Trung Quốc, Lào và các nước châu Á dùng một hay nhiều bộ sách giáo khoa?
(Dân trí) - Kể từ giữa thập niên 90 trở lại đây, nhiều quốc gia khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã thực hiện chính sách một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
Những nước nào áp dụng chính sách nhiều bộ sách giáo khoa?
Nhật Bản là quốc gia sớm cởi mở về sách giáo khoa. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản chỉ đóng vai trò kiểm soát chất lượng sách. Việc lựa chọn sách giáo khoa cấp tiểu học và THCS do một ủy ban trường học tại mỗi địa phương quyết định. Ủy ban này gồm các giám sát viên, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh đại diện cho các trường.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải (Hà Nội) từng có 4 năm nghiên cứu sinh tại Osaka, Nhật Bản (2014-2019) cho biết, sách giáo khoa phổ thông ở Nhật Bản được phát miễn phí cho học sinh.
Con chị Hải học tại Nhật hai năm lớp 1 và 2, không phải mua bất cứ cuốn sách giáo khoa nào. Học sinh được phát sách vào đầu mỗi năm học, không phải trả lại vào cuối năm và được quyền viết vào sách.
Hàn Quốc hiện cho phép lưu hành khoảng 6 bộ sách giáo khoa. Chính sách tự do hóa sách giáo khoa được triển khai tại Hàn vào thập niên 1990. Mỗi trường học được quyền tự lựa chọn bộ sách giáo khoa trong danh mục phê duyệt của Bộ Giáo dục.
Chị Nguyễn Thu Hương hiện đang sinh sống tại Bucheon cho biết, từ năm 2021, Hàn Quốc miễn phí giáo dục cho học sinh phổ thông. Học sinh được tài trợ hoàn toàn học phí, sách giáo khoa, học liệu, ăn trưa… Giống Nhật Bản, học sinh Hàn Quốc không phải trả lại sách giáo khoa sau mỗi năm học.
Tuy nhiên, chị Hương cho hay, khi đi học tại các trung tâm học thêm, học sinh phải mua sách giáo khoa do tư nhân xuất bản rất đắt đỏ. Chi phí học thêm 3 môn toán, tiếng Anh, ngữ văn tại những trung tâm này có thể lên đến 400 đô/tháng bao gồm học liệu.
Trung Quốc thực hiện đa dạng hóa sách giáo khoa vào cuối những năm 90. Tuy nhiên, Thượng Hải là địa phương tiên phong trong việc đổi mới này từ cuối thập niên 80. Quyền lựa chọn sách giáo khoa thuộc về các Sở Giáo dục hoặc chính quyền thành phố.
Đài Loan áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa với cấp tiểu học từ năm 1996 và với các cấp học phổ thông còn lại vào năm 1999.
Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore đều đang sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa đồng thời trên toàn quốc.
Mô hình hỗn hợp nhà nước và tư nhân cùng làm sách giáo khoa
Mặc dù tại Trung Quốc không có nhà xuất bản nào hoàn toàn là tư nhân, cũng có nghĩa các bộ sách giáo khoa không hoàn toàn là sách thương mại, song Bộ Giáo dục Trung Quốc vẫn biên soạn một bộ sách giáo khoa cạnh tranh cùng các bộ sách khác.
Một số nước như Hàn Quốc, Singapore áp dụng mô hình Bộ Giáo dục giữ trách nhiệm xuất bản sách giáo khoa một số môn học mà Chính phủ xem là lợi ích quốc gia như lịch sử và đạo đức.
Năm 2015, Hàn Quốc thông báo nhà nước sẽ tự xuất bản sách giáo khoa lịch sử bậc THCS trở lên nhằm "xác lập quan điểm lịch sử đúng đắn, cân bằng trên cơ sở thực tế khách quan và trung thành với hiến pháp".
Còn tại Singapore, Bộ Giáo dục giữ quyền xuất bản sách giáo khoa tiếng mẹ đẻ và môn giáo dục công dân.
Đài Loan chưa làm bộ sách giáo khoa riêng của nhà nước nhưng trong chính sách có quy định Bộ Giáo dục có thể biên soạn sách giáo khoa "khi cần thiết".
Tại Indonesia, nhiều năm thực thi thiếu nghiêm ngặt việc sử dụng sách giáo khoa thương mại đã dẫn đến sự thông đồng giữa nhà trường và nhà xuất bản đẩy giá sách lên cao bất thường. Do đó, chính phủ đã giành lại quyền xuất bản sách giáo khoa bằng chương trình giáo dục mới, tuyên bố cạnh tranh với "bên thứ ba".
Giá sách giáo khoa tại các nước ra sao?
Trung Quốc miễn phí sách giáo khoa của Nhà nước cho tất cả học sinh trong giáo dục cơ bản từ năm 2017. Riêng tại Hong Kong, giá sách giáo khoa không bị kiểm soát.
Indonesia thả nổi giá sách giáo khoa.
Nhật Bản phát miễn phí sách giáo khoa tới các trường học.
Malaysia và Thái Lan thực hiện chính sách cho học sinh thuê miễn phí sách giáo khoa. Phụ huynh chỉ phải trả tiền khi học sinh làm mất sách. Riêng Thái Lan cung cấp sách bài tập miễn phí. Học sinh được viết trực tiếp vào sách và không phải trả lại cuối năm học.
Lào trợ giá sách giáo khoa cho học sinh toàn quốc và miễn phí với học sinh vùng sâu vùng xa.
Hàn Quốc phát miễn phí sách giáo khoa từ năm 2021. Trước năm 2021, giá sách được quyết định bởi nhà xuất bản nhưng Bộ Giáo dục được can thiệp để giảm giá khi cần thiết.
Singapore kiểm soát giá sách giáo khoa bằng cách thẩm định giá đề xuất của các nhà xuất bản trong quá trình phê duyệt. Phụ huynh mua sách giáo khoa theo giá thương mại. Tuy vậy, các tổ chức xã hội hóa luôn có chương trình đóng góp sách giáo khoa miễn phí cho gia đình có thu nhập thấp.
Trong báo cáo dài 76 trang của Ngân hàng ADB về chính sách sách giáo khoa ở châu Á, nhóm tác giả gọi việc các quốc gia thực hiện mô hình đa sách giáo khoa là "một bước tiến vĩ đại".
Cơ sở lý luận của chính sách nhiều sách giáo khoa có thể được mô tả dưới dạng "phá vỡ mối liên kết" giữa sách giáo khoa và đề thi.
Ở các hệ thống sử dụng duy nhất một bộ sách giáo khoa, các kỳ thi chỉ đơn giản là kiểm tra khả năng nhớ lại các đoạn văn bản và các bài tập cụ thể trong sách, phương pháp giảng dạy chủ đạo là giáo viên ra lệnh, học sinh sao chép.
Bằng cách phê duyệt nhiều sách giáo khoa, các nhà trường và các giáo viên buộc phải quan tâm đến chương trình giảng dạy, tham khảo thêm nhiều tài liệu khác chứ không chỉ duy nhất cuốn sách giáo khoa. Từ đó thay đổi cách thức thi cử, học tập và nâng cao chất lượng giáo dục.
Báo cáo cũng khẳng định nền tảng của các bộ sách giáo khoa chất lượng cao là một khung chương trình giảng dạy mạch lạc và được tổ chức tốt. Tầm nhìn và phương pháp sư phạm cho từng môn học phải mạch lạc và thống nhất trong toàn bộ chương trình môn học.
(*) Bài viết sử dụng tư liệu trong báo cáo "Những chính sách sách giáo khoa ở châu Á - Xây dựng, xuất bản, in ấn, phân phối và hàm ý cho tương lai" công bố tháng 12/2018 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).