPHCM, tham gia hoạt động quyên góp sách tặng học sinh khó khăn tâm tư khi nhận SGK từ phụ huynh, học sinh, cô thấy có rất nhiều cuốn các em không hề dùng đến, còn mới cứng.

"Gom sách cũ mà toàn nhận về sách mới, xót xa vô cùng. Tôi nhìn những cuốn sách cả năm còn nguyên không mấy khi được xài đến mới thấy lãng phí chứ không phải những cuốn xài đến cũ", cô Hà nói. 

Bà mẹ dặn con xài sách giáo khoa cho... nát bươm, không cần giữ - 3

Gom SGK cũ, nhiều người nhận về nhiều cuốn sách mới tinh vì sách đã không được dùng đến sau một năm học (Ảnh: H.N).

Theo cô Hà, chúng ta cần đặt cái tâm của người làm giáo dục trong SGK cho học sinh. Không chỉ là chất lượng mà phải chú ý đến yếu tố những cuốn sách đó có thật sự cần thiết cho việc học của các em, có đang gây lãng phí hay không. 

Cô quan sát thấy học sinh lớp 1 như hiện nay đi học mà mang bộ sách tầm 20 cuốn các loại bao gồm vở bài là quá khủng khiếp và lãng phí. Lớp 1, các em chưa biết chữ mà nào sách thể dục, nào sách trải nghiệm, nhiều loại vở bài tập này kia là không cần thiết...

Nói về sự lãng phí trong đời sống xã hội nói chung và vấn đề sách nói riêng, Phó hiệu trưởng một trường phổ thông ở TPHCM ví von, không chỉ bia mà giá sách ở Việt Nam cũng thuộc vào hàng rẻ nhất thế giới. Một mặt đây là chính sách để khuyến đọc, khuyến học nhưng một mặt, chúng tạo ra sự lãng phí.

Theo ông, đã từ lâu ông không thấy việc học sinh sử dụng lại sách cũ từ đàn anh. Cứ đầu năm học là phụ huynh lại mua hoặc đóng tiền thông qua trường mua bộ sách cho mới cho con. So với nhiều gia đình, giá một bộ sách như vậy là quá rẻ, không đáng là bao mà phải dùng sách cũ.

Tuy thực tế cũng có một tỷ lệ nào đó dùng lại sách cũ, có những phong trào quyên góp sách cũ cho trẻ dùng sâu vùng xa nhưng nhà quản lý trường học này cho rằng không khó thấy tỷ lệ SGK không được dùng lại rất lớn.

Còn ở nhiều nước, ông cho biết giá sách rất đắt. Bởi vậy, các trường sẽ cho học sinh mượn với cam kết sẽ phải đền nếu hư hỏng, mất mát. 

Hơn nữa, sách đắt nên người mua phải hết sức cân nhắc, nâng lên đặt xuống. Đã cân nhắc như vậy là mua sẽ phải đọc, phải giữ, hoặc giới thiệu cho bạn bè với ông cũng là một cách tiết kiệm. 

Vị Phó hiệu trưởng đưa ra góc nhìn: "Sách rẻ mà mua để trên kệ, không đọc đến chính là sự lãng phí". 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm